Kinh tế Đức trì trệ và suy thoái: 'Cỗ máy tăng trưởng của châu Âu' giậm chân tại chỗ

Ông Carsten Brzeski, nhà kinh tế hàng đầu tại Ngân hàng Hà Lan ING, đã mô tả vấn đề mà Đức đang phải đối mặt là 'sự suy thoái chậm chạp' và nền kinh tế Đức đang 'mắc kẹt trong vùng tranh tối tranh sáng giữa trì trệ và suy thoái'.

Nền kinh tế Đức đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Nền kinh tế Đức vẫn đang giậm chân tại chỗ, theo các số liệu được chính quyền nước này công bố vào ngày 28/7. Quốc gia từng là cường quốc công nghiệp của toàn châu Âu hiện đang phải vật lộn với nhiều khó khăn như giá năng lượng cao, lãi suất tăng cao trong khi các đối tác thương mại chủ chốt lại đang phục hồi với tốc độ chậm chạp.

Theo Văn phòng Thống kê Liên bang, sản lượng kinh tế ở Đức tiếp tục bị đình trệ trong quý từ tháng 4 đến tháng 6 vừa qua, nối tiếp mức giảm 0,1% trong ba tháng đầu năm và mức giảm 0,4% trong ba tháng cuối năm 2022. Cũng giống như nhiều nền kinh tế lớn ở châu Âu, Đức đang phải hứng chịu cú sốc năng lượng gây ra bởi cuộc chiến Nga - Ukraine.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo Đức sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới suy giảm GDP trong năm nay.

Nền kinh tế Đức đã và đang phải đối mặt với một số thách thức lớn. Đầu tiên có thể kể đến là sự phụ thuộc lâu dài vào khí đốt tự nhiên của Nga để phục vụ cho ngành công nghiệp nhiên liệu đã phản tác dụng khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra.

Dưới tác động của các lệnh hạn chế từ Mỹ và phương Tây, Đức đã đánh mất nguồn cung dầu khí giá rẻ từ Moscow, khiến chi phí cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như kim loại, thủy tinh, ô tô và phân bón trở nên đắt đỏ hơn.

Nền kinh tế Đức đang trì trệ trong nhiều tháng qua.

Việc Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất cao hơn cũng đã đè nặng lên các dự án xây dựng vốn phụ thuộc nhiều vào việc vay mượn. Trong khi đó, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Đức, sau khi kết thúc các biện pháp hạn chế do COVID-19 lại không được như kỳ vọng .

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết kết quả kinh tế trong quý hai "còn lâu mới đạt yêu cầu".

Ông kêu gọi chính phủ cần hành động để giảm giá năng lượng cho ngành công nghiệp cũng như đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo cho tương lai.

Các yếu tố khác như dân số già hóa, tốc độ ứng dụng công nghệ kỹ thuật số chậm, tình trạng quan liêu quá mức cản trở các hoạt động kinh doanh và các dự án xây dựng công cộng, và tình trạng thiếu lao động có kỹ năng cũng đang đè nặng lên nền kinh tế Đức.

Ông Carsten Brzeski, nhà kinh tế hàng đầu tại Ngân hàng Hà Lan ING, đã mô tả vấn đề mà Đức đang phải đối mặt là "sự suy thoái chậm chạp" và nền kinh tế Đức đang "mắc kẹt trong vùng tranh tối tranh sáng giữa trì trệ và suy thoái". Ông cho biết những dữ liệu kinh tế gần đây "không phải là một tín hiệu tốt cho hoạt động kinh tế trong những tháng tới".

GDP của Đức đã giảm xuống còn 4,2% vào năm ngoái.

"Trên thực tế, sức mua yếu, số lượng đơn đặt hàng công nghiệp mỏng đi, cũng như tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ và sự suy giảm dự kiến của nền kinh tế Mỹ, tất cả đều khiến hoạt động kinh tế Đức dần yếu đi", ông Brzeski cho biết.

Những khó khăn mà kinh tế Đức đang gặp phải phần nào gợi nhớ đến cuộc khủng hoảng vào cuối những năm 1990. Khi đó, chi phí lao động cao đã kìm hãm khả năng cạnh tranh của Đức.

Tuy nhiên, nhờ một loạt cải cách thị trường lao động dưới thời cựu Thủ tướng Gerhard Schroeder vào năm 2003-2004, kinh tế Đức đã được khôi phục. Vị thế của Đức khi đó được ví như một cường quốc xuất khẩu bán máy móc và phương tiện công nghiệp cho phần còn lại của thế giới.

Theo tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels, thặng dư tài khoản vãng lai của Đức là 290 tỷ USD, cao nhất thế giới vào năm 2019. Đức vẫn ghi nhận mức GDP hơn 7% trong sáu năm liên tiếp nhưng đã giảm xuống 4,2% vào năm ngoái.

Minh Nhật

Theo AP News

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/kinh-te-duc-tri-tre-va-suy-thoai-co-may-tang-truong-cua-chau-au-giam-chan-tai-cho-20180504224287163.htm