Kiến nghị thủy điện xả nước chống hạn ở Tây Nguyên

Nhiều địa phương ở Tây Nguyên kiến nghị các công ty thủy điện xả nước chống hạn, nhằm tránh tình trạng lúc dân cần thủy điện không xả nước, lúc thủy điện xả nước người dân lại không biết để dùng.

Ngày 6-3, trao đổi với PLO ông Hoàng Văn Nghĩa, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết sở đã chỉ đạo Công ty khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông phối hợp với các công ty thủy điện, UBND các huyện Đắk Mil, Krông Nô thực hiện các biện pháp điều tiết nước để bà con bơm tưới cây công nghiệp.

Gồng mình chống hạn

Suối Đắk Sôr đi qua hai xã Đắk Sôr và Nam Xuân, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Trên dòng suối này có ba đập dâng nhằm giữ nước phục vụ tưới tiêu trong mùa khô cho cây trồng.

Đập trên suối Đắk Sôr đã khô cạn. Ảnh: CB

Thế nhưng thời điểm này, ba đập dâng nói riêng và cả dòng suối Đắk Sôr nói chung đã khô kiệt. Điều này làm cho khoảng 1.300 đến 1.500 ha cây công nghiệp của người dân dọc theo suối đối mặt với với thực trạng khô hạn.

Thực tế, có nhiều diện tích cà phê đã bị héo cành do thiếu nước tưới. “Từ mùng 6 Tết suối Đắk Sôr bắt đầu cạn nước. Người dân chúng tôi đang ngày đêm mong có nguồn nước tưới” - ông Lê Quang Lâm, người dân ngụ Quảng Thành, xã Đắk Sôr lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông - chi nhánh huyện Krông Nô, cho biết mực nước ở 33 công trình thủy lợi ở huyện Krông Nô đều đã giảm sâu so với mọi năm. Cá biệt, một số nơi đã trơ đáy.

Đập ở suối Đắk Sô đã khô cạn. Ảnh: CB

Công ty đã phối hợp với các cơ quan chức năng, làm việc với các huyện lân cận như Đắk Mil, Đắk Song đang có nguồn nước còn tương đối ổn định, tiến hành điều tiết về huyện để giúp dân cứu cây trồng.

Tuy nhiên, việc điều tiết chỉ có thể giúp người dân có nước tưới đến cuối tháng 4. Còn sang tháng 5, nếu tình hình khô hạn vẫn xảy ra khốc liệt thì hàng ngàn ha cây trồng sẽ đối mặt với khô hạn.

Trong khi đó, ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Nô, cho biết mùa khô năm nay đã được dự báo trước sẽ diễn ra khốc liệt. Huyện đã làm việc với các công ty thủy điện trên sông Krông Nô như Thủy điện Buôn Kuốp, Thủy điện Chư Pông Krông để chủ động điều tiết nước cho phù hợp, tránh tình trạng lúc dân cần thủy điện không xả nước, lúc thủy điện xả nước người dân lại không biết để dùng.

Người dân lo lắng không có nước tưới. Ảnh: CB

“Năm nay, hiện tượng hạn hán trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino diễn ra phức tạp hơn, gay gắt những năm trước. Dự báo sẽ lặp lại hai đợt hạn hán cao điểm đã từng xảy ra vào năm 2016 và năm 2019 ở địa phương.”

Ông Hoàng Văn Nghĩa, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông

Mức nước ở các sông suối đang giảm mạnh

Theo tìm hiểu, hiện nay mực nước tại các sông, suối ao, hồ, mạch nước ngầm ở một số địa phương khác tỉnh Gia Lai cũng đang giảm mạnh. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của người dân, nguy cơ xảy ra thiếu nước, hạn hán là rất lớn.

Đơn cử như tại huyện Phú Thiện, gia đình bà Vũ Thị Kim Loan ngụ thị trấn Phú Thiện những ngày qua lòng như lửa đốt vì dòng suối Eke đã khô cạn. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới hơn 260 ha cây trồng của gia đình bà và 40 hộ dân khác. Mới đây, bà Loan đại diện cho các hộ làm đơn cầu cứu đến chính quyền địa phương.

Người dân nỗ lực dùng máy bơm cứu diện tích lúa. Ảnh: LK

“Do không có nước tưới, xuất hiện nhiều ha cây trồng bị chết khô, không có khả năng phục hồi. Trong những ngày tới, nếu không có nguồn nước chúng tôi đành buông tay phó mặc cho số phận” - bà Loan lo lắng nói.

Sau đó, đoàn công tác UBND huyện Phú Thiện đã đi kiểm tra, xác định trong số hơn 260 ha cây trồng tại cánh đồng Chư Bon có hơn 60 ha thuộc diện nguy cấp, nếu không có nguồn nước kịp thời có khả năng gây thiệt hại hơn 4,5 tỉ đồng. Khoảng 200 ha còn lại được người dân tận dụng nguồn nước duy trì.

“Nguyên nhân khô hạn là nắng nóng diễn ra sớm, lưu lượng nước các ao hồ cạn, suối Eke đã trơ đáy” – thông tin từ UBND huyện Phú Thiện cho hay.

Ông Bùi Trọng Thành, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Thiện, cho biết trước mắt địa phương vận động người dân tận động tối đa nguồn nước suối, đào giếng để duy trì cứu cây trồng.

Hàng chục ha lúa cánh đồng Chư Bon, thôn Đoàn Kết, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện khô hạn. Ảnh: LK

Theo ông Trần Minh Phương, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ia Pa, năm nay mực nước trên sông Ba và suối Đak Pi Hao đang khá khan hiếm, khiến các trạm bơm không thể hoạt động hết công suất. Nếu mực nước sông Ba tiếp tục giảm, nguy cơ xảy ra hạn trên diện rộng là rất lớn.

Trước tình hình nguồn nước sông Ba thiếu hụt, UBND huyện Ia Pa đã có văn bản gửi UBND tỉnh Gia Lai và các sở, ngành liên quan về việc kiến nghị Công ty thủy điện An Khê-Ka Nak xả nước để đảm bảo phục vụ sản xuất lúa trên địa bàn huyện.

Ông Vũ Ngọc An, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết đã đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước sông, suối, nguồn nước các công trình thủy lợi, xả nước của các hồ chứa thủy điện, để điều tiết nước phù hợp.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đề nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT quan tâm đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án thủy lợi lớn để phục vụ tưới và cắt lũ trên hệ thống sông lớn trên địa bàn” - ông An nói.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên, hiện tượng El Nino còn tiếp tục duy trì trong các tháng đầu năm 2024. Dự báo dòng chảy trên các sông, suối ở tỉnh Gia Lai trong 10 ngày tới dao động theo điều tiết của các hồ chứa thủy điện với xu thế giảm dần, thấp hơn từ 13-64% so với nhiều năm.

Trong 10 ngày đầu tháng 3, có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ ở khu vực không chủ động nguồn nước, xa các công trình thủy lợi.

VŨ LONG-LÊ KIẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kien-nghi-thuy-dien-xa-nuoc-chong-han-o-tay-nguyen-post779143.html