Kiến trúc sư Việt chật vật quảng bá tên tuổi

Nhiều kiến trúc sư Việt Nam dù có kỹ năng và chuyên môn tốt nhưng vẫn 'hụt hơi' tại mặt trận truyền thông, đặc biệt là trên mạng xã hội.

 Nhiều kiến trúc sư Việt đang không biết cách quảng bá thương hiệu cá nhân. Ảnh: Quỳnh Danh.

Nhiều kiến trúc sư Việt đang không biết cách quảng bá thương hiệu cá nhân. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo ông Nguyễn Tiến Huy, CEO của Pencil Group, ngành kiến trúc tại Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn tư duy “hữu xạ tự nhiên hương”. Nhiều kiến trúc sư dù có tài năng nhưng vẫn không thể vươn xa trên thị trường do họ còn ngần ngại trong việc xây dựng hình ảnh cá nhân.

Đây cũng chính là vấn đề được các chuyên gia thảo luận xuyên suốt tọa đàm “Đặt gạch xây thương hiệu cho kiến trúc sư Việt” do Tổ chức Giải thưởng Châu Á (AAO) và Vietnam Design & Build Center đồng tổ chức. Nhiều gợi ý đã được các diễn giả đưa ra nhằm nâng tầm hình ảnh của các cá nhân và doanh nghiệp trong lĩnh vực kiến trúc.

Gian nan xây dựng thương hiệu

Theo ông Dylan Yip, Phó tổng giám đốc phụ trách chiến lược AAO, 2023 là một năm khó khăn đối với tất cả các lĩnh vực, ngành hàng khi nền kinh tế toàn cầu chạm đỉnh suy thoái, người dân sẽ dần thắt chặt chi tiêu hơn.

Với lĩnh vực kiến trúc, thiết kế, xây dựng tại Việt Nam, các công ty sẽ phải đối mặt với tình trạng suy giảm nhu cầu từ khách hàng. Trong khi đó, các cá nhân, doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh gay gắt với những đối thủ trong và ngoài nước để trở nên nổi bật hơn.

 Ông Nguyễn Tiến Huy chia sẻ về tầm quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Ảnh: Thanh Vũ.

Ông Nguyễn Tiến Huy chia sẻ về tầm quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Ảnh: Thanh Vũ.

Các chuyên gia cho rằng bản thân nhiều cá nhân hay đơn vị trong ngành chưa ý thức được tầm quan trọng của việc làm thương hiệu để thu hút khách hàng. Việc các kiến trúc sư xây dựng được hình ảnh tốt trên mặt trận truyền thông có thể trực tiếp thúc đẩy doanh số, tăng trưởng kinh doanh.

Có ý kiến cho rằng những kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất… là những người làm nghề. Vì vậy, họ quan tâm đến chất lượng công trình hơn là xây dựng tên tuổi cho bản thân, công ty hay dự án.

Chính vì điều này, tình trạng kiến trúc sư Việt Nam có chuyên môn giỏi nhưng làm thương hiệu không tốt thường xuyên xảy ra. Hiện trạng trên đã, đang và sẽ khiến nhiều tài năng bị vùi lấp.

Ngoài ra, khách hàng còn gặp nhiều khó khăn khi lựa chọn đơn vị thiết kế, thi công hoặc kiến trúc sư giữa một “ma trận” thông tin trên Internet. Hiện Việt Nam vẫn chưa có sàn giao dịch hay sân chơi chung cho các cá nhân, đơn vị trong ngành nhằm quảng bá hình ảnh và giúp khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm các sự lựa chọn.

Tìm chỗ đứng trên mạng xã hội

“Tôi luôn tin rằng, đằng sau mỗi sản phẩm hay thiết kế đều có một câu chuyện độc đáo. Vậy tại sao chúng ta không chia sẻ những câu chuyện này và tạo ra dấu ấn thương hiệu cho chính cá nhân và doanh nghiệp của mình?”, ông Tan Quee Peng, Giám đốc Green Mark, Tổng giám đốc RSP Việt Nam, chia sẻ.

Tôi luôn tin rằng, đằng sau mỗi sản phẩm hay thiết kế đều có một câu chuyện độc đáo. Vậy tại sao chúng ta không chia sẻ những câu chuyện này và tạo ra dấu ấn thương hiệu cho chính cá nhân và doanh nghiệp của mình?

Ông Tan Quee Peng, Giám đốc Green Mark, Tổng giám đốc RSP Việt Nam

Không chỉ vậy, ông Tan Quee Peng còn cho rằng việc xây dựng thương hiệu không chỉ thể hiện kinh nghiệm, chuyên môn, kiến thức của kiến trúc sư mà còn giúp họ lan tỏa những giá trị nhằm thúc đẩy ngành kiến trúc, xây dựng tại Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Huy cũng cho rằng các kiến trúc sư cần bước ra ngoài và chủ động quảng bá thương hiệu cá nhân bằng nhiều hình thức khác nhau. Những việc đó có thể là tham gia các cuộc thi, thực hiện dự án xã hội, tham gia chia sẻ trong nhiều sự kiện, tích cực sáng tạo nội dung trên truyền thông xã hội…

Theo bà Nguyễn Anh Trang, Giám đốc sáng tạo MVV SNP, các kiến trúc sư cần cố định theo đuổi một hình mẫu cụ thể, phù hợp với tính cách của bản thân. Ngoài ra, bà Trang cũng cho rằng việc lựa chọn nền tảng để phát triển hình ảnh cũng rất quan trọng.

Bà Trang cũng cho biết thêm rằng các nội dung được đưa trên mạng xã hội nên được chia theo tỷ lệ 60/40. Trong đó, 60 dành cho cá nhân và 40 thuộc về công việc. Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng nhận định rằng các kiến trúc sư nên ưu tiên nội dung dưới dạng hình ảnh và video để thu hút công chúng.

Trao đổi với Zing, ông Tan Quee Peng cho rằng các kiến trúc sư có thể ghi dấu ấn của bản thân ở mọi dự án, thậm chí là cả các chung cư giá rẻ hoặc nhà ở xã hội. Bản thân doanh nghiệp mà ông đang làm việc cũng đã từng xây dựng các dự án cho người thu nhập thấp.

“Những giải thưởng về kiến trúc gần đây không đến từ những tòa nhà hay công trình đắt đỏ. Các sản phẩm bất động sản cao cấp không phải là mô típ thành công của kiến trúc sư. Nhiều dự án dành cho người nhập cư, người tị nạn vẫn được đánh giá cao và dành được các giải thưởng lớn”, ông Tan Quee Peng chia sẻ.

Thanh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kien-truc-su-viet-chat-vat-quang-ba-ten-tuoi-post1406958.html