Kim ngạch xuất khẩu ngành Nhựa Việt Nam liên tục tăng trưởng

Sản phẩm nhựa Việt Nam hiện đã xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia trên thế giới và có mặt khắp các thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha, Nhật Bản.

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam nhiệm kỳ VI (2018-2023) tái đắc cử Chủ tịch nhiệm kỳ VII (2023-2028). (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Ngày 25/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Nhựa Việt Nam đã tổ chức Đại hội Hiệp hội Nhựa Việt Nam nhiệm kỳ VII (2023-2028) và ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch nhiệm kỳ VI (2018-2023) tái đắc cử Chủ tịch trong nhiệm kỳ mới.

Tại Đại hội, cộng đồng doanh nghiệp cũng đưa ra giải pháp thúc đẩy ngành nhựa Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

Theo ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ban chấp hành nhiệm kỳ mới là kêu gọi hội viên mới tham gia, duy trì và giữ vững số lượng hội viên cũ để hoạt động Hiệp hội ngày càng vững mạnh hơn.

Ban chấp hành đảm bảo mục tiêu kêu gọi hội viên cùng đồng hành và đoàn kết trong ứng phó với những khó khăn của ngành, nhất là trong giai đoạn biến động thị trường.

Cụ thể, Ban chấp hành sẽ góp phần xây dựng chiến lược phát triển cho ngành nhựa Việt Nam giai đoạn 2023-2030, giúp doanh nghiệp có định hướng phát triển ngành và đầu tư bài bản.

Mặt khác, Ban chấp hành cũng triển khai đa dạng chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tạo cầu nối cho doanh nghiệp có cơ hội giao thương, quảng bá sản phẩm đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới

Báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho thấy cùng với những bước chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam, qua 6 nhiệm kỳ Ban chấp hành Hiệp hội Nhựa Việt Nam đã có những bước tiến liên tục để theo kịp và hỗ trợ hiệu quả hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Hiện tại, Hiệp hội có hơn 200 hội viên đến từ mọi thành phần kinh tế và đa số đóng vai trò nòng cốt trong mỗi lĩnh vực của ngành.

Tính chung toàn ngành nhựa Việt Nam có gần 4.000 doanh nghiệp trên cả nước, trong đó 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam. Tổng doanh thu ngành nhựa đạt trên 25 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 22%.

Cộng đồng doanh nghiệp nhựa Việt Nam đã có thể sản xuất đầy đủ chủng loại sản phẩm nhựa phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; trong đó, sản phẩm nhựa Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia trên thế giới và có mặt khắp các thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha, Nhật Bản...

Một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành nhựa Việt Nam là bao bì, các loại tấm, phiến, màng; sản phẩm dùng trong vận chuyển đóng gói, nhựa gia dụng, đồ dùng trang trí, vải bạt tarpauline...

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa tăng trưởng đều qua từng năm, từ 3 tỷ USD trong năm 2018 lên đến 5,5 tỷ USD trong năm 2022, với mức tăng trưởng trung bình từ 12%-20%.

Thống kê tốc độ tăng trưởng ngành nhựa Việt Nam trong 5 năm vừa qua luôn đạt ở mức hai con số từ 12-15%/năm. Nguồn nguyên liệu trong nước có thể đáp ứng 30% nhu cầu thị trường nội địa, còn lại 70% được nhập khẩu từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ban chấp hành Hiệp hội Nhựa Việt Nam nhiệm kỳ VII (2023-2028). (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Tại Đại hội, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp thiết yếu không thể thiếu đối với sản xuất và tiêu dùng, đồng thời là một trong 10 ngành được Nhà nước ưu tiên phát triển bởi có tỷ lệ tăng trưởng cao trên 10% trong nhiều năm liên tiếp và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Hàng loạt công ty nhựa trong nước đã quan tâm đầu tư trang thiết bị kỹ thuật vào từng công đoạn sản xuất, tạo ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng trong nước và quốc tế.

Để đạt được kết quả trên, ông Võ Tân Thành cho rằng Hiệp hội Nhựa Việt Nam và nhiều doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong việc kết nối kinh doanh, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tổ chức chương trình khảo sát, hoạt động nghiên cứu thị trường quốc tế...

Hiệp hội Nhựa Việt Nam cũng đã tích cực tập hợp, phản ánh kịp thời những ý kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành đến cơ quan quản lý nhà nước, tháo gỡ khó khăn và góp phần tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp

Riêng Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận chiếm tỷ trọng 80% tổng sản lượng nhựa trên cả nước, nên đóng vai trò nồng cốt trong quyết định sự phát triển hay tụt hậu của cả ngành nhựa Việt Nam.

Hơn thế nữa, sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp nhựa có tác động tích cực đến nền kinh tế của khu vực phía Nam và đất nước.

Với một số chính sách mới liên quan đến kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp ngành nhựa dự báo trong thời gian tới ngành sẽ đối diện với nhiều thách thức và cơ hội.

Do đó, Hiệp hội Nhựa Việt Nam cần có những bước chuẩn bị và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đón đầu xu hướng thị trường như sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm xanh và đáp ứng được yêu cầu thị hiếu người tiêu dùng toàn cầu./.

Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/kim-ngach-xuat-khau-nganh-nhua-viet-nam-lien-tuc-tang-truong/904147.vnp