Kiên Giang tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức

Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững của tỉnh Kiên Giang, góp phần bồi đắp 'nguyên khí quốc gia'. Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền giữ vai trò quyết định.

Cán bộ chủ chốt tỉnh Kiên Giang nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 8, khóa XIII. Ảnh: THU OANH

Ngày 19-3-2024, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang ban hành Chương trình hành động Số 52-CTr/Tu thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Theo đánh giá của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang qua hơn 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức ngày càng nâng lên.

Đội ngũ trí thức trong tỉnh có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Đến nay, toàn tỉnh hiện có 98.847 người có trình độ đại học và sau đại học (tăng 84.847 người so với năm 2008), chiếm 5,64% dân số; được cơ cấu theo ngạch, chức danh, vị trí việc làm phù hợp.

Kiên Giang hiện có 63 tổ chức hội trí thức hoạt động ở cấp tỉnh (11 hội đặc thù) thuộc 16 sở và 45 hội hoạt động ở cấp huyện, trong đó Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh với vai trò là cơ quan tập hợp, phát huy đội ngũ trí thức...

Tuy nhiên, chính sách đãi ngộ của tỉnh chưa thực sự đủ mạnh, sức hấp dẫn chưa cao để thu hút và giữ chân tốt đối với trí thức, đặc biệt là các chuyên gia, trí thức có chuyên môn cao về làm việc tại tỉnh; vẫn còn tình trạng trí thức trẻ được đào tạo nâng cao trình độ, sau khi tốt nghiệp không trở về tỉnh công tác hoặc xin chuyển đi nơi khác có môi trường, điều kiện làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn, nhất là ngành y tế, giáo dục…

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang chỉ đạo quán triệt đầy đủ, sâu sắc 3 quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đồng thời tập trung thực hiện tốt các quan điểm trí thức là lực lượng quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài…

Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững của tỉnh, góp phần bồi đắp “nguyên khí quốc gia”. Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền giữ vai trò quyết định.

Trí thức có vinh dự và bổn phận trước quê hương và dân tộc, phải không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển của tỉnh.

Tỉnh Kiên Giang đề ra mục tiêu đến năm 2030: Phát triển đội ngũ trí thức bảo đảm về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu; triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, tạo cơ hội, điều kiện, động lực cho đội ngũ trí thức phát triển toàn diện, nâng cao năng lực, trình độ; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, đảm bảo có trình độ chuyên môn cao, năng lực thực tiễn tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong tình hình mới...

Phấn đấu 100% công chức, viên chức được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm; 100% đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên; 100% trường cao đẳng, 50% trường trung cấp và 80% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; 100% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia.

Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 80% (trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55%, tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%); khoảng 90% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị hiện đại.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang đề ra các nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài.

Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của cấp ủy đảng, chính quyền; triển khai thực hiện tốt chủ trương, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức; tăng cường nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các hội trí thức.

ĐỨC BÌNH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chinh-tri/kien-giang-tiep-tuc-xay-dung-va-phat-huy-vai-tro-cua-doi-ngu-tri-thuc-19864.html