Kinh tế 2021 - lạc quan nhưng không chủ quan

Tháng đầu năm, nền kinh tế tiếp tục có dấu hiệu phục hồi. Các dự báo về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021 dù đã tích cực hơn, song cũng kèm theo điều kiện là dịch Covid-19 được khống chế tốt hơn. Hiện nay, Covid-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Bởi thế, kinh tế Việt Nam trong tháng tới ra sao sẽ phụ thuộc khá lớn vào 'ẩn số' Covid-19.

Kinh tế 2021 - lạc quan nhưng không chủ quan

DƯƠNG THÙY

Thứ Sáu, 05-02-2021, 17:48

+ | Print

Sản xuất công nghiệp trong tháng đầu năm mới 2021 tiếp tục khởi sắc. ẢNH: LAM ANH

Tháng đầu năm, nền kinh tế tiếp tục có dấu hiệu phục hồi. Các dự báo về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021 dù đã tích cực hơn, song cũng kèm theo điều kiện là dịch Covid-19 được khống chế tốt hơn. Hiện nay, Covid-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Bởi thế, kinh tế Việt Nam trong tháng tới ra sao sẽ phụ thuộc khá lớn vào “ẩn số” Covid-19.

Theo báo cáo kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021, nhờ đạt được sự cân bằng giữa việc duy trì hoạt động kinh tế và kiểm soát sự lây lan dịch bệnh, xét về khả năng duy trì tăng trưởng, Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có sức chống chịu thuộc nhóm tốt nhất khu vực và thế giới. Với việc các động lực truyền thống có nhiều khả năng hồi phục và nền kinh tế có thể tận dụng được động lực mới, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt từ 6,2 - 6,7%.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, do đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở trong nước, cộng thêm số ngày làm việc của tháng 1 năm nay nhiều hơn tháng 1 năm trước, nên tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng đầu năm mới 2021 “tiếp tục khởi sắc”. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1-2021 ước tính tăng tới 22,2% so tháng 1-2020. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 27,2%. Đây là con số tăng trưởng khá tích cực. Tương tự, tình hình đăng ký doanh nghiệp (DN) trong tháng 1-2021 cũng “khởi sắc” khi DN đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn so cùng kỳ năm trước và tăng ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động. Cụ thể, tổng vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung của các DN vào nền kinh tế trong tháng 1-2021 là 395.100 tỷ đồng, tăng 10,5% so tháng 1-2020. Còn xét về số DN thành lập mới, con số là gần 10.100 DN, tăng 21,9% so cùng kỳ.

Theo các chuyên gia kinh tế, dù các so sánh với cùng kỳ năm trước là khó chính xác, do năm ngoái tháng 1 trùng với Tết Nguyên đán, ngày làm việc ít hơn, còn năm nay kỳ nghỉ Tết rơi vào tháng 2, song vẫn có thể viện dẫn nhiều chỉ số vĩ mô để chứng minh dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế. Số lượng DN thành lập mới tăng cho thấy khả năng cộng đồng DN đã nhìn thấy các cơ hội trong làm ăn kinh doanh thời Covid-19. Nhiều chỉ số khác cũng cho thấy dấu hiệu tốt lên của nền kinh tế so tháng đầu năm trước. Chẳng hạn, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) chỉ trong tháng 1-2021 ước đạt 27,7 tỷ USD, tăng 0,2% so tháng trước và tăng 50,5% so cùng kỳ năm trước. Cũng chỉ trong một tháng đầu năm, đã có tới sáu mặt hàng đạt KNXK hơn một tỷ USD, chiếm 67,3% tổng KNXK.

Nhìn vào số liệu XK của tháng 1-2021 càng khẳng định sự hồi phục của nền kinh tế. Vài năm trước, KNXK tính theo tháng đạt khoảng 18 - 19 tỷ USD đã được coi là kỳ tích. Nhưng hiện nay con số đã lên tới gần 28 tỷ USD. Tháng 12-2020, KNXK cả nước cũng đạt 27,65 tỷ USD. Có được kết quả tích cực này là do các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng XK và nhiều khả năng, XK tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế, giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng trong năm 2021.

Cũng có thể nhìn vào số vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước ước đạt hơn 23.000 tỷ đồng (bằng 5,1% kế hoạch năm, tăng 24,5% so cùng kỳ năm trước) để kỳ vọng năm nay sẽ tiếp tục là năm Việt Nam giành được những kết quả quan trọng trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Nếu giải ngân tốt cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

Dù tín hiệu đầu năm là tích cực, song nỗi lo lớn đã xuất hiện. Dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại trong cộng đồng, với tốc độ lây lan nhanh và số lượng người lây nhiễm khá lớn. Đã có một số địa phương ở Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh… phải thực hiện phong tỏa, hoặc giãn cách xã hội. Nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng nếu như dịch bệnh không sớm được khống chế. Ở các địa phương đang có dịch bệnh, ảnh hưởng dễ thấy nhất là nhu cầu mua sắm giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng sẽ khó khăn hơn, mặc dù mùa Tết Nguyên đán là cơ hội để kích cầu tiêu dùng.

Riêng ở Quảng Ninh, hoạt động du lịch sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định ngay trong dịp Tết Nguyên đán. Các dịch vụ vận tải hành khách bị tạm dừng, Sân bay Vân Đồn đã phải đóng cửa, các hãng hàng không, hãng vận tải sẽ thêm một lần nữa mất khách hàng… Tương tự, tại Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội… sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội cũng sẽ bị ảnh hưởng khi các công ty, khu công nghiệp phải thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch bệnh; học sinh, sinh viên buộc phải nghỉ Tết sớm hơn dự kiến…

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, với những dấu hiệu tích cực, chúng ta có thể lạc quan nhưng không được chủ quan. Vì cần phải nói rõ, dù có rất nhiều dự báo tích cực hơn về tình hình KT-XH năm 2021, song cùng với các dự báo lạc quan đó, bao giờ cũng có điều kiện kèm theo là dịch Covid-19 được khống chế tốt hơn. Hiện nay, Covid-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Bởi thế, kinh tế Việt Nam trong tháng tới ra sao sẽ phụ thuộc khá lớn vào “ẩn số” Covid-19. Chính phủ nên có gói hỗ trợ thứ hai để phục vụ cho hai mục tiêu: phục hồi và tăng trưởng. Với mục tiêu phục hồi, chúng ta nên tập trung chia sẻ khó khăn cho DN trong việc đối phó những tác động do dịch Covid-19. Cần tránh những chính sách gây ra tác động ngược.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-kinhte/kinh-te-2021-lac-quan-nhung-khong-chu-quan-634618/