Kiến nghị thống nhất một mã ngạch duy nhất cho giáo viên tiểu học đến THPT

Các cấp, các ngành đang thực hiện quyết liệt việc xây dựng vị trí việc làm để cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW.

Nếu thực hiện một mã ngạch, bảng lương chung cho giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông sẽ thuận lợi cho quá trình quản lý, tuyển dụng, điều chuyển công tác cũng như tiến tới thuận lợi hơn cho việc trả lương theo vị trí việc làm theo Nghị quyết 27/NQ-TW trong thời gian tới.

Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Các mã ngạch của giáo viên mầm non, phổ thông hiện nay

Theo các Văn bản hợp nhất 08, 09, 10, 11/VBHN-BGDĐT hợp nhất Thông tư 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT và Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập quy định mã số, hệ số lương của giáo viên từ mầm non, phổ thông như sau:

Giáo viên mầm non hạng III, mã số V.07.02.26, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89; giáo viên mầm non hạng II, mã số V.07.02.25, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98; giáo viên mầm non hạng I, mã số V.07.02.24, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38.

Giáo viên tiểu học hạng III, mã số V.07.03.29, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98; giáo viên tiểu học hạng II, mã số V.07.03.28, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38; giáo viên tiểu học hạng I, mã số V.07.03.27, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

Giáo viên trung học cơ sở hạng III, mã số V.07.04.32, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98; giáo viên trung học cơ sở hạng II, mã số V.07.04.31, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38; giáo viên trung học cơ sở hạng I, mã số V.07.04.30, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,4 đến hệ số lương 6,78.

Giáo viên trung học phổ thông hạng III, mã số V.07.05.15, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98; giáo viên trung học phổ thông hạng II, mã số V.07.05.14, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38; giáo viên trung học phổ thông hạng I, mã số V.07.05.13, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

Vì sao nên thống nhất một mã số ngạch cho giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông?

Trước đây, cấp học mầm non đến trung học phổ thông có 4 mã ngạch, hệ số lương khác nhau là hợp lý vì mỗi cấp học, bậc học có quy định trình độ chuẩn đào tạo, hệ số lương khác nhau.

Tuy nhiên, theo người viết hiện nay để đơn giản hóa thủ tục hành chính, để thuận tiện hơn trong quản lý, điều chuyển giáo viên,…thì bậc mầm non sẽ có mã ngạch riêng và cả 3 cấp tiểu học đến trung học phổ thông chung một mã ngạch vì các lý do sau đây:

Thứ nhất, chuẩn trình độ đào tạo của bậc tiểu học đến trung học phổ thông là như nhau

Theo Luật Giáo dục 2019 thì giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đều có chung chuẩn trình độ là cử nhân sư phạm hoặc tương đương tức cùng có trình độ là đại học.

Vì cùng chung trình độ chuẩn đào tạo nên hoàn toàn có thể sắp cả 3 cấp này chung mã ngạch.

Thứ hai, hệ số lương giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông cùng hệ số lương

Có thể thấy, theo Văn bản hợp nhất 9,10,11 Bộ Giáo dục và Đào tạo thì bậc tiểu học đến trung học phổ thông khác nhau về mã số tuy nhiên đều được phân thành 3 hạng có hệ số lương giống nhau ở cả 3 cấp như: giáo hạng III hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98; giáo viên hạng II hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38; giáo viên hạng I hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

Vì 3 hạng ở tiểu học đến trung học phổ thông cùng hệ số lương nên nếu thống nhất cùng một mã số sẽ đơn giản, không phức tạp khi có nhiều mã số khác nhau nhưng cùng hệ số lương.

Thứ ba, sẽ thuận tiện khi điều động, luân chuyển giáo viên

Hiện nay, thực trạng thiếu hàng trăm ngàn giáo viên cả nước, thừa thiếu cục bộ, dẫn đến tất yếu phải có sự điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu.

Về chuyên môn, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở do Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện quản lý, giáo viên trung học phổ thông do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Nhưng, về con người, cả bậc tiểu học đến trung học phổ thông đều do Ủy ban nhân dân huyện quản lý nên cả bậc tiểu học đến trung học phổ thông chung 1 mã số sẽ đồng bộ, thống nhất.

Khi đó, điều chuyển, luân chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu sẽ thuận lợi, không phải ban hành nhiều quyết định thay đổi chức danh nghề nghiệp.

Thứ tư, thuận lợi cho quá trình chuyển xếp lương theo vị trí việc làm trong thời gian tới

Các cấp, các ngành đang thực hiện quyết liệt việc xây dựng vị trí việc làm để cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW.

Khi đã đồng bộ, chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông chung 1 mã số sẽ có phần thuận tiện hơn cho việc sắp xếp lương mới theo bảng chức vụ hay giáo viên vì giáo viên hạng 1,2 phần nhiệm vụ thường gắn với chức vụ, công việc đảm nhận.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khoa

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/kien-nghi-thong-nhat-mot-ma-ngach-duy-nhat-cho-giao-vien-tieu-hoc-den-thpt-post238575.gd