Kiên trì, mềm dẻo vận động đồng bào làm theo nếp sống văn hóa mới

Hơn một tuần trôi qua nhưng nhiều cán bộ, đảng viên và đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Sơn Hòa (Phú Yên) đều bày tỏ sự cảm phục về tinh thần, trách nhiệm của Bí thư Huyện ủy Nay Y BLung khi cán bộ này nỗ lực vận động gia đình, tộc họ một cố nghệ nhân ưu tú không mai táng ông trong vườn nhà để phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' thật sự đi vào chiều sâu, thiết thực.

Trước đó vào chiều 11/12, ông Ka Sô Liễng, đảng viên lão thành cách mạng, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Nghệ nhân ưu tú và cũng là cây đại thụ về văn hóa dân tộc ở Phú Yên, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Phú Yên, qua đời tại nhà riêng ở thôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa; hưởng thọ 88 tuổi.

Nhiều người ở Phú Yên và giới nghiên cứu văn hóa dân gian đều biết ông Ka Sô Liễng từng đi tập kết ra miền Bắc năm 1954, hoạt động văn hóa, văn nghệ ở vùng Tây Bắc, đi học bổ túc văn hóa rồi lần lượt được đào tạo ở Trường Lý luận Nghiệp vụ Văn hóa, Trường Đại học Sân khẩu – Điện ảnh ở Hà Nội. Đến giữa thập kỷ 70 thế kỷ trước, ông tình nguyện vào Ban Tuyên huấn Khu 5, tham gia xây dựng Trường Văn hóa Ngệ thuật Khu 5. Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, Ka Sô Liễng làm đạo diễn sân khấu tuồng, Trưởng Đoàn Dân ca kịch – Cải lương, Trưởng Phòng Văn nghệ Sở VH-TT tỉnh Phú Khánh. Khi tỉnh Phú Khánh chia tách trở lại thành hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa vào đầu tháng 7/1989, ông Ka Sô Liễng làm Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Phú Yên cho đến khi nghỉ hưu năm 1998.

Ông Nay Y BLung, Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa (bên trái) trò chuyện với phóng viên.

Dù có nhà ở phố thị Tuy Hòa, nhưng vì muốn về với buôn làng và đồng bào của mình, nên từ đó ông sinh sống ở thôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa; vừa biến đất hoang thành vườn rừng, vừa mải miết với niềm đam mê trong hành trình nghiên cứu văn hóa dân gian.

Ka Sô Liễng được ví như cánh chim Kơ Tia không mỏi giữa đại ngàn văn hóa dân gian. Đến khi về bên kia núi, ông đã sưu tầm, biên dịch gần 25 trường ca và công trình nghiên cứu văn hóa dân gian. Nổi bật nhất là bộ chữ viết người Chăm do ông kiến tạo năm 2011 được Viện Ngôn ngữ học Việt Nam thẩm định và công nhận, cùng với nhiều “báu vật” như trường ca, sử thi “Tiếng cồng ông bà HBia Lơ Đăk”, “Chi Pơ Nâm”, “Chi Đê”, “Chi Liêu”, “Tìm lại chị em Jông Uốt” của đồng bào Chăm; “Xinh Chi Ôn” của đồng bào Ba Na; “Chơ Lơ Kớt” của đồng bào Ê đê…

Với những cống hiến trong cuộc đời cách mạng của mình, ông Ka Sô Liễng đã được trao tặng Huy hiêu 45 tuổi Đảng, Huy chương Kháng chiến chống Pháp, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng ba; được Chủ tịch nước tặng bằng công nhận Nghệ nhân ưu tú và nhận gần 20 giải thưởng của Hội Văn học Nghê thuật các dân tộc thiểu số; Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam…

Sau khi ông mất, người thân bàn tính mai táng ông trong vườn nhà nên đã lựa chọn vị trí, ngày, giờ… Dù không phù hợp với quy định pháp luật, hương ước, nhưng con cháu vẫn quyết định thực hiện. Một số cán bộ lão thành cùng chính quyền địa phương kiên trì vận động, giải thích nhưng đều bị từ chối với lý do sinh thời ông đã bày tỏ ước muốn ấy với con cháu. Mọi chuyện trở nên căng thẳng vì thân nhân kiên quyết làm theo phong tục.

Nhận được thông tin khi đang dự họp Tỉnh ủy Phú Yên, ông Nay Y BLung, Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa cứ nhấp nha, nhấp nhỏm với nỗi lo nếu như thân nhân tiến hành đào huyệt thì coi như xong. Với trách nhiệm của người đứng đầu Huyện ủy và cũng là người con của đồng bào Ê đê, sinh trưởng ở xã Ea Chà Rang, Nay Y BLung ra bên ngoài điện thoại thuyết phục người thân ông Ka Sô Liễng, nhưng bất thành.

“Trước tình huống không thể nào ngồi lại trong cuộc họp được nữa, tôi quyết định báo cáo và xin ý kiến đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên chạy về Sơn Hòa khi đã gần trưa. Cuộc trò chuyện hơn một giờ với nhiều lý do từ phía thân nhân đưa ra, nhưng kết cục bằng sự kiên trì, mềm dẻo tôi đã thuyết phục được người thân của bác Liễng, đưa ông về Nghĩa địa thôn Kiến Thiết” – Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa kể lại.

Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa Nay Y BLung kể, trong cuộc nói chuyện đó, ông đã thuyết phục rằng, sinh thời, bác Liễng là đảng viên mẫu mực, một nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc nổi tiếng, nghệ nhân ưu tú vừa được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thăm ngày 11/11/2023, khi đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa. Vì thế, người thân nên trân trọng uy tín, tài năng, đức độ của bác Liễng, đưa bác về an nghỉ cùng các thế hệ cha anh cho ấm tình đoàn kết thân thương mới tròn đạo nghĩa.

Cũng liên quan đến câu chuyện lo cho người quá cố, hơn 10 năm trước, khi còn là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Chà Rang, ông Nay Y BLung đã thức trắng đêm để thuyết phục người thân bà Mí Tý, cựu Chủ tịch Hội Phụ nữ xã không đưa bà lên nương rẫy của gia đình để mai táng. “Lúc đó căng thẳng lắm, nhưng bài học “nhu thắng cương” và những trải nghiệm trong công tác dân vận đã được tôi vận dụng linh hoạt, kiên trì, mềm dẻo cùng với việc lý giải khoa học thực tiễn trong đời sống văn hóa mới đã giúp cho thân nhân bà Mí Tý nhận ra lẽ phải đời thường đang được nhiều người trân trọng ghi nhận” – ông Nay Y BLung nhớ lại.

Đó chỉ là hai trong nhiều câu chuyện ông Nay Y BLung vận động đồng bào xây dựng nếp sống văn hóa mới, xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan… đã được đồng bào các buôn làng ở huyện Sơn Hòa cảm phục.

Càng cảm phục hơn nữa không ít lần Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa Nay Y BLung xắn quần, đi chân đất vượt qua nhiều triền đồi vào tận hiện trường phá rừng để chỉ đạo xử lý kiên quyết. Điển hình nhất vào giữa tháng 9/2021, sau khi nhận được thông tin của PV Báo CAND, ông đã vào núi Hòn Đót, xã Sơn Định chỉ đạo làm rõ vụ đốn hạ, phát dọn trắng gần 9ha rừng, gây thiệt hại lâm sản và môi trường hơn 1,9 tỷ đồng. Cách nay không lâu, 27 bị cáo trong vụ án này đã bị TAND tỉnh Phú Yên xử phạt 39 năm tù giam và 4 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo về ba nhóm tội “Hủy hoại rừng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Không tố giác tội phạm”…

Hữu Toàn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/guong-sang/kien-tri-mem-deo-van-dong-dong-bao-lam-theo-nep-song-van-hoa-moi-i717940/