Kiểng Sa Đéc hồi hộp chờ giờ chót

Rét đậm ở miền Bắc và việc chậm phân lô ở một số chợ hoa tại TP.HCM khiến hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp) tiêu thụ chậm. Giá thành sản xuất hoa tăng cao, nhà vườn hồi hộp chờ...

Mấy ngày này về làng hoa kiểng Sa Đéc đã thấy rõ không khí mua bán hoa chuẩn bị cho thị trường tết Nguyên đán. Tuy nhiên, so với mấy năm về trước, sức tiêu thụ hoa kiểng năm nay có phần kém sôi động hơn.

Bán ra Bắc chậm

“Ở miền Bắc bị ảnh hưởng của rét đậm nên thương lái cũng ngơi mua hoa tại đây mang về phân bán lại. Cúc mâm xôi là mặt hàng chủ yếu mà thương lái ngoài Bắc ưa chuộng và mua mạnh nhất tại Sa Đéc nhưng đến giờ này chỉ thấy vài lái đến hỏi. Tình hình này chưa biết có khả quan hơn không trong khi tết đã ngày một cận” - anh Trần Văn Chính, người trồng trên 1.200 giỏ cúc mâm xôi ở Tân Khánh Đông, thở dài.

Theo nhận định của nhiều nhà vườn khác tại Sa Đéc, cúc mâm xôi bán chậm có phần do thương lái lo ngại việc chuyển bông ra Bắc trong thời tiết giá lạnh khiến bông bị nín nở. “Từ đây vận chuyển về Hà Nội mất nhiều ngày, mà khi đến đó gặp tiết lạnh nó lại không nở thì làm sao bán được giá cao. Do vậy, lái ngoài đó chưa dám “ăn” hàng mạnh như mọi năm” - anh Chính nhận định.

Ngoài thị trường miền Bắc tiêu thụ mạnh mặt hàng cúc mâm xôi của nhà vườn Sa Đéc thì TP.HCM là thị trường lớn của người làm vườn tại đây. “Mấy ngày nay thương lái từ TP.HCM xuống mua hoa kiểng cũng khá nhiều. Nhưng họ mua xong còn gửi lại cho nhà vườn chăm sóc đến 27 tết mới đến nhận. Tôi vừa bán mấy trăm giỏ cúc mâm xôi cho một lái ở TP.HCM với giá 65.000 đồng/cặp. Mọi năm giờ này các chợ hoa tết lớn tại TP.HCM đã phân lô cho dân mua bán thuê xong nhưng năm nay tới giờ họ chưa phân lô. Do vậy, nhà vườn muốn thuê chỗ bán để đưa hàng lên chuẩn bị cho tết cũng bị kẹt nên họ chưa mạnh dạn xuống đây lấy hàng” - một nhà vườn ở Tân Qui Đông cho biết.

Cúc mâm xôi đa phần nở đúng tết nhưng sức mua từ miền Bắc còn chậm do ngại bị rét đậm cúc sẽ nín nở. Ảnh: VĨNH SƠN

Cúc mâm xôi đa phần nở đúng tết nhưng sức mua từ miền Bắc còn chậm do ngại bị rét đậm cúc sẽ nín nở. Ảnh: VĨNH SƠN

Nhà vườn đang gặp khó

Bà Nguyễn Thị Bé Ba ở Tân Khánh Đông trồng hoa kiểng trên bốn công đất với nhiều loài hoa như cát tường, lài, mồng gà… Bà nhận định thời tiết không ảnh hưởng lớn đến sự ra hoa đúng dịp tết nhưng giá cả và lợi nhuận năm nay chắc không bằng năm trước. “Giá hoa hồng lửa tôi mới bán 15.000 đồng/giỏ. Do các thứ đầu tư làm hoa đều tăng cao mà giá mỗi giỏ hoa hồng chỉ tăng có 3.000 đồng/giỏ so năm 2009 nên tôi chỉ phá huề. Giá sậy niền hoa, giá giỏ đựng bằng tre, giá phân rơm và phân bón đều tăng cao. Năm rồi sậy chỉ có 12.000 đồng/bó 200 cây, giờ lên tới 20.000 đồng/bó; còn giỏ tre năm rồi có 30.000 đồng/100 cái, giờ lên tới 50.000 đồng. Chưa kể việc cấm xe ba gác lưu hành đã làm tăng chi phí vận chuyển. Thay vì mấy năm trước còn xe ba gác thì từ Tân Khánh Đông chở hoa đến cầu Cái Dầu xa khoảng 3 km chỉ tốn 25.000 đồng/cuốc. Giờ thuê xe tải hoặc ba gác Trung Quốc họ ăn công tới 50.000 đồng/cuốc” - bà Ba tâm sự.

Theo phân tích của nhiều nhà vườn, mặc dù sức tiêu thụ hoa kiểng tại Sa Đéc có phần chậm nhưng họ hy vọng năm nay hàng bông sẽ dễ bán. Nguyên nhân là năm nay lượng hoa trồng đã hạn chế hơn năm rồi do tết Canh Dần rồi bị dội chợ và một số người bị lỗ nên nghỉ. Hơn nữa, nhà nông đã bán lúa vụ ba được giá khá cao nên khả năng mua hoa kiểng sẽ cao trong dịp tết này.

Hoa kiểng Bến Tre hút hàng, tăng giá

Thị trường hoa kiểng tại huyện Chợ Lách (Bến Tre) bắt đầu sôi động từ hơn một tháng qua. Thương lái khắp nơi đã tụ về đây đặt tiền cọc, mua mỗi lô hàng từ 300 đến 500 giỏ hoa cúc, chậu kiểng mai vàng và kiểng tắc… Giá cả năm nay nhích hơn năm trước khoảng 15%-20% nhưng nhiều loại sản phẩm vẫn bán chạy. Theo các nông dân chuyên trồng hoa ở xã Vĩnh Thành, Hưng Khánh Trung, Vĩnh Hòa…, giá thành mỗi giỏ cúc mâm xôi trên 10.000 đồng, nếu bán tại vườn 15.000 đồng/giỏ mới có lãi.

Ngoài sản xuất hoa kiểng bán cho thương lái tại vườn, nông dân Chợ Lách còn đem hàng đi bán chợ tết ở khắp các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ, nhiều nhất là khu vực TP.HCM. Anh Huỳnh Minh Tuấn, một nhà vườn ở Chợ Lách, đã dọn hết vườn kiểng của mình đến thị trấn Mộc Hóa (Long An) để bán chợ tết từ sau lễ Noel cho biết: “Mai vàng bonsai (loại bốn năm tuổi, cành phát triển tốt, nụ dày, nở đúng dịp tết), giá bán ở chợ hiện nay thấp cũng 700.000-1 triệu đồng/chậu. Tắc mini giá 150.000 đồng/chậu. Đặc biệt những gốc cây xanh tạo cảnh dù không thuộc hàng chơi bông nhưng những bộ gốc thế đẹp cũng có giá 700.000-800.000 đồng/gốc”.

Dọn mai kiểng cho thuê

Ông Đỗ Hoàng Trọng, nghệ nhân trồng mai ở huyện Châu Thành (Bến Tre), đăng ký thuê lô bán hoa kiểng trên đường Thành Thái (quận 10, TP.HCM), cho biết hiện đã có một số mối quen gọi điện thoại, tiếp tục đăng ký thuê mai về trang trí với giá chỉ bằng 1/4 giá thành của gốc mai cổ thụ. Nếu cây mai trị giá 30 triệu đồng, tàn xum xuê, hoa nở dày đúng dịp tết, khách hàng không ngần ngại thuê giá 7-8 triệu đồng. Sau tết, cây mai được trả về chủ cũ để chăm sóc, chờ mùa sau.

Chăm sóc vườn mai chuẩn bị mang đi TP.HCM cho thuê. Ảnh: T.PHÚC

Chăm sóc vườn mai chuẩn bị mang đi TP.HCM cho thuê. Ảnh: T.PHÚC

Khi tiếp nhận các cuộc gọi đăng ký thuê của khách hàng, giới trồng kiểng mai vàng phải cực lực chăm sóc cho cây sung mãn kịp nở hoa, bất chấp điều kiện thời tiết khắc nghiệt cỡ nào. “Nếu dày dạn kinh nghiệm, với nghề trồng mai cho thuê mỗi năm một nghệ nhân có khoản thu nhập không dưới 80-100 triệu đồng. Chỉ sau bốn mùa tết mang cây đi cho thuê, xem như chủ nhân đã lãi ròng 100% giá trị của một gốc mai” - ông Trọng nói.

VĨNH SƠN - TÂM PHÚC

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20110116124244575p0c1015/kieng-sa-dec-hoi-hop-cho-gio-chot.htm