Kiểm tra, đánh giá chưa theo kịp chương trình mới

Để đồng bộ với mục tiêu và phương pháp dạy học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đòi hỏi hệ thống kiểm tra, đánh giá phải vận hành cùng nhịp độ

Thực tế hiện nay, việc kiểm tra, đánh giá trong các cơ sở giáo dục phổ thông vẫn còn nhiều lúng túng, giáo viên (GV) chưa đều tay trong cách ra đề, khiến không ít phương pháp khảo thí quay lại lối mòn như ở chương trình cũ.

Vẫn phụ thuộc vào đề mẫu

Tổ trưởng ngữ văn một trường THCS tại TP HCM cho biết dù TP là địa phương đi đầu trong vận dụng và đổi mới, sáng tạo nhưng vẫn còn không ít tồn tại trong phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh (HS).

Theo GV này, để có một đề thi đáp ứng yêu cầu của chương trình mới rất nặng nề, có khi GV phải 3 ngày mới có thể xong 1 đề thi, từ việc tìm ngữ liệu, câu chuyện phù hợp với tâm lý lứa tuổi học trò… còn phải làm sao để tránh bị mang tiếng là làm lộ đề, vì thế muốn ra đề là phải né phần đã ôn tập cho HS.

Cách đây 2 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có tổ chức tập huấn phương pháp, cách thức ra đề theo chương trình mới cho GV nhưng mỗi địa phương chỉ một số rất ít người được tham dự. Chính vì điều này, những GV nếu vững chuyên môn sẽ mạnh dạn "bứt phá" trên nền tảng đề mẫu của bộ. Ngược lại, cũng có những GV chưa được tập huấn thì cách an toàn nhất là lấy đề thi mẫu và thay các ngữ liệu là xong. Cũng từ việc này, nảy sinh tình trạng GV phụ thuộc vào ngữ liệu sách giáo khoa (SGK) dù tinh thần của chương trình mới thì SGK chỉ là một tài liệu để tham khảo. "GV tự mày mò trên đề mẫu, nên có tình trạng khi trường có mời một số GV trường khác về thỉnh giảng thì đã có độ chênh rõ rệt, GV hai trường đều thắc mắc sao trường này làm thế này, thế kia, trong khi trường tôi không vậy…" - GV này cho biết.

Ý kiến của nhiều GV khác cũng cho rằng khó trách GV khi phải phụ thuộc vào đề thi mẫu, bởi lẽ người thầy chưa được tập huấn, tiếp cận với hướng dẫn ra đề thi theo chương trình mới. Chẳng hạn, đề kiểm tra định kỳ môn ngữ văn theo chương trình mới hiện nay có thêm phần trắc nghiệm. Rõ ràng vừa viết văn vừa kết hợp trắc nghiệm rất hay nhưng éo le ở chỗ chưa GV nào được dạy cách ra đề thi trắc nghiệm. "Việc kiểm tra, đánh giá hiện nay chưa thể đồng bộ với chương trình mới bởi thực tế mỗi GV còn suy nghĩ khác nhau, mỗi GV một cách hiểu khác nhau, do đó chưa đều tay trong kiểm tra, đánh giá. Các phần tập huấn GV dạy chương trình mới vẫn còn chung chung, chưa xuất phát từ thực tiễn" - GV một trường THCS tại quận 1 bày tỏ.

Học sinh TP HCM xem lại đề thi trong kỳ tuyển sinh lớp 10. Ảnh: TẤN THẠNH

"Rất mênh mông" vì nhiều bộ sách

Thầy Lâm Vũ Công Chính, GV môn toán Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho biết tùy thực tế ở các trường, GV thật ra không gặp khó khăn trong việc kiểm tra đánh giá HS vì nội dung đều được thống nhất trong tổ chuyên môn. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ hiện nay có nhiều bộ sách, trình bày theo lối riêng của từng nhóm tác giả, nên có đôi chỗ chưa có sự thống nhất. Nhưng SGK hiện chỉ là tài liệu tham khảo nên để so sánh đồng bộ với chương trình hay chưa cũng "rất mênh mông".

Theo thầy Chính, dạy theo tinh thần của chương trình mới là giúp HS nâng cao tư duy và các kỹ năng, hướng tới việc thực hành nhiều hơn. Chương trình mới theo hướng mở, linh hoạt song mức độ yêu cầu, đánh giá thế nào thì tùy thuộc vào từng đối tượng HS và sinh hoạt chuyên môn của từng tổ, từng trường; do đó nói đúng hay sai, nói đã sát với chương trình hay chưa thì tùy góc nhìn, tùy quan điểm. Đa số GV vẫn đang chờ xem cách thi, cách đánh giá của Bộ GD-ĐT thế nào để điều chỉnh cách dạy cho phù hợp.

Thầy Lâm Vũ Công Chính cũng cho rằng riêng ở cấp THCS, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM trong nhiều năm qua đã "đi tắt đón đầu" về cách ra đề theo hướng vận dụng thực tế. Do vậy, cách ra đề kiểm tra học kỳ của các trường THCS cũng đã theo hướng đó, phân hóa HS theo hướng dùng kiến thức để vận dụng giải quyết bài toán thực tế điều đó giúp cho HS có cái nhìn bao quát hơn về kiến thức học được, thay vì chỉ bó hẹp trong một vài dạng toán quen thuộc.

Thầy Nguyễn Minh Lý, GV Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình), cho biết thực tế hiện nay kiểm tra, đánh giá trong trường học đang từng bước đồng bộ với chương trình và phương pháp dạy học. Nếu muốn chỉn chu ngay từ đầu rất khó bởi lẽ vẫn còn nhiều quan điểm hơi cũ, khó thay đổi. GV cần có thời gian và hướng dẫn, tập huấn của bộ nhiều hơn để GV biết cách kiểm tra, đánh giá sao cho đúng.

Từng bước điều chỉnh

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM, khi chương trình mới triển khai, với các môn như âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm... ở bậc trung học sẽ đánh giá HS bằng nhận xét kết quả học tập đạt hay chưa đạt, trong đánh giá thường xuyên cũng sẽ kết hợp nhiều hình thức như đánh giá thông qua bài thuyết trình, thái độ học tập...

Những môn học còn lại như toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử, khoa học tự nhiên... thực hiện đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số. Đối với đánh giá định kỳ thì hình thức, cấu trúc là tự luận hay trắc nghiệm hoặc trắc nghiệm kết hợp tự luận, tỉ lệ các mức độ câu hỏi do hiệu trưởng quyết định sau khi họp thống nhất với tổ chuyên môn. Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, đâu đó vẫn có GV còn lúng túng trong cách ra đề, Sở GD-ĐT sẽ từng bước điều chỉnh.

Đặng Trinh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kiem-tra-danh-gia-chua-theo-kip-chuong-trinh-moi-196231212205735067.htm