Kiến nghị tăng tiền đặt cọc để hạn chế 'cò' đấu giá tài sản

Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có biện pháp, chế tài đủ mạnh để phòng và trị người trúng đấu giá bỏ cọc làm lũng đoạn thị trường, gây dư luận xã hội không tốt.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Hải Dương.

Sáng 28/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Nhiều đại biểu quan tâm đến các quy định để nâng cao sự minh bạch trong hoạt động đấu giá, hạn chế tình trạng bỏ cọc như thời gian qua.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nhận định, việc sửa đổi quy định về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước trong đấu giá tài sản là rất cần thiết, để tránh việc lợi dụng tham gia đấu giá không vì mục đích đấu giá, thay vào đó là thông đồng, thỏa thuận với nhau để trả giá thấp, làm thất thu ngân sách Nhà nước, dẫn tới tiêu cực.

Nhắc lại vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, các cuộc đấu giá biển số xe ô tô hay ba mỏ cát ở Hà Nội, đại biểu cho rằng để chấm dứt tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc cần có các biện pháp như nâng mức đặt cọc cao hơn so với quy định hiện hành, áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính, không cho tham gia đấu giá lần tiếp theo…

"Có như thế mới giữ được kỷ cương trong hoạt động đấu giá tài sản, không chấp nhận đối tượng nào có tiền muốn làm thế nào cũng được", đại biểu Hòa nói. Ông cũng đề nghị công nhận kết quả đối với người trả giá cao thứ hai, không cần tổ chức đấu giá lại, tránh tốn kém.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đồng Tháp.

Đồng tình, đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) đánh giá cần thiết cần nâng tỷ lệ tiền đặt trước, tăng mức tối đa lên 30 hoặc 40% nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho người có tài sản hoặc các tổ chức đấu giá được ủy quyền, trong việc xác định giá khởi điểm đối với từng loại tài sản.

Theo đại biểu, thực tế thì hầu hết những người tham gia đấu giá đã có sự chuẩn bị về tài chính để mua tài sản đấu giá, thậm chí chuẩn bị đầy đủ 100% số tiền bỏ ra nên không băn khoăn về mức tiền đặt trước là bao nhiêu. Việc tăng mức tiền đặt trước cao sẽ là rào chắn với những đối tượng không có nhu cầu mua tài sản đấu giá, chỉ đăng ký tham gia với mục đích thông đồng, trục lợi. Hơn nữa, đại biểu cũng cho rằng, việc quy định như vậy sẽ hạn chế được thấp nhất tình trạng bỏ cọc đang diễn ra khá phổ biến hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cũng ủng hộ việc tăng số tiền đặt cọc lên tối thiểu 20% như nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị. Theo bà, việc này nhằm tránh tình trạng đối tượng cò tham gia đấu giá để trục lợi, nhất là đấu giá đất.

“Hiện nay dự thảo luật đang quy định số tiền cọc là từ 5 – 10% giá trị tài sản, tuy nhiên tôi đề nghị tăng số này lên tối thiểu là 20%. Con số tối đa thì giao quyền cho các địa phương căn cứ vào đặc điểm tình hình để xác định nhưng không thấp hơn 20%. Như vậy những người có nhu cầu thực sự sẽ tham gia, còn các đối tượng cò sẽ bị hạn chế tham gia do số tiền đặt cọc lớn”, đại biểu Nga nêu rõ.

NGOÀI MẤT CỌC SẼ BỊ PHẠT THÊM MỘT KHOẢN TIỀN KHÁC

Bên cạnh những đại biểu ủng hộ, một số đại biểu cũng lo ngại việc nâng mức tiền đặt trước có thể ảnh hưởng đến việc thu hút đấu giá.

Đại biểu Lê Tất Hiếu (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, để đảm bảo cho người tham gia đấu giá tài sản nghiêm túc, có trách nhiệm thì có thể nâng giá trị tiền đặt cọc lên trên 20% giá khởi điểm. Tuy nhiên có một hạn chế là nếu nâng tiền đặt cọc thì sẽ hạn chế, thu hẹp đối tượng người tham gia đấu giá.

"Do vậy theo tôi cần có một điều luật quy định về phạt hợp đồng khi đơn phương hủy bỏ hợp đồng mua tài sản đấu giá, bằng 30% đến 50% giá tại hợp đồng”, đại biểu Hiếu nêu quan điểm.

Đại biểu Lê Tất Hiếu - Đoàn Vĩnh Phúc.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) đề nghị giữ quy định hiện hành về tiền đặt trước. Tức là mức tiền đặt trước từ 5-20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.

Theo bà Dung, nếu nâng mức tiền đặt trước lên quá cao có thể ảnh hưởng đến quyền tự do tham gia giao dịch, giảm tính cạnh tranh, ít người tham gia đấu giá làm ảnh hưởng đến kết quả đấu giá.

Nữ đại biểu lấy ví dụ, nếu nâng mức đặt trước lên 40-50%, khi tài sản có giá trị khởi điểm 1 tỷ đồng, người tham gia đấu giá phải chuẩn bị nộp 400-500 triệu đồng tiền đặt trước, trong khi chưa chắc đã trúng đấu giá.

Tuy nhiên vị đại biểu tỉnh Long An cũng thừa nhận tình trạng thời gian qua có tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá với mục đích không tốt như để thao túng thị trường, hình thành mặt bằng giá mới chứ không phải muốn mua tài sản… và sẵn sàng mất cọc. Vì vậy, bà đề xuất nếu sau thời gian quy định mà người trúng đấu giá không nộp tiền mua tài sản, cũng không chứng minh được lý do bất khả kháng theo Bộ luật Dân sự thì ngoài mất cọc sẽ bị phạt thêm một khoản tiền khác.

Đinh Nhung - Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/kien-nghi-tang-tien-dat-coc-de-han-che-co-dau-gia-tai-san-post29568.html