Kiến tạo làng quê từ những việc nhỏ

Là xã khó khăn nhất của huyện Bạch Thông, xa trung tâm, thuộc vùng lõi của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ, song nhiều năm qua, xã Cao Sơn đã tận dụng nhiều nguồn lực để giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Bằng vật liệu sẵn có trong tự nhiên là đá, chính quyền xã Cao Sơn đã vận động bà con nhân dân tận dụng để cải tạo cảnh quan nông thôn. Tại thôn Thôm Khoan, người dân cùng với lực lượng quân sự đã xây những bức tường đá chắc chắn thay cho tường bằng rào, tre, vừa kiên cố, lại tạo nét đặc trưng cho thôn. Những tảng đá này được người dân tìm và mang về từ bìa rừng. Được sự vận động và tuyên truyền của cấp trên, bà con đã tự giác di chuyển chuồng trại ra xa nhà ở để bảo đảm vệ sinh môi trường. Thôn Thôm Khoan đang phấn đấu cán đích nông thôn mới trong năm nay.

Là xã phát triển mạnh đàn đại gia súc, trước đây việc chăn nuôi của Cao Sơn theo cách chăn thả rông, chuồng trại ngay gần nhà, do vậy không đảm bảo vệ sinh môi trường. "Để thay đổi tập quán cũ, góp phần thực hiện tiêu chí Môi trường, xã đã vận động các hộ dân di dời chuồng trại xa nơi ở, quét dọn vệ sinh môi trường, phun khử trùng tiêu độc, xây dựng tường rào đá sạch đẹp, vệ sinh đường làng, ngõ xóm... Từ việc thực hiện thí điểm ở 20 hộ dân, đến nay đã có thêm nhiều hộ hưởng ứng", bà Đặng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết.

Những bức tường đá được xếp ngay ngắn, thẳng hàng đang tạo cho thôn Thôm Khoan những nét tươi mới, gọn ghẽ. Phát huy hiệu quả công tác dân vận, chỉ trong khoảng thời gian 2 tuần lễ, bà con trong thôn đã di dời hơn 20 chuồng trại chăn nuôi gia súc ra xa khu vực dân cư. Các hộ dân trong thôn nghiêm túc thực hiện hương ước, quy ước tổng vệ sinh môi trường sống 3 lần/tháng. Cảnh quan môi trường có sự đổi thay từ những khóm hoa, vườn rau xanh tốt quanh khu dân cư. Toàn thôn nêu cao quyết tâm cải tạo cảnh quan từ nhà ra ngõ, từ những việc làm nhỏ nhất để tạo diện mạo mới cho làng quê. Nhận thức, tư duy của Nhân dân địa phương đã đổi thay rõ nét.

Cao Sơn không có nhiều đất sản xuất, quỹ đất chủ yếu là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Việc phối hợp thực hiện khoán quản lý, bảo vệ rừng đã đem lại sinh kế cho người dân. Nguồn hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng được các thôn trích một phần để xây dựng các công trình phúc lợi như làm đường bê tông, xây dựng công trình thủy lợi…

Là xã phát triển mạnh đàn đại gia súc, trước đây việc chăn nuôi của Cao Sơn theo cách chăn thả rông, chuồng trại ngay gần nhà, do vậy không đảm bảo vệ sinh môi trường. "Để thay đổi tập quán cũ, góp phần thực hiện tiêu chí Môi trường, xã đã vận động các hộ dân di dời chuồng trại xa nơi ở, quét dọn vệ sinh môi trường, phun khử trùng tiêu độc, xây dựng tường rào đá sạch đẹp, vệ sinh đường làng, ngõ xóm... Từ việc thực hiện thí điểm ở 20 hộ dân, đến nay đã có thêm nhiều hộ hưởng ứng", bà Đặng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết.

Đồng chí Đỗ Thị Hiền, Bí thư Huyện ủy Bạch Thông.

Đối với xã đặc biệt khó khăn như Cao Sơn, huyện Bạch Thông luôn quan tâm, chỉ đạo, dành nguồn lực để hỗ trợ xã xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo. Bí thư Huyện ủy Bạch Thông, đồng chí Đỗ Thị Hiền chia sẻ: "Đối với những xã khó khăn, chúng tôi xác định xây dựng nông thôn mới dựa trên những nền tảng, điều kiện của địa phương. Khó khăn nhất là các tiêu chí Môi trường, Thu nhập, Nghèo đa chiều. Riêng đối với tiêu chí Môi trường, chúng tôi chỉ đạo bà con sử dụng những vật liệu sẵn có tại chỗ để làm sạch môi trường và làm đẹp cảnh quan".

Công cuộc kiến thiết làng quê được bắt đầu từ những việc nhỏ, nhờ quyết tâm đổi mới, thay đổi tập quán, lối sống. Với sự ủng hộ và dân vận khéo của huyện Bạch Thông, xã Cao Sơn đang quyết tâm đạt những kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới theo lộ trình đã đề ra./.

Trang Lê

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/kien-tao-lang-que-tu-nhung-viec-nho-post58735.html