Kiến nghị tiếp tục đầu tư để phát huy tối đa hiệu quả dự án sử dụng nước sau nhà máy thủy điện Sông Hinh

Dự án Sử dụng nước sau nhà máy thủy điện Sông Hinh cần đầu tư giai đoạn 2 để phát huy tối đa hiệu quả của dự án. Trong ảnh: Điểm cuối của kênh chính Đông. Ảnh: ANH NGỌC

Theo thiết kế, dự án Sử dụng nước sau nhà máy thủy điện Sông Hinh giai đoạn 1 cung cấp nước tưới cho khoảng 1.470ha đất nông nghiệp, nhưng hiện nay chỉ đáp ứng tưới khoảng 55% số diện tích trên. Địa phương và các sở, ngành liên quan đề xuất UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị trung ương bố trí kinh phí để đầu tư giai đoạn 2 nhằm phát huy tối đa hiệu quả dự án.

Thời gian qua, một số nông dân ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) phản ánh nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Sơn Thành Tây chưa được cung cấp nước tưới theo như dự án Sử dụng nước sau nhà máy thủy điện Sông Hinh đã đề ra.

Nhiều diện tích không đảm bảo nước tưới

Dự án Sử dụng nước sau nhà máy thủy điện Sông Hinh được Bộ NN-PTNT phê duyệt từ năm 1998, với tổng mức đầu tư 416 tỉ đồng. Mục đích của dự án này là trực tiếp cấp nước tưới cho 4.100ha đất sản xuất nông nghiệp ở xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) và xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), bổ sung nước cho hệ thống thủy lợi Đồng Cam, kết hợp tiếp nước cho sông Bàn Thạch để góp phần chống nhiễm mặn, đảm bảo cho trạm bơm Nam Bình (TX Đông Hòa) hoạt động hết công suất. Dự án bao gồm các hạng mục đầu mối (đập dâng Sông Con), kênh chính Tây dài 12,63km (lưu lượng 2m3/s, tưới 1.200ha), kênh chính Đông dài 8,12km (lưu lượng 4,32m3/s, tưới 2.900ha) và tiếp nước vào hồ thủy lợi Sơn Tây Hạ (huyện Tây Hòa) để tưới cho khoảng 1.860ha đất nông nghiệp.

Đến năm 2007, Bộ NN-PTNT cân đối được nguồn kinh phí nhưng không đảm bảo như dự toán ban đầu nên chọn các hạng mục cần làm trước để triển khai. Theo đó, dự án điều chỉnh nhiệm vụ cấp nước tưới từ 4.100ha xuống còn 1.472ha (kênh chính Tây tưới 1.200ha đất nông nghiệp ở xã Sơn Giang, kênh chính Đông tưới 272ha ở xã Sơn Thành Tây), với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 điều chỉnh xuống còn 246 tỉ đồng. Riêng hạng mục kênh chính Đông được điều chỉnh từ 8,12km xuống còn 6,54km, đoạn còn lại của kênh chính Đông và các hạng mục khác như Trạm bơm Sơn Tây, đập dâng khu vực núi Mật Cật sẽ đầu tư ở giai đoạn 2.

Ông Nguyễn Dũng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa cho biết: Cuối năm 2016, công trình kênh chính Đông hoàn thành giai đoạn 1, bàn giao cho Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam (Công ty Đồng Cam) trực tiếp quản lý và khai thác gồm khoảng 6,6km kênh chính từ đầu kênh đến ngã ba thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây. Kênh chính Đông được xây dựng chủ yếu làm nhiệm vụ chuyển nước, nhưng đi qua khu vực có địa hình cao nên chỉ tưới trực tiếp cho những diện tích thấp hơn mực nước kênh, không tưới được một số diện tích dọc kênh có địa hình cao, do đó công trình này chưa phát huy hiệu quả và chưa đáp ứng nhu cầu nước tưới của người dân trên địa bàn. Theo thiết kế ban đầu (giai đoạn 1) của kênh chính Đông là tưới cho 272ha đất nông nghiệp, nhưng từ năm 2017 đến nay, Công ty Đồng Cam chỉ điều tiết tưới được cho khoảng 47ha đất màu trên địa bàn xã Sơn Thành Tây và người dân thôn Lạc Đạo sử dụng nước từ hệ thống kênh chính Đông tự bơm tưới cho khoảng 20ha đất trồng cây ăn trái và rau màu các loại.

Theo ông Nguyễn Dũng, hệ thống kênh chính Đông giai đoạn 2 chưa được đầu tư, chưa tiếp nước vào hồ thủy lợi Sơn Tây Hạ nên số diện tích khoảng 1.860ha sử dụng nước từ hồ thủy lợi này không đảm bảo nước tưới, nhất là gặp lúc nắng hạn.

Cần đầu tư giai đoạn 2

Ông Mai Ne, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa kiến nghị: UBND tỉnh cần quan tâm đầu tư, kết nối một số tuyến kênh mương từ hệ thống kênh chính Đông của dự án Sử dụng nước sau nhà máy thủy điện Sông Hinh đến các hồ, đập thủy lợi trên địa bàn 2 xã Sơn Thành Tây và Sơn Thành Đông. Địa phương cũng kiến nghị tỉnh và trung ương quan tâm, bố trí kinh phí, tiếp tục triển khai xây dựng các hạng mục còn lại của dự án Sử dụng nước sau nhà máy thủy điện Sông Hinh (giai đoạn 2) để địa phương chủ động tưới cho một số diện tích đất nông nghiệp, nhằm nâng diện tích sản xuất một vụ lúa lên hai vụ ăn chắc và khắc phục việc khô hạn hàng năm do thiếu nước.

Theo ông Lữ Ngọc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, UBND huyện Tây Hòa cần chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan tuyên truyền, khuyến cáo người dân không sản xuất lúa vụ hè thu khi không có kế hoạch gieo sạ của địa phương. Về lâu dài, huyện cần có giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đối với những diện tích thường xuyên xảy ra khô hạn trên địa bàn.

“Sở NN-PTNT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục có văn bản kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm bố trí vốn đầu tư hoàn thành giai đoạn 2 của dự án Sử dụng nước sau nhà máy thủy điện Sông Hinh (gồm đoạn kênh chính Đông còn lại, Trạm bơm Sơn Tây và đập dâng khu vực núi Mật Cật) để tưới cho phần diện tích còn lại khoảng 2.630ha đất nông nghiệp”, ông Lâm nói.

UBND huyện Tây Hòa kiến nghị tỉnh và Trung ương quan tâm, bố trí kinh phí, tiếp tục triển khai xây dựng các hạng mục còn lại của dự án Sử dụng nước sau nhà máy thủy điện Sông Hinh (giai đoạn 2) để địa phương chủ động tưới cho một số diện tích đất nông nghiệp, nhằm nâng diện tích sản xuất một vụ lúa lên hai vụ ăn chắc và khắc phục việc khô hạn hàng năm do thiếu nước.

ANH NGỌC - NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/272676/kien-nghi-tiep-tuc-dau-tu-de-phat-huy-toi-da-hieu-qua-du-an-su-dung-nuoc-sau-nha-may-thuy-dien-song-hinh.html