Kinh tế Đức nỗ lực tìm lại hào quang

Đức - trụ cột kinh tế vững chãi nhất của châu Âu đang đứng trước nhiều thách thức, khiến thế giới càng thêm lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện. Song, Berlin đang làm tất cả để ngăn chặn điều đó.

Đức sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều để có thể vượt qua giai đoạn hiện nay. (Nguồn: EIU)

Những số liệu mới nhất của nền kinh tế lớn nhất châu Âu không tích cực. Theo Văn phòng thống kê Liên bang Đức (Destatis), GDP năm 2023 thấp hơn 0,3% so với năm trước, khiến Đức trở thành nền kinh tế lớn hoạt động kém nhất thế giới.

“Vượt rào”

IMF và OECD đều có chung dự báo về “nỗi buồn” của kinh tế Đức. Một lý do rõ ràng là sự suy thoái toàn cầu trong sản xuất đã khiến ngành công nghiệp Đức - vốn đóng góp 1/5 tổng sản lượng - bị đình trệ.

Những rào cản chính trị, “dư âm” của đại dịch, cùng cuộc xung đột Nga-Ukraine khó đoán hay triển vọng mờ mịt của kinh tế Trung Quốc, tất cả đều là những rào cản lớn đối với đà phục hồi của cường quốc kinh tế số một châu Âu. Mặt khác, những xung đột địa chính trị gần đây trên toàn cầu đã góp phần gia tăng bất ổn cho nền kinh tế của Berlin, vốn lâu nay phụ thuộc vào nhập khẩu dầu và khí đốt giá rẻ từ Nga.

Áp lực lạm phát lớn tác động lên quy trình sản xuất vốn được tối ưu hóa để đạt hiệu quả của các công ty Đức. Theo Destatis, sản xuất ô tô và các thiết bị vận tải khác đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể trong năm ngoái, nhưng sản lượng lại giảm ở các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.

Chi tiêu hộ gia đình và chính phủ ghi nhận giảm lần đầu tiên sau gần 20 năm. Destatis cho biết, điều này là do việc ngừng các biện pháp hỗ trợ phòng chống Covid-19 của chính phủ, chẳng hạn như tiêm chủng và bồi thường cho các bệnh viện để có giường miễn phí.

Nhìn chung, triển vọng tăng trưởng trong năm mới vẫn còn khá mù mịt. Sau khi kết thúc năm 2023, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã có khởi đầu khó khăn, với những cuộc đình công kéo dài liên quan vấn đề lương, giờ làm việc và cắt giảm trợ cấp nhiên liệu của chính phủ.

Mặc dù lạm phát giảm đi, nhưng giá cả vẫn ở mức cao trong toàn bộ nền kinh tế lớn nhất châu Âu và đã cản trở tăng trưởng kinh tế. Lãi suất tăng khiến các công ty Đức gặp khó khăn hơn trong việc đảm bảo nguồn tài chính, cũng như tăng chi phí hoạt động và làm suy yếu nhu cầu trong và ngoài nước.

Con đường duy nhất?

Số liệu gần đây của Bundesbank còn cho thấy, trong nửa đầu năm 2023, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đức chỉ 3,5 tỷ Euro, “tụt dốc không phanh” từ mức 34,1 tỷ Euro cùng kỳ năm 2022 và là con số thấp nhất trong gần 20 năm. Nhiều người đã tỏ ra hoài nghi về khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư của nền kinh tế Đức hiện nay.

Đổi mới từ lâu đã là động lực của kinh tế Đức, khi nước này là một trong những quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho nghiên cứu phát triển R&D trong khối – ở mức hơn 3% GDP/năm.

Ngoài ra, trong một thế giới mà các quốc gia, từ Trung Quốc đến Mỹ, đang ngày càng đẩy mạnh trợ cấp cho các doanh nghiệp trong nước và ban hành các chính sách nhằm bảo vệ nền kinh tế nội địa, Đức cũng cần phải đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng, hiệu quả hoạt động của chính phủ và khuyến khích hệ sinh thái doanh nghiệp.

Điều này sẽ thu hút mạnh mẽ hơn đầu tư từ nước ngoài để Đức và các đối tác EU đổi mới và duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, chuyên gia phân tích Steven Vass của tờ The Conversation nhận định.

Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, cách duy nhất để khắc phục xu hướng giảm này là đặt cược vào sự đổi mới. Theo đó, con đường duy nhất phía trước đối với Đức là đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh R&D và bắt kịp phát triển công nghệ mới, cũng như đẩy mạnh các hoạt động nhà nước hiệu quả hơn giúp đội ngũ doanh nghiệp tự chuyển đổi và duy trì khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.

Có điều đáng nói là mức đầu tư của Đức hiện vẫn tương đương một thập kỷ trước, trong khi, những nước như Mỹ và Nhật Bản đều đầu tư ở mức gần 3,5% GDP.

Berlin “tỉnh giấc”

Tờ Economist bình luận, nền kinh tế lớn nhất châu Âu vừa “tỉnh giấc”, họ đã ngủ quên trong thành công, đến khi xung đột Nga-Ukraine đánh thức họ.

Nhận thấy các lỗ hổng trong cơ cấu nền kinh tế, chi phí nhân công cao hay các rào cản hành chính khác, chính phủ Đức đã sẵn sàng thay đổi khi được hỏi chính phủ sẽ làm gì để cứu vãn nền kinh tế?

Thủ tướng Olaf Scholz cho biết, chính phủ của ông đang thiết lập nhiều dự án mới với “một tốc độ đáng kinh ngạc” để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và tăng cường cung cấp lao động.

Những tín hiệu khởi sắc cho ngành công nghiệp tương lai của Đức bắt đầu xuất hiện. Các nhà sản xuất chip Intel và TSCM – tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (Trung Quốc) đã trình bày kế hoạch xây dựng các nhà máy lớn ở Đức – mặc dù những nhà máy này chỉ được bảo đảm nhờ khoản trợ cấp khoảng 15 tỷ Euro.

Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng, Berlin đang đi đúng hướng bằng cách cố gắng giải quyết các vấn đề cơ cấu thay vì đưa ra các biện pháp kích thích tài chính ngắn hạn.

Chuyên gia kinh tế trưởng Holger Schmieding tại ngân hàng Berenberg của Đức cho biết, “chính phủ Đức đang giải quyết một số vấn đề quan trọng”, trong đó sửa đổi một số đạo luật nhằm đẩy nhanh các khoản đầu tư ưu tiên và thu hút nhiều lao động lành nghề hơn từ nước ngoài.

Một số nhà kinh tế đặt niềm tin rằng, Đức sẽ không duy trì trạng thái trì trệ trong thời gian dài. Những khó khăn mang tính chu kỳ sẽ giảm bớt khi giá năng lượng đi xuống và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phục hồi.

“Tôi có thể nói rằng bi quan là hơi quá” và dự báo tăng trưởng kinh tế Đức sẽ trở lại mức trung bình 1,5% của Khu vực Eurozone vào năm 2025”, theo nhà kinh tế cấp cao Florian Hense tại Công ty Quản lý quỹ Union Investment.

Mảng tiêu dùng của thị trường Đức cũng có triển vọng phục hồi khi tiền lương ở nước này đã tăng hơn 5%, trong khi lạm phát được dự báo giảm một nửa xuống còn 3% vào năm 2024. Ông Jörg Krämer, Chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng Commerzbank của Đức cho biết: “Tiền lương thực tế tăng là một trong những lý do chính khiến chúng tôi nghĩ rằng, chỉ có một cuộc suy thoái nhẹ” vừa đi qua.

Một số người lạc quan còn cho rằng, những khó khăn hiện nay sẽ buộc chính phủ phải giải quyết các vấn đề trên thị trường lao động và những cải cách về phía cung. Điều đó có thể mở ra một kỷ nguyên mới về hiệu quả vượt trội, như cách nước này từng làm được vào thập niên 1990.

Dù vậy, Thủ tướng Olaf Scholz vẫn phải đối mặt với những bất đồng trong liên minh cầm quyền. Nhiều ý kiến cũng chỉ ra, Đức sẽ phải loại bỏ một số trở ngại để có thể tăng cường hoạt động đầu tư, thúc đẩy nền kinh tế, đặc biệt là triệt để giải quyết tình trạng quan liêu và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp.

Về phương diện này, Phó Thủ tướng Robert Habeck cho biết, Berlin đang triển khai rất nhiều giải pháp và hiện đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng cũng thừa nhận giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động vẫn là thách thức lớn, nhất là khi dân số có xu hướng già hóa. Trước mắt, Đức đang ra sức kêu gọi thêm người nhập cư hợp pháp có tay nghề như một biện pháp tạm thời.

Tất nhiên, Đức sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều để có thể vượt qua giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, với tiềm lực mạnh mẽ và kinh nghiệm sản xuất dày dặn, nước Đức hoàn toàn đủ khả năng phá vỡ mọi rào cản, để tiếp tục đảm nhiệm vai trò đầu tàu châu Âu.

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-duc-no-luc-tim-lai-hao-quang-258685.html