Kinh nghiệm chinh phục học bổng chính phủ Hungary của nữ sinh Hà Tĩnh

An Na nhớ khoảng thời gian khi bạn bè đã về quê nghỉ Tết, cô vẫn chạy ngược chạy xuôi ở Hà Nội để chuẩn bị hồ sơ nộp học bổng. Cô gái 19 tuổi đã có những chia sẻ thú vị về hành trình đến với học bổng của chính phủ Hungary.

Đậu Quỳnh An Na, sinh năm 2004, là cựu học sinh trường THPT chuyên Đại học Vinh, tỉnh Nghệ An. Cô đã giành được học bổng của chính phủ Hungary với tên gọi Stipendium Hungaricum và đi du học từ tháng 9/2023.

Thành tích nổi bật của An Na.

Hiện An Na là sinh viên năm nhất, ngành Thương mại và Marketing, Đại học Kinh doanh Budapest (Budapest Business University – BBU) tại thủ đô Budapest, Hungary. Được thành lập năm 1857, BBU được bảng xếp hạng đại học thế giới Webometrics đánh giá là trường kinh doanh số 1 tại Hungary.

Trước đó, An Na là sinh viên ngành Quản trị Marketing, trường Đại học Kinh tế quốc dân và từng đạt giải Quán quân cuộc thi Marketing Hive 2023 được tổ chức bởi Học viện Ngoại giao.

Cô gái quê Hà Tĩnh thường được mọi người chú ý và nhầm lẫn là con lai bởi cái tên lạ. Trò chuyện với phóng viên chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, cô cho biết: “Mình cảm thấy đặc biệt vì cái tên này được ghép từ tên của ba mình. Khi đi du học, mình cũng không cần chọn một cái tên tiếng Anh khác”.

Ấp ủ giấc mơ du học từ thời phổ thông, cựu nữ sinh chuyên Văn không ngừng tích lũy các thành tích học tập và ngoại khóa để làm nổi bật hồ sơ. Cô là nhà sáng lập và trưởng ban tổ chức của Éliture Project - dự án văn hóa cho học sinh THPT đầu tiên trên địa bàn thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Năm lớp 12, An Na nhận được học bổng 90% ngành Quản trị kinh doanh của trường SP Jain School of Global Management tại Singapore và Úc, học bổng tài năng ngành Kinh doanh của trường Swinburne Việt Nam.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên cô đã chọn học đại học trong nước và đặt mục tiêu tìm kiếm học bổng du học bậc thạc sĩ. Khi sắp hết học kỳ đầu tiên ở đại học, cô tình cờ thấy tin tức về học bổng của chính phủ Hungary và cảm thấy khá thú vị nên bắt đầu tìm hiểu.

“Mình không nghĩ sẽ ứng tuyển vì đã xác định hoàn thành bậc cử nhân ở Việt Nam. Bố mẹ chỉ có mỗi mình nên mình cũng không muốn xa gia đình sớm. Nhưng có điều gì đó đã thôi thúc mình nhắn tin cho các anh, chị đang du học Hungary để hỏi chuyện. Những thông tin và hình ảnh mà mọi người chia sẻ đã cho mình thêm nhiều cảm hứng và động lực”, cô nhớ lại.

Trong suốt quá trình chuẩn bị hồ sơ, chỉ có bố mẹ và những người bạn cùng nộp học bổng cùng cô biết chuyện. An Na e ngại “nói trước bước không qua” nên chỉ thông báo rộng rãi khi nhận được thư chấp nhận từ trường và kết quả học bổng.

Học bổng của chính phủ Hungary thường được mở vào tháng 12 đến tháng 1 năm sau. Do khoảng thời gian này gần với giai đoạn thi học kỳ của trường đại học và Tết Nguyên đán nên việc hoàn thành hồ sơ của cô vội vã, gấp rút hơn hẳn.

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2023, khi bạn bè đã về quê thì một mình An Na vẫn ở Hà Nội, chạy ngược chạy xuôi để chuẩn bị giấy tờ. Cô nhớ mãi ngày 24 tháng Chạp, cũng là ngày cuối cùng của hạn nhận đơn, cô mới gửi hồ sơ đi.

Từ kinh nghiệm cá nhân, cô nhận thấy, nếu các trường Mỹ, Úc yêu cầu viết bài luận (personal statement), học bổng của chính phủ Hungary lại yêu cầu ứng viên viết thư động lực (motivation letter). Thay vì cách kể chuyện như bài luận, thư động lực mong muốn ứng viên trình bày thẳng thắn và rõ ràng.

An Na cho biết, cô chọn trường Đại học Kinh doanh Budapest làm nguyện vọng chính bởi trường được xếp hạng 1 tại Hungary về ngành Marketing. Ngoài ra, đây là trường đại học ứng dụng (applied sciences) nên phù hợp với định hướng mà cô theo đuổi.

Sau khi đạt yêu cầu từ Cục hợp tác quốc tế của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, hồ sơ của các ứng viên như An Na được gửi qua phía Hungary để các trường xét duyệt. Ứng viên phải trải qua bài kiểm tra đầu vào và vòng phỏng vấn của trường đã đăng ký nguyện vọng trước đó.

Bài thi đầu vào của trường BBU kiểm tra khả năng về toán của ứng viên. Nội dung bài thi là các dạng bài Toán quen thuộc mà An Na đã học ở THPT. Ngoài gặp khó ở một số bài tập về xác suất, cô đã làm tốt phần còn lại và đạt đủ điểm để vào vòng phỏng vấn.

Ở vòng phỏng vấn, cô bất ngờ khi được hỏi nhiều câu về kiến thức chuyên ngành Marketing trong khi cô đang ứng tuyển bậc cử nhân. Buổi phỏng vấn kéo dài khoảng 20 phút với nhiều câu hỏi, đòi hỏi ứng viên phải có am hiểu nhất định về ngành học kèm thái độ nghiêm túc.

Kinh nghiệm tham gia cuộc thi về Marketing trước đó đã giúp An Na (thứ 3 từ phải qua) tự tin vượt qua vòng phỏng vấn.

Có nhiều ý kiến cho rằng, với các ngành như Truyền thông – Marketing, việc lựa chọn du học tại một quốc gia mà tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính sẽ rất khó khăn để tìm nơi thực tập, vì cần học thêm ngôn ngữ bản địa. An Na cũng lo lắng về vấn đề này, đặc biệt khi tiếng Hungary vốn nổi tiếng rất khó học.

Sau khi nghe tâm sự từ một người chị học cùng ngành, cùng trường và đã đi thực tập đúng ngành ngay từ năm thứ hai, cô dần thấy vững tin hơn. Thêm vào đó, cô còn nhận được sự ủng hộ hết lòng từ bố mẹ và bạn bè trên hành trình du học.

Dù không muốn xa cô con gái duy nhất nhưng bố mẹ vẫn tôn trọng mọi quyết định của cô. Ngay từ cấp ba, bố mẹ đã không đặt áp lực và luôn đồng hành, hỗ trợ cô hết mức có thể. An Na khoe rằng bố mẹ ở Việt Nam luôn theo sát và thường xuyên gửi đồ qua Hungary cho cô.

An Na bên bờ sông Danube và những công trình nổi tiếng tại thủ đô Budapest, Hungary.

Cô vừa hoàn thành học kỳ đầu tiên và đang trong thời gian nghỉ đông. Là trường đại học khoa học ứng dụng nên các bài kiểm tra đa số được thực hiện dưới dạng thuyết trình, vấn đáp hoặc làm dự án. Ngoài chương trình học bằng tiếng Anh, cô phải học một lớp về ngôn ngữ và văn hóa Hungary theo điều kiện của học bổng chính phủ.

Các bạn cùng lớp của An Na cũng rất đa dạng, đến từ nhiều quốc gia và châu lục khác nhau, từ các nước châu Âu (Pháp, Đức, Bulgari…), các nước -stan ở khu vực Trung Á, Tây Á, các quốc gia Ả Rập, châu Phi (Ghana, Angola) và cả châu Mỹ. Các bạn đi du học tự túc, có học bổng hoặc là sinh viên trao đổi.

An Na đón mùa tuyết đầu tiên tại châu Âu.

Là người hướng ngoại, yêu thích các hoạt động sôi nổi, nên khi mới qua châu Âu, An Na cảm thấy chán và khó thích nghi. Dù ở ngay trung tâm thủ đô Budapest, nhịp sống của người dân luôn thong thả và nhịp nhàng, khác hẳn với một Hà Nội xô bồ, tấp nập. Khi dần quen hơn, cô thấy đây là một trải nghiệm mới mẻ và cần tận hưởng những khoảnh khắc sinh viên đáng nhớ.

Ảnh: NVCC

Trịnh Vũ Lam Trang

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/kinh-nghiem-chinh-phuc-hoc-bong-chinh-phu-hungary-cua-nu-sinh-ha-tinh-post1603637.tpo