Kinh tế Công nghiệp - TTCN Thúc đẩy sáng tạo, sáng chế, làm giàu tài sản trí tuệ

Ngày 9/3, tại TP. Huế, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) phối hợp với Sở Khoa học &Công nghệ tổ chức hội nghị SHTT toàn quốc năm 2023.

Bộ trưởng Bộ KH&CN (thứ hai từ trái sang) trao đổi với lãnh đạo tỉnh về hoạt động sở hữu trí tuệ

Bộ trưởng Bộ KH&CN (thứ hai từ trái sang) trao đổi với lãnh đạo tỉnh về hoạt động sở hữu trí tuệ

Thừa Thiên Huế có 2.041 đơn đăng ký nhãn hiệu

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, quản lý nhà nước về SHTT là một trong những hoạt động quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, thời gian qua, Thừa Thiên Huế chú trọng đẩy mạnh phát triển TSTT gắn với phát triển thị trường KH&CN; Hỗ trợ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của DN trên địa bàn.

Đến nay, toàn tỉnh có 2.041 đơn đăng ký nhãn hiệu, đã được cấp 1.196 giấy chứng nhận nhãn hiệu; trong 107 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã được cấp 82 văn bằng bảo hộ độc quyền; trong 80 đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích đã được cấp 18 văn bằng bảo hộ độc quyền.

Hiện nay, tỉnh đã có 2 chỉ dẫn địa lý: Tinh dầu tràm Huế, nón lá Huế, trong tổng số 128 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam, gồm 13 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài, 115 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.

Có 5 nhãn hiệu chứng nhận: Bún bò Huế, thủ công mỹ nghệ Huế, Festival nghề truyền thống, nông sản Nam Đông, Giải thưởng Cố đô về KHCN và 49 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm tôm chua Huế, bún Vân Cù, gạo đỏ Quảng Điền, làng nghề nước mắm An Dương, dèng A Lưới, cam Nam Đông, gạo Phú Hồ, ném Điền Hương... và đang làm thủ tục bảo hộ 2 chỉ dẫn địa lý cùng nhiều nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể khác.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt (giữa) và lãnh đạo tỉnh tìm hiểu các sản phẩm của Huế đăng ký quyền sở hữu trí tuệ

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt (giữa) và lãnh đạo tỉnh tìm hiểu các sản phẩm của Huế đăng ký quyền sở hữu trí tuệ

Thực hiện chương trình phát triển TSTT tỉnh giai đoạn 2021-2025, đến nay, tỉnh đã hỗ trợ cho trên 100 DN trên địa bàn thông qua các hoạt động bảo hộ thương hiệu sản phẩm, gải pháp hữu ích, sáng chế, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; đồng thời kêu gọi sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ KH&CN, các bộ, ngành Trung ương trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm chủ lực ra nước ngoài.

Tăng hiệu quả quản lý, đổi mới sáng tạo

Đại diện Cục SHTT khẳng định, SHTT là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút chuyển giao công nghệ, đầu tư nước ngoài; nuôi dưỡng và phát triển năng lực đổi mới sáng tạo. Ở Việt Nam, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp hằng năm tăng trung bình 8 - 10%.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương (bìa trái) giới thiệu về một số sản phẩm tham gia đổi mới sáng tạo của tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương (bìa trái) giới thiệu về một số sản phẩm tham gia đổi mới sáng tạo của tỉnh

Tuy nhiên, các chủ thể Việt Nam chủ yếu là đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, số lượng sáng chế chỉ bằng 1/8 so với chủ thể nước ngoài. Chứng tỏ, hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mặc dù khá sôi động, nhưng chưa có nhiều sản phẩm chứa hàm lượng trí tuệ cao, hoạt động nghiên cứu ứng dụng và nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng tạo ra công nghệ, đổi mới sáng tạo vẫn còn hạn chế.

Số lượng đối tượng SHTT chuyển giao quyền sử dụng và quyền sở hữu TSTT chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với đơn được nộp và các văn bằng bảo hộ được cấp, chứng tỏ hoạt động quản lý, khai thác TSTT nói chung và sáng chế nói riêng chưa thực sự hiệu quả.

 Nhiều địa phương quan tâm đến đăng ký SHTT cho sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trên thị trường

Nhiều địa phương quan tâm đến đăng ký SHTT cho sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trên thị trường

Để hoạt động quản lý nhà nước về SHTT, đổi mới, nâng cao hiệu quả phát triển TSTT, hội nghị cũng đặt ra cho các địa phương những yêu cầu đối với SHTT trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Bên cạnh tiếp tục rà soát, thực thi pháp luật, chính sách khai thác TSTT, cần tận dụng tối đa các nguồn lực, thể chế, chính sách, biến tri thức thành của cải vật chất để phát triển đất nước, trong đó lấy DN là trung tâm.

Hội nghị cũng tập trung thảo luận các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong SHTT; tiếp tục chủ động tham gia đàm phán thực thi nghiêm túc các hiệp ước quốc tế.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/thuc-day-sang-tao-sang-che-lam-giau-tai-san-tri-tue-a124754.html