Kiên quyết khởi kiện DN cố tình trây ỳ bảo hiểm xã hội

Đến thời điểm hiện tại tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) lên tới hơn 14.000 tỷ đồng song hồ sơ khởi kiện DN hầu như không có. Theo Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nhiều cơ quan "ngại" khởi kiện DN và có tình trạng "chưa làm đã kêu khó".

Bên cạnh một số DN chấp hành tốt quy định đóng bảo hiểm xã hội thì không ít DN còn vi phạm về nghĩa vụ này. Ảnh Phúc Quân.

Kêu khó!

Ngày 16-11, BHXH Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp khởi kiện, thanh tra, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến hết ngày 31-10, tổng số nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN của các tỉnh, thành phố là 14.237 tỷ đồng, chiếm 6,5% kế hoạch thu, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Trí Đại, Trưởng ban Thu BHXH, BHXH Việt Nam cho biết, nguyên nhân nợ các loại bảo hiểm do điều kiện kinh tế khó khăn, ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động và chủ yếu từ cơ quan BHXH các cấp. Bên cạnh đó bản thân một số giám đốc BHXH tỉnh chưa quyết liệt trong công tác đôn đốc thu, thu hồi nợ.

"Cá biệt, BHXH tỉnh An Giang từ tháng 1-2015 đến 9-2016 chưa thu được tiền đóng BHYT của hơn 60.000 đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền là 66 tỷ đồng,” ông Nguyễn Trí Đại nói.

Đại diện TP.HCM chia sẻ, tại TP.HCM, tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN diễn biến phức tạp bởi trong tổng số 60.000 DN đang hoạt động có tới 35.000 DN chậm nợ BHXH. Tình hình nợ đến nay là 2.308 tỷ đồng, chiếm 5,29%. Số nợ từ 3 tháng trở lên là hơn 14 ngàn DN với tổng nợ là 996 tỷ.

Mặc dù nợ đọng bảo BHXH của doanh nghiệp đang ở mức đáng báo động, gây thiệt hại lớn cho người lao động song theo ông Mai Đức Chính, Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện vẫn chưa có nhiều hồ sơ của DN bị khởi kiện, các cơ quan BHXH cũng im lặng, không có ý kiến gì.

Đặc biệt, dù Luật BHXH 2014 có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 đã chính thức trao quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ đóng BHXH cho tổ chức công đoàn, song theo thừa nhận của ông Mai Đức Chính, hiện Liên đoàn Lao động các tỉnh vẫn chưa chủ động phối hợp với cơ quan BHXH để khởi kiện các DN.

“Khi hỏi đến tiến độ khởi kiện DN nợ bảo hiểm, nhiều Liên đoàn Lao động tỉnh chưa khởi kiện nhưng đã sợ khó khăn, vướng mắc", Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh.

Chia sẻ về thực tế nêu trên, ông Lương Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, BHXH Việt Nam cho biết: Hiện nay trong quy định khởi kiện các vụ án lao động phải qua các bước như ủy quyền của người lao động cho tổ chức công đoàn cơ sở nhưng công đoàn cơ sở thường không dám đứng ra nhận trách nhiệm “ngại” khi thực hiện quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động bởi lẽ chính bản thân cán bộ công đoàn vẫn đang phụ thuộc chủ sử dụng lao động về việc làm.

“Đó còn chưa kể, việc khởi kiện còn phải xin ý kiến của UBND huyện, nơi DN đóng trụ sợ, vì nhiều lý do như thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nên dù muốn nhưng nhiều đơn vị còn sợ trách nhiệm do không biết khởi kiện DN có đúng luật hay không hay khi ra tòa lại bị DN kiện lại”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thông tin.

Về phía đơn vị thực hiện, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Hòa Bình cho biết, những DN nợ đọng trên địa bàn đều là nhưng DN khó khăn vì vậy khi khởi kiện cũng khó đòi được nợ. Bên cạnh đó là vấn đề chi phí tố tụng dân sự, chi phí lập hồ sơ, thu thập chứng cứ… khi khởi kiện sẽ do cơ quan nào chịu trách nhiệm chi trả?

Vưỡng đâu gỡ đó

Để hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH, khởi kiện DN cố tình trây ỳ nợ đọng, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định, các đơn vị cần tiến hành khẩn trương, quyết liệt việc tiến hành khởi kiện những DN cố tình trây ỳ BHXH, khi thực hiện vướng đâu sẽ gỡ ở đó. Ngoài ra cũng tránh tình trạng làm hòa với nhau, hay vì áp lực thu hút đầu tư, áp lực chính quyền địa phương không cho khởi kiện mà để kéo dài tình trạng nợ thì nhiều mà không có DN nào bị khởi kiện.

“Nếu tỉnh không tiến hành khởi kiện được thì để Trung ương tiến hành. Việc này không khó đến mức không làm được. Bởi lẽ thời gian vừa qua đoàn công tác của Trung ương đã đi giám sát việc đóng BHXH của 3 tỉnh, khi đoàn đi tới đâu thu nợ tới đó. Vậy nên thu nợ BHXH không phải khó thực hiện mà do các địa phương chủ quan, chưa thực hiện kiểm tra. Vậy nên thời gian tới, trách nhiệm thu hồi nợ đọng của DN sẽ được giao cho Giám đốc BHXH các tỉnh”, ông Trần Đình Liệu nhấn mạnh.

Còn ông Mai Văn Chính thì yêu cầu 16 địa phương chưa ký kết quy chế phối hợp giữa BHXH và Liên đoàn Lao động phải khẩn trương ký kết trong tháng 11 này để có căn cứ hoạt động trong thời gian tới.

Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng yêu cầu Liên đoàn Lao động các tỉnh khi khởi kiện tập trung vào những DN “có tóc”, tức là có khả năng bồi hoàn chi phí. Liên đoàn Lao động các cơ sở mạnh dạn chuyển hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp lên Tòa án nhân dân cấp tỉnh, huyện. Trường hợp tòa án không thụ lý thì yêu cầu có văn bản giải thích nguyên nhân. Nếu vướng ở đâu thì các địa phương báo lên Tổng Liên đoàn để đơn vị phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết. Hoặc có đơn kiến nghị lên Tòa án Nhân dân tối cao.

Theo đại diện của BHXH TP. HCM, để đôn đốc việc thu nợ BHXH, thời gian qua cơ quan này đã ban hành 800 công văn nhắc nhở DN, gần 400 quyết định thanh tra chuyên ngành, song vấn đề là hiện số cán bộ đủ tiêu chuẩn làm trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành công tác thu BHXH còn khá khiêm tốn, chỉ có 4 người, do vậy vị này kiến nghị cần tăng thêm số lượng các trưởng đoàn thanh tra, như vậy mới thành lập được thêm đoàn thanh tra, đốc thúc quá trình nộp BHXH của DN.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/khoi-kien-dn-no-tien-bao-hiem-khong-kho-den-muc-khong-lam-duoc.aspx