"Kinh tế Anh sẽ chỉ tăng trưởng 0,7% trong năm nay"

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Anh trong năm 2013 và năm 2014, đồng thời kêu gọi chính phủ nước này xem xét lại chương trình "thắt lưng buộc bụng" trong bối cảnh khu vực kinh tế tư nhân đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách này.

Ảnh minh họa. (Nguồn: expatforum.com)

Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố ngày 16/4, IMF dự báo nền kinh tế của "đảo quốc sương mù" sẽ chỉ tăng trưởng 0,7% trong năm nay và 1,5% trong năm tới, thấp hơn so với mức dự báo 1% và 1,8% mà tổ chức này đưa ra trước đó. Như vậy, Anh là nước bị IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nhiều nhất so với các nền kinh tế hàng đầu khác trên thế giới, trong đó có Mỹ, Italia và Tây Ban Nha.
Trước đó, Cơ quan giám sát ngân sách (OBR) của Chính phủ Anh dự báo nền kinh tế nước này tăng trưởng 0,6% trong năm 2013 trước khi phục hồi mạnh lên mức 1,8% trong năm 2014.
IMF cho rằng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cần phải cân nhắc việc áp dụng thêm các biện pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy nền kinh tế khi mà ảnh hưởng từ Chương trình hỗ trợ cho vay vẫn còn hạn chế và chương trình này chỉ khuyến khích cho vay thế chấp hơn là cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo IMF, BoE cũng có thể xem xét các hình thức nới lỏng tiền tệ khác, trong đó có việc mua lại tài sản của ngành kinh tế tư nhân.
Thể chế tài chính này cũng chỉ trích chương trình khắc khổ của Anh trong những năm gần đây và khuyến nghị chính phủ liên minh cần giảm nhịp độ cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức đáng thất vọng. IMF cho rằng việc tái cân bằng trong nước từ lĩnh vực công sang lĩnh vực tư đang bị cản trở bởi các yếu tố như điều kiện tín dụng bị thắt chặt và tình trạng kinh tế bấp bênh, trong khi năng suất giảm sút và chi phí lao động cao hơn đang làm ảnh hưởng đến việc tái cân bằng bên ngoài nền kinh tế.
Trong khi đó Cơ quan thống kê quốc gia Anh (ONS) cho hay tỷ lệ lạm phát tháng Ba vẫn ở mức cao do giá xăng dầu giảm vẫn không bù đắp được mức tăng giá mạnh của một số mặt hàng thuộc nhóm hàng giải trí và văn hóa, như sách, thiết bị nghe nhìn, máy ảnh kỹ thuật số, và phí bảo hiểm ôtô.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - một chỉ số cơ bản trong tính tỷ lệ lạm phát - đứng ở mức 2,8%, mức cao nhất kể từ tháng 5/2012. Theo ONS, mức tăng 5% bảo hiểm ôtô cộng với mức tăng giá của các sản phẩm như sách, máy ảnh kỹ thuật số, đĩa DVD, đã tăng thêm áp lực lên chi tiêu của các hộ gia đình ở "xứ sở sương mù" mặc dù giá xăng và dầu diesel đã giảm nhẹ từ 1,9-2,2 xu/lít và giá đồ nội thất và thịt các loại cũng giảm đáng kể. Tuy nhiên, mức tăng CPI trong tháng Ba vẫn thấp hơn so với con số dự báo tăng 3% của các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó.

[Kinh tế Anh lạc quan với nhiều dấu hiệu tích cực]
Ông David Tinsley, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng BNP Paribas, con số lạm phát trong tháng Ba là nằm trong dự đoán của ông. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% mà BoE đề ra và sẽ phải mất một vài năm mới có thể đưa tỷ lệ lạm phát trở lại mục tiêu này.
Còn chuyên gia Philip Shaw thuộc Công ty quản lý tài sản Investec, nhận định CPI sẽ vượt qua ngưỡng 3% trong những tháng tới. Vấn đề đặt ra là liệu Ủy ban chính sách tiền tệ của BoE có mở rộng chương trình nới lỏng định lượng (QE) hay còn được biết đến như là chương trình mua lại trái phiếu của chính phủ hay không.
BoE trước đó đã đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 2%. Tuy nhiên thời gian gần đây ngân hàng này đã thừa nhận tỷ lệ này sẽ vượt qua mức 3% trong năm nay và sẽ tiếp tục duy trì ở trên mức 2% cho đến tận đầu năm 2016./.

(TTXVN)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/kinh-te-anh-se-chi-tang-truong-07-trong-nam-nay/20134/193129.vnplus