Kiên trì cùng con vượt khó

Từ khi biết con trai Đinh Vũ Tùng Lâm mắc chứng tự kỷ, chị Vũ Thị Hải Yến và anh Đinh Quang Ngọc (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) đã dành phần lớn thời gian để gần gũi, chăm sóc và bầu bạn cùng con.

Sau nhiều năm kiên trì cùng con vượt khó, Tùng Lâm đã đạt thành tựu nổi bật trong học tập với tấm huy chương bạc tại Cuộc thi Olympic Toán quốc tế năm 2021.

Cùng con trên những chặng đường

Sau nhiều lần thuyết phục, tôi mới hẹn gặp được chị Vũ Thị Hải Yến vào một buổi sáng mùa thu. Nhiều năm qua, chị Yến rất hạn chế kể về đời tư của Đinh Vũ Tùng Lâm và giai đoạn khó khăn mà gia đình đã phải trải qua. Chỉ mới đây, khi Tùng Lâm mở lời muốn mẹ kể câu chuyện của mình, với mục đích chia sẻ kinh nghiệm với các gia đình khác trong quá trình nuôi dạy những đứa bé mắc chứng tự kỷ, chị Hải Yến mới nhận lời để trò chuyện cùng chúng tôi.

20 năm trước, chuyện tình của cô sinh viên ngành ngoại ngữ Vũ Thị Hải Yến và chàng sinh viên xây dựng Đinh Quang Ngọc có cái kết đẹp bằng một đám cưới hạnh phúc. Tuần tự trong 8 năm, hai đứa con (một trai, một gái) kháu khỉnh ra đời trong niềm hạnh phúc của cặp vợ chồng trẻ. Trong những ngày tháng tươi đẹp đó, Hải Yến không bao giờ nghĩ cuộc đời mình sẽ phải trải qua vất vả khi các con dần lớn lên với sự khác biệt. Cho đến lúc này, chị Hải Yến vẫn nhớ mãi cảm giác đau đến quặn thắt khi biết con trai mình mắc chứng tự kỷ. Chị nhớ lại: “Năm đủ tuổi vào lớp 1, Tùng Lâm vẫn chỉ ú ớ, không nhà trường nào dám nhận. Phải rất cố gắng, tôi mới xin cho cháu vào học tại một trường tiểu học với cam kết sẽ đồng hành với con. Cũng vì có tính cách khác biệt nên không có bạn nào muốn chơi cùng Lâm”.

Chị Vũ Thị Hải Yến và con trai Đinh Vũ Tùng Lâm.

Chị Vũ Thị Hải Yến và con trai Đinh Vũ Tùng Lâm.

Đã có lúc chị Hải Yến tự giày vò vì không chỉ cho rằng mình tắc trách, chểnh mảng, thiếu phương pháp nuôi dạy con mà còn ở vấn đề về số phận và nhân quả. Quãng thời gian bối rối, nghĩ quẩn qua đi thật khó khăn. Thương con, chị Hải Yến bắt đầu bình tâm để tìm hiểu cách giải quyết vấn đề. Những năm tháng sau đó là quá trình đi lại, kết nối không biết mệt mỏi của vợ chồng chị với các trung tâm, chuyên gia trong và ngoài nước để hiểu về cách sống cùng, cách điều trị trẻ tự kỷ. Vợ chồng chị không ngại ngần đi hết miền Nam, miền Bắc; sử dụng cả phương pháp Đông-Tây y, tâm lý học... Cứ nghe nói chỗ nào có phương pháp chữa chứng tự kỷ cho con là anh chị lại tìm đến. Chị Yến trải lòng: “So với em gái mắc chứng bại não, Tùng Lâm có sự mạnh mẽ hơn về thể chất và tư chất. Tuy nhiên, trí nhớ của con được tuôn ra một cách không kiểm soát; hành động cũng vậy. Lúc thì thả cho đồ rơi vỡ, chạy lung tung, lúc thì quậy, cắn các bạn... Ngay ngày đầu học lớp 1, cô giáo đã gọi tôi lên và thông báo trả Tùng Lâm về vì con không thể học cùng các bạn”.

Hành trình đồng hành với con của chị Vũ Thị Hải Yến và anh Đinh Quang Ngọc không những cần sự kiên trì mà còn đến từ sự yêu thương vô bờ bến của bậc làm cha mẹ. Từ những buổi chật vật đánh vần đến những bài ca dao mẹ dạy khi đang đi trên xe, trực tiếp đưa con đến nhiều di tích văn hóa-lịch sử để ôn bài... là cả một sự kỳ công. Khi được hỏi về những ngày tháng luôn có bố mẹ đồng hành ấy, Đinh Vũ Tùng Lâm kể: “Con từng là một cậu bé không có bạn để chơi, lúc nào cũng nghĩ rằng mình kém cỏi và lớn lên trong sự tự ti. Lúc ấy, con chưa thể cảm nhận được những giọt mồ hôi của bố, những giọt nước mắt âm thầm của mẹ. Ngôn ngữ luôn là điểm yếu của con. Giờ đây con có thể nói chuyện lưu loát với chú thế này chính là sự kiên trì, cố gắng vô cùng của mẹ và bố”.

Hành trình đi tới ước mơ

Từ lời khuyên của các chuyên gia tâm lý và quá trình nuôi dạy, chị Hải Yến phát hiện Tùng Lâm có năng khiếu và đam mê với những con số. Chị Hải Yến tâm sự rằng, phát hiện đó như nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Bởi với một đứa trẻ tự kỷ thì bao quanh đầu chúng như một căn phòng đầy bóng tối. Với Tùng Lâm, Toán học đã thắp sáng căn phòng đó và giúp con từng bước tự tin trở lại, hòa đồng với cuộc sống. Nhằm giúp con tự tin thể hiện đam mê, anh Đinh Quang Ngọc vừa gánh trọng trách làm trụ cột gia đình, vừa dành thời gian để truyền cảm hứng và hướng dẫn Tùng Lâm cách học Toán thông minh. Tới năm lớp 3, Tùng Lâm thi Violympic Toán và đoạt giải. Kể từ đó, cái tên Đinh Vũ Tùng Lâm bắt đầu trở nên quen thuộc với các giải thưởng Toán học.

Theo chị Vũ Thị Hải Yến, Tùng Lâm lớn lên trong sự tự ti trước bạn bè và cuộc sống. Tất cả những gì các bạn biết, Tùng Lâm đều không biết. Do đó, các giải thưởng về Toán học đã mang lại nhiều ý nghĩa giúp em từng bước tự tin hơn. Tuy nhiên vào năm 2020, một sự kiện khiến Tùng Lâm suýt gục ngã. Đó là lần Tùng Lâm cùng đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic Toán học quốc tế. Tuy nhiên, sự thiếu ổn định về tâm lý khiến Tùng Lâm là người duy nhất trong đội không đoạt giải. Đó cũng là quãng thời gian Tùng Lâm phải sống trong cảm xúc hoảng loạn, tự trách bản thân vì đã gây ảnh hưởng đến thành tích của đội.

Vì lo con có thể bị tổn thương nếu gặp thêm thất bại, nên chị Hải Yến không muốn Tùng Lâm tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 2021. Tuy nhiên, anh Đinh Quang Ngọc luôn ở bên cạnh động viên, dạy Tùng Lâm bản lĩnh biết đối diện với thất bại, đứng dậy vững vàng sau vấp ngã. Được sự động viên của thầy, cô và của bố, với tình yêu Toán học mãnh liệt, Tùng Lâm đã khiến chị Yến thay đổi quyết định. Kết quả, Tùng Lâm đã giành được huy chương bạc và là người có điểm số cao thứ hai của đội tuyển Việt Nam. Hiện Tùng Lâm đã là sinh viên năm thứ nhất Lớp K66 Toán tài năng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Em cho biết: “Con luôn sợ thất bại, sợ bị chê cười. Vì vậy, con luôn tâm niệm phải cố gắng hết sức. Mỗi thành tích đem lại cho con thêm chút tự tin, cảm giác an toàn bên các con số. Toán học với con là bạn, là sự đam mê, là niềm vui và hạnh phúc. Toán học cũng là nơi con khẳng định mình và cũng là món quà con dành tặng bố mẹ, thầy cô kính yêu. Có mẹ và bố bên cạnh, con cảm thấy mọi thứ đều không còn đáng sợ”.

Khi Tùng Lâm báo tin đoạt giải, chị Hải Yến như vỡ òa trong vui sướng. Suốt những năm qua, Tùng Lâm vừa là nguồn sống, nguồn năng lượng của chị và cả gia đình. Đã có nhiều lúc, chị từng rơi xuống vực thẳm vì cảm giác không còn lối thoát. Đó là thời điểm Tùng Lâm học lớp 10, chị Hải Yến phát hiện mình bị ung thư tuyến giáp. Nhưng chị không cho phép mình được yếu đuối trước mặt con trẻ. Chị xác định, mình vừa là điểm tựa, vừa là người truyền năng lượng tích cực cho các con, vừa phải làm việc theo hình thức trực tuyến cho một công ty nước ngoài để mang lại nguồn thu nhập. Khi được hỏi điều gì là mấu chốt để anh chị kiên trì đồng hành giúp Tùng Lâm vượt qua chặng đường khó khăn đã qua, chị Hải Yến khẳng định: “Đó chính là tình yêu”. Chính tình yêu thương con bao la của bố mẹ đã giúp Tùng Lâm vượt qua sợ hãi, bệnh tật để nuôi dưỡng niềm đam mê với các con số, vững tin tiến về phía trước.

Sinh ra không bình thường như bạn bè cùng trang lứa, nhưng đổi lại Tùng Lâm nhận được nhiều yêu thương của thầy, cô, gia đình và đặc biệt là người mẹ. Với những thầy, cô từng gắn bó với Tùng Lâm, họ cũng rất vui khi biết cậu học trò đặc biệt của mình đoạt giải cao. Cô Chu Thị Thanh Hiền, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THCS Cầu Giấy (từng là giáo viên chủ nhiệm lớp 6, 7, 8, 9 của Tùng Lâm) cho biết: “Tôi mừng cho Lâm một thì mừng cho mẹ Lâm mười. Bố mẹ nào cũng hy sinh vì con, nhưng đồng hành với con như chị Hải Yến thì không phải ai cũng làm được. Tùng Lâm khiến tôi thêm yêu nghề giáo viên hơn”.

Trong góc học tập được bài trí gọn gàng, cánh cửa phòng nơi Tùng Lâm treo thời khóa biểu phân chia rất rõ công việc mỗi tuần thật cụ thể phải hoàn thành để từng bước đến gần với ước mơ trở thành nghiên cứu sinh Toán học. Tôi tin hành trình đi đến ước mơ của Tùng Lâm sẽ sớm trở thành hiện thực, bởi em luôn có bố, mẹ đồng hành, động viên, chia sẻ.

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-13/kien-tri-cung-con-vuot-kho-673357