Kìm giá xăng, dầu để phục hồi kinh tế

Ngày 21/2, liên Bộ Công thương-Tài chính đã điều chỉnh tăng giá xăng lần thứ 5 liên tiếp với mức tăng gần 1.000 đồng/lít. Giá xăng RON 95 hiện là 26.280 đồng/lít đã vượt mức 'đỉnh' vào tháng 7/2014 (26.140 đồng/lít). Giá xăng, dầu dự kiến sẽ còn tăng theo giá thế giới. Giá nhiên liệu tăng được cảnh báo sẽ gây khó cho sự phục hồi kinh tế đang trên đà khởi sắc trong trạng thái 'bình thường mới'.

Xăng, dầu là yếu tố đầu vào của sản xuất, kinh doanh nên khi giá nhiên liệu này tăng cao sẽ tác động đến hầu hết các ngành, lĩnh vực. Giá xăng, dầu tăng làm “đội” chi phí sản xuất và tác động đến hàng loạt vấn đề. Theo đó, giá tiêu dùng cũng tăng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, đồng thời ảnh hưởng tới các doanh nghiệp có mặt hàng vốn có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu sang các nước.

Theo tính toán, giá xăng, dầu chiếm 35% đến 40% giá cước vận chuyển. Trong những lần tăng giá xăng trước và sau Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều doanh nghiệp ráng cầm cự chưa điều chỉnh mạnh giá cước để giữ mối khách hàng. Trong đợt tăng giá xăng, dầu lần này, doanh nghiệp buộc phải tăng trung bình 10% giá cước để bù lỗ. Đơn cử như phí vận chuyển container từ Cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) về Khu công nghiệp Mỹ Phước (Bình Dương) ở mức ba triệu đồng nay tăng thêm 200 đến 300 nghìn đồng.

Tăng giá cước là điều doanh nghiệp chẳng đặng đừng trước bài toán tiếp tục chịu lỗ hoặc rủi ro mất khách hàng. Một doanh nghiệp cung ứng vỏ hạt điều làm chất đốt cho các nhà máy than phiền càng làm thì càng lỗ, bởi ngoài giá vận chuyển tăng, giá nguyên liệu vỏ điều cũng tăng, thì doanh nghiệp không thể tăng giá theo do đã ký hợp đồng trước đó.

Theo các chuyên gia kinh tế, giá nhiên liệu tăng phi mã hiện nay có thể làm giảm hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ, làm vô hiệu hóa chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) mà Chính phủ đã triển khai nhằm kích cầu, giảm áp lực lạm phát. Kỳ vọng chính sách tài khóa mới giúp tăng sức mua của thị trường có thể bị dập tắt do nguy cơ lạm phát khi giá xăng, dầu tăng liên tục làm tăng giá nhiều hàng hóa và dịch vụ. Khó khăn lại chồng chất khó khăn đối với các doanh nghiệp ngay từ đầu năm mới. Đó là chưa kể một số doanh nghiệp phải “chạy đôn, chạy đáo” lo nguồn cung khi thiếu hụt cục bộ xăng, dầu ở một số nơi.

Để giải quyết tình trạng này, có nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp, hỗ trợ để ngăn đà tăng giá xăng, dầu vì vẫn còn dư địa để bình ổn giá mặt hàng đặc biệt này. Cần phải dùng công cụ mà Nhà nước đang quản lý để duy trì giá xăng, dầu hợp lý, đó là giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc thuế bảo vệ môi trường. Hiện, bình quân mỗi lít xăng bán ra, các khoản thuế, phí chiếm khoảng 42% đến 43%; còn dầu là 21% đến 27%.

Ngày 22/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có công điện gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố về bảo đảm cung ứng xăng, dầu; trong đó, yêu cầu liên Bộ Tài chính-Công thương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu. Đề xuất phương án giảm thuế của hai bộ cần được báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2. Đây là chỉ đạo mới mang đến niềm tin và hy vọng sẽ kìm hãm được đà tăng giá xăng, dầu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, các cơ quan quản lý giá và cơ quan quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng “té nước theo mưa” lợi dụng xăng, dầu tăng giá để tăng giá bán các mặt hàng quá mức, dẫn đến làm tăng nguy cơ lạm phát, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân…

NGUYÊN ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dan-biet-dan-ban/kim-gia-xang-dau-de-phuc-hoi-kinh-te-686920/