Kim ngạch xuất khẩu gạo tháng 8/2023 tăng ấn tượng, dự báo khả quan những tháng cuối năm

Hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 8 tiếp tục khởi sắc, đạt 60,92 tỷ USD. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu gạo ước đạt 582 triệu USD, tăng 60,6%.

Kim ngạch xuất khẩu gạo tháng 8/2023 tăng hơn 60%

Báo VOV dẫn nguồn báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản tháng 8/2023 ước đạt 2,76 tỷ USD, tăng nhẹ 6,5% so với tháng trước, chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu gạo tăng 60,6%, ước đạt 582 triệu USD.

Theo Bộ Công Thương, thị trường xuất khẩu gạo thế giới đang có những biến động khó lường sau khi Ấn Độ (quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới) tiếp tục áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ.

Trước tình hình giá gạo thế giới nhiều biến động, để đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, các Bộ, ngành, hiệp hội, địa phương cần chủ động phối hợp xây dựng các phương án đảm bảo cung cầu mặt hàng gạo, góp phần bình ổn giá gạo, an ninh lương thực tại Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 3/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Nếu kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2023 đạt 4,5 tỷ USD, thì kết quả này sẽ cao hơn 1 tỷ USD so với năm 2022 và cao hơn kỷ lục đã đạt năm 2012 khoảng 800 triệu USD. Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây, hàng loạt thông tin trên thị trường xuất khẩu gạo đang tiếp tục tác động mạnh đến giá gạo xuất khẩu. Cụ thể, Chính phủ Ấn Độ đã thông báo sẽ áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ. Cụ thể, thông báo được Bộ Tài chính Ấn Độ đưa ra vào ngày 25/8, có hiệu lực ngay lập tức và sẽ được áp dụng cho đến ngày 16/10 năm nay. Đặc biệt, Ấn Độ cũng đã áp dụng mức giá sàn xuất khẩu đối với gạo basmati là 1.200 USD/tấn. Trước đó, nước này đã cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati kể từ tháng 7. Ấn Độ và Pakistan là 2 thị trường xuất khẩu gạo basmati lớn nhất thế giới. Hằng năm, Ấn Độ cung cấp khoảng 4 triệu tấn tới các nước như Iran, Iraq, Mỹ, Ả Rập Saudi. Những động thái mới của Ấn Độ có thể sẽ đẩy giá gạo thế giới lên cao hơn nữa, theo Doanh Nghiệp & Tiếp Thị.

Không chỉ Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) thông báo ngưng xuất khẩu gạo, Myanmar cũng đang lên kế hoạch tạm hạn chế xuất khẩu gạo để nhằm đáp ứng tiêu thụ nội địa. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Myanmar là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 5 trên thế giới, bán hơn 2 triệu tấn mỗi năm. Theo đó, các chuyên gia kinh tế nhận định việc một số nước gần đây ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo có thể tác động đến giá cả và nguồn cung lương thực toàn cầu.

Gạo Việt đang có lợi thế xuất khẩu để tăng được cả sản lượng lẫn giá

Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, thời gian qua, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng mạnh và các thương nhân xuất khẩu gạo đã đạt mục tiêu đề ra khi tiêu thụ lúa gạo cho người dân với giá cả tốt và bình ổn được thị trường trong nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Hiện chất lượng gạo của Việt Nam đáp ứng được tất cả các thị trường thế giới, đây là một tín hiệu đáng mừng.

Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia kinh tế, thời điểm này, gạo Việt đang có lợi thế xuất khẩu để tăng được cả sản lượng lẫn giá xuất khẩu do hiệu ứng nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu lớn bị hạn chế, nhưng lợi thế này sẽ không kéo dài.

Chưa kể, Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu khoảng 22 triệu tấn/năm có thể sẽ thu hồi lệnh cấm xuất khẩu, giá gạo chắc chắn sẽ không thể duy trì ngưỡng cao. Do đó, các chuyên gia cho rằng, doah nghiệp cần tận dụng thời cơ ngắn hạn để tăng xuất khẩu, chốt giá bán cao.

Theo đánh giá của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), việc Ấn Độ, nhà cung cấp tới 40% sản lượng cho toàn thế giới cấm xuất khẩu ngay trong bối cảnh tồn kho tại các quốc gia sản xuất, đặc biệt là châu Á đang xuống mức thấp theo mùa đã khiến lo ngại mất an ninh lương thực ngày càng trở nên sâu sắc.

Chia sẻ xoay quanh việc xuất khẩu gạo trên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo doanh nghiệp cần thận trọng về giá lương thực có thể lên hoặc xuống tùy theo việc giải quyết lương thực của thế giới trong thời gian tới. Vì vậy, doanh nghiệp cần nhanh chóng triển khai nếu có thể đẩy mạnh xuất khẩu gạo có lãi, không nên kìm giữ giá hoặc tích trữ đợi tăng giá tránh rủi ro.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhận định, xuất khẩu gạo trong quý III và quý IV/2023 sẽ tiếp tục thuận lợi nhờ nhu cầu gạo thế giới còn tăng do cung ứng các nguồn lương thực khác hạn chế.

Những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở những nước khu vực Trung Đông tạo ra cơ hội gia tăng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao khi người tiêu dùng đang rất ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam…

Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam nhìn nhận, nguồn cung gạo thế giới khan hiếm trong khi nhu cầu tiêu thụ rất cao, từ tất cả các thị trường. Ước tính, nhu cầu của khách hàng đối với gạo Việt Nam tăng thêm ít nhất hơn 1 triệu tấn trong năm 2023, so với mức trung bình các năm. Vì vậy, tình hình thị trường từ nay đến cuối năm vẫn rất khả quan.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kim-ngach-xuat-khau-gao-thang-82023-tang-an-tuong-a625445.html