Kiểm tra, giám sát tình trạng học sinh 'ngồi sai lớp'

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Khánh Hòa yêu cầu các phòng GD&ĐT Cam Lâm, Cam Ranh, Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa kiểm tra, giám sát thường xuyên việc giảng dạy của trường tiểu học có học sinh DTTS trên địa bàn, phát hiện học sinh “ngồi sai lớp” hoặc có nguy cơ “ngồi sai lớp” để chỉ đạo nhà trường có giải pháp khắc phục kịp thời.

Trong quá trình làm việc với nhà trường cần chú trọng đến các hoạt động giáo dục sau: Việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh là người dân tộc thiểu số (DTTS) ở tất cả các khối lớp, từ lớp 1 đến lớp 5; hỗ trợ cho học sinh DTTS, học sinh khó khăn, chậm tiến bộ trong các giờ học chính khóa; các biện pháp cụ thể giúp học sinh vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, nội dung học tập môn học, hoạt động giáo dục khác (hàng tuần, hàng tháng);

Việc bổ sung kiến thức, rèn luyện kĩ năng cho học sinh DTTS, học sinh khó khăn, chậm tiến bộ trong các giờ học buổi 2; việc bàn giao chất lượng học sinh đầu năm theo quy định của Bộ GD&ĐT. Riêng đối với khối lớp 5 cần chú ý đến công tác chỉ đạo việc kiểm tra định kì cuối năm (ra đề kiểm tra, tổ chức coi thi, chấm bài kiểm tra; các Biên bản làm việc, bàn giao chất lượng học sinh..

Kiểm tra, nắm bắt tình hình học sinh DTTS đang lớp 6 tại các trường trung học cơ sở trên địa bàn (khảo sát, kiểm tra chất lượng...) đế có chấn chỉnh kịp thời nếu có tình trạng học sinh học quá kém hoặc “ngồi sai lớp”.

Chỉ đạo các trường tiểu học trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung về giáo dục đối với học sinh DTTS, trong đó chú trọng:

Công tác phối hợp với địa phương trong việc điều tra, khảo sát, nắm tình hình số trẻ 6 tuổi vừa học xong mẫu giáo, số trẻ 6 tuổi chưa ra lớp mẫu giáo để có kế hoạch tổ chức và huy động đối tượng này ra học các lớp dạy tập nói tiếng Việt trong hè.

Xây dựng thời khóa biểu phù hợp với điều kiện thực tế và ưu tiên chọn lựa những giáo viên có kinh nghiệm, có năng lực để giảng dạy các lớp tập nói tiếng Việt cho trẻ DTTS chuẩn bị vào lớp 1.

Vào cuối năm học, nhà trường thống kê số học sinh chưa hoàn thành, khó khăn trong học tập hoặc khả năng tiếng Việt còn hạn chế để có kế hoạch tổ chức lớp dạy tăng cường tiếng Việt các đối tượng trên trong hè.

Tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm để dự giờ, trao đổi kinh nghiệm việc công tác giảng dạy, tổ chức các hoạt động giáo dục và tháo gỡ những vướng mắc để tìm các giải pháp về các nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh DTTS...

Thực hiện công tác phối hợp, tham mưu, đề xuất với chính quyền, các ban ngành tại địa phương để hỗ trợ ngành trong việc giáo dục và đảm bảo các điều kiện để nâng cao chất lượng cho học sinh DTTS.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/kiem-tra-giam-sat-tinh-trang-hoc-sinh-ngoi-sai-lop-2462098-v.html