Kiến nghị giải pháp đẩy nhanh tiến độ cải tạo 474 chung cư cũ của TP HCM

TP HCM hiện có 474 chung cư xây dựng trước năm 1975 đã hết niên hạn sử dụng. Mục tiêu là giải quyết được 50% số chung cư này từ nay đến năm 2020, cấp bách nhất là 70 chung cư cũ bị hư hỏng nặng, nguy hiểm cho người sử dụng.

Số liệu của Sở xây dựng TP HCM cho biết tổng diện tích đất của 474 lô chung cư này là 594.515,9 m2, diện tích sàn xây dựng 1.951.190,5 m2 và tổng số 27.208 căn hộ.

Trong thực tế, TP HCM cũng có nhiều nỗ lực trong việc cải tạo chung cư cũ nhưng do vướng nhiều quy định pháp luật nên tiến độ rất chậm. Đơn cử, năm 2013 UBND quận 10 đã từng được giao mời gọi doanh nghiệp đầu tư dự án cải tạo chung cư cũ đường Sư Vạn Hạnh phường 3. Nhưng khi lập xong bộ tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp, sau 3 năm, hiện vẫn chưa được phê duyệt.

Quận Tân Bình có 42 chung cư và nhà tập thể xây dựng trước năm 1975. Hầu hết các chung cư đều có quy mô nhỏ, diện tích căn hộ chỉ từ 12 - 30m2, nằm trong hẻm nên rất khó thu hút nhà đầu tư. Do vậy, UBND quận Tân Bình đề nghị phải phân cấp rõ, nhất là quận được chủ động quyết số lượng dân cư trong khu chung cư cũ.

Trước thực trạng này, UBND TP HCM vừa kiến nghị Bộ Xây dựng một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ trên địa bàn.

Theo đó, UBND TP HCM kiến nghị được ủy quyền cho UBND các quận - huyện thực hiện các công việc thuộc thẩm quyền củaUBND TPnhư: phê duyệt dự toán kinh phí sửa chữa và kinh phí kiểm định; ban hành văn bản thông báo kết quả kiểm định cho chủ sở hữu nhà chung cư; phê duyệt và công bố Kế hoạch cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới thay thế chung cư cũ.

Công nhận chủ đầu tư; chấp thuận, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phê duyệt phương án di dời, bố trí tạm cư và phương án cưỡng chế phá dỡ khẩn cấp; ban hành Quyết định chấp thuận đầu tư dự án.

Đối với các công việc thuộc thẩm quyền của các Sở, ngành, phân công cho UBND các quận-huyện thực hiện như: ban hành văn bản kết luận kiểm định;tổ chức thẩm định và phê duyệt phương án phá dỡ nhà chung cư do chủ đầu tư tổ chức lập; điều chỉnh đồ án quy hoạch phân khu 1/2000.

Thẩm định và phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật, giao thông; thẩm định thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công; cấp phép xây dựng...

Về chỉ tiêu quy hoạch – kiến trúc, UBND các quận-huyện sẽ chủ động thực hiện quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch cho các vị trí chung cư cũ để đảm bảo dự án triển khai hiệu quả khả thi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc có trách nhiệm xây dựng tiêu chí về việc điều chỉnh chỉ tiêu tại các vị trí chung cư cũ cũng như việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 để UBND các quận-huyện thực hiện.

Để không kéo dài việc thỏa thuận bồi thường,UBND TP HCM kiến nghị không áp dụng thực hiện phương thức bồi thường mà thực hiện phương thức tái định cư (tại chỗ hoặc nơi khác) theo nguyên tắc: nhà đầu tư được nhà nước lựa chọn làm chủ đầu tư có trách nhiệm ứng vốn để quận-huyện chi trả tiền tạm cư cho các hộ dân.

Nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng và bàn giao quỹ nhà tái định cư cho UBND quận-huyện để tổ chức bố trí tái định cư tại chung cư xây dựng mới. Chủ đầu tư không trực tiếp thực hiện việc tái định cư cho người dân. Quyền lợi và nghĩa vụ của chủ sở hữu và chủ sử dụng hợp pháp nhà chung cư được bảo toàn trước, trong và sau khi di dời, tạm cư và tái định cư.

Tiêu chuẩn căn hộ tái định cư có diện tích tối thiểu bằng 1,1 lần so với diện tích căn hộ cũ và người dân không phải đóng thêm bất kỳ khoản tiền nào.

Trường hợp căn hộ được bố trí tái định cư có diện tích nhỏ hơn 25m2 thì được bố trí căn hộ có diện tích tối thiểu là 25m2. Đây là phần hỗ trợ riêng cho các đối tượng có nhà ở nhỏ hơn mức tối thiểu của nhà ở xã hội, các hộ có diện tích căn hộ nhà ở tái định cư lớn hơn mức tiêu chuẩn tối thiểu của nhà ở xã hội thì không được hỗ trợ.

Trường hợp có nhu cầu chính đáng (hộ gia đình có nhiều nhân khẩu) thì được xem xét, giải quyết cho thuê mua hoặc thuê nhà ở xã hội.

Trường hợp đã ký hợp đồng bố trí nhà ở tái định cư, nhưng người dân không có nhu cầu ở tại chung cư xây dựng mới thì vẫn được bán căn hộ tái định cư theo hình thức chuyển nhượng căn hộ hình thành trong tương lai.

Trường hợp chưa ký hợp đồng bố trí nhà ở tái định cư, nhưng người dân muốn nhận tiền tại thời điểm di dời thì được thanh toán khoản tiền tương đương với giá trị căn hộ được tái định cư...

Nguồn NDH: http://ndh.vn/kien-nghi-giai-phap-day-nhanh-tien-do-cai-tao-474-chung-cu-cu-cua-tp-hcm-20161104094218113p4c148.news