'Kiến nghị 117' - trò hề cũ mèm

Ngay trong ngày đầu năm mới 1-1-2022, làng 'dân chủ' khởi động hoạt động chống phá bằng việc tung lên mạng xã hội 'Kiến nghị 117'. Ngay lập tức, những cái tai dơi từ các đài, trang tin chống cộng liền 'đồng thanh tương ứng', nhao nhao trên các trang mạng như chợ phiên cuối năm.

Ngày 1-1-2022, trang Tiếng Dân đăng bài: “Kiến nghị 117: Yêu cầu hủy bỏ 3 điều của Bộ luật Hình sự 2015”, đăng lại nguyên văn nội dung bản kiến nghị cùng danh sách các tổ chức và cá nhân khởi xướng gồm 7 tổ chức, đứng đầu là Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng mà vị đại diện, oái oăm thay chính là ông Võ Văn Thôn, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh. Tiếp theo là Ban vận động Văn đoàn Độc lập, đại diện là nhà văn Nguyên Ngọc; Diễn đàn xã hội dân sự, đại diện Nguyễn Quang A; Lập quyền dân và Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết - đại diện là Nguyễn Khắc Mai; Diễn đàn Bauxite Việt Nam, đại diện Phạm Xuân Yêm và Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh, đại diện là Mạc Văn Trang.

Thế rồi, rào rào như ong vỡ tổ, ngày 5-1-2022, trang RFA đăng bài: Kiến nghị bãi bỏ Điều 117 vốn “làm chỗ dựa để bỏ tù những người yêu nước”. Anh “dân chủ” già Mạc Văn Trang đại diện Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh - một trong những tổ chức khởi xướng Kiến nghị 117 lên diễn đàn trả lời phỏng vấn của Đài Á châu tự do: “Sự thật là từ lâu rồi, những anh em quan tâm đến vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam đều thấy rằng những cái điều quy định cái tội danh là âm mưu chống phá nhà nước bằng những bài viết, phát biểu, trả lời phỏng vấn của các công dân. Thì những cái điều đấy, những tội danh ấy nó là vi hiến”. Còn ông Lê Thân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, cũng trong nhóm viết kiến nghị thì cho rằng: Cái điều 117 và điều 331 của luật hình sự năm 2015, cái đó nó rất là vô lý. Và chính cái vô lý đó nó làm chỗ dựa để bắt bớ, tù đày những người yêu nước...

“Dân chủ” rào rào lên đã đành, cả người nhà của “dân chủ”, như bà Lê Na, vợ của nhà “dân chủ” Lê Trọng Hùng - kẻ từng bị cộng đồng mạng gọi là Lê Trọng Khùng do anh ta bất chấp tiêu chuẩn, điều kiện “xông ra” ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV cũng lên tiếng trên mạng xã hội: “Họ dựa vào bốn video clip của chồng tôi làm để kết án chồng tôi, theo khoản 1 Điều 117. Tôi nghĩ rằng những video clip chẳng có vi phạm gì cả”…

Vậy cái gọi là “Bản kiến nghị 117” là gì? Và lý do gì mà các anh chị dân chủ, các trang chống cộng lại sồn sồn lên vì cái bản kiến nghị ngớ ngẩn này?

Thực ra, các điều 109, 117 và 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 tương ứng với các nội dung trong các điều 79, 88 và 258 Bộ luật Hình sự năm 1999. Đã từ lâu, các đối tượng chống phá trong và ngoài nước luôn nhân danh “dân chủ”, “nhân quyền” để lên tiếng đòi xóa bỏ các điều luật quan trọng này. Họ lợi dụng danh nghĩa đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền để lôi kéo các văn nghệ sĩ, nhà khoa học, người có uy tín đòi xóa bỏ các điều luật nêu trên dưới nhiều hình thức như: ra “bản tuyên bố”, “kiến nghị”, “thư ngỏ”… Những việc làm nêu trên nhằm tạo ra kẽ hở về mặt pháp lý cho các đối tượng có thời cơ để tuyên truyền chống phá chế độ, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những việc làm trái ngược với lợi ích quốc gia, dân tộc của những nhóm người chống phá này được các tổ chức phản động bên ngoài “hà hơi” tiếp sức bằng tiền bạc, sức ép chính trị, kinh tế, ngoại giao… nên họ luôn tỏ ra hăng hái. Việc tuyên truyền, kêu gọi xóa bỏ các điều luật nêu trên cũng đồng thời tạo cớ để họ vu cáo, xuyên tạc Việt Nam vi phạm quyền tự do dân chủ, nhân quyền; hạ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và tạo cớ cho một số quốc gia, tổ chức quốc tế thiếu thiện chí can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Từ xưa tới nay, cho dù là nước văn minh, tiến bộ hay vùng lãnh thổ còn nghèo nàn, lạc hậu; cho dù là châu Mỹ, châu Phi hay châu Á thì luật pháp của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đều là sản phẩm của tiến trình phát triển xã hội loài người. Sự xuất hiện của Nhà nước, nói cách khác là giai cấp cầm quyền cũng chính là nguyên nhân cho sự ra đời của pháp luật. Hoạt động quản lý nhà nước bằng pháp luật dựa trên ý kiến đóng góp của người dân, từ đó Nhà nước ban hành các quy định để quản lý xã hội. Như vậy, dù ở thể chế chính trị nào thì pháp luật ra đời luôn gắn liền với lợi ích của Nhà nước cũng như quyền lợi chính đáng của người dân.

Trở lại điều luật mà các nhà “dân chủ”, các trang chống cộng đang kêu gào đòi xóa bỏ là nằm trong tổng thể hệ thống pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nó đại diện cho ý chí, lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và lợi ích chung cho toàn dân tộc và đã được hiến định. Vậy mà những kẻ luôn vỗ ngực “vì lợi ích nhân dân” lại nhắm mắt đòi xóa bỏ những điều luật nêu trên trong Hiến pháp thì không thể nào chấp nhận, cho dù họ nhân danh những điều lớn lao nào. Chẳng qua là sau khi chứng kiến các đối tượng như: Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Đỗ Nam Trung, Lê Trọng Hùng… nhận những mức hình phạt nghiêm khắc của pháp luật trong những tháng cuối năm 2021 thì những kẻ chống phá lại sử dụng chiêu bài cũ mèm, núp dưới danh nghĩa “nhân sĩ, trí thức” để khởi động các hoạt động chống phá trong những ngày đầu năm mới 2022 mà thôi!

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/130226/kien-nghi-117-tro-he-cu-mem