Kiểm toán nhà nước: Chặng đường 30 năm với nhiều dấu ấn

Ngày 11/7/2024, Kiểm toán nhà nước Việt Nam (KTNN) sẽ tròn 30 năm thành lập. Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, trong mỗi giai đoạn, thời kỳ, KTNN luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể lãnh đạo, công chức và người lao động KTNN đã tạo nên những bước tiến vững chắc, toàn diện với nhiều thành tựu đáng tự hào.

Hoạt động hợp tác quốc tế của Kiểm toán nhà nước chủ động, linh hoạt, thích ứng với tình hình mới

Hoạt động hợp tác quốc tế của Kiểm toán nhà nước chủ động, linh hoạt, thích ứng với tình hình mới

Hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng kiểm toán

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, thành tựu nổi bật đầu tiên của KTNN trong suốt 30 năm xây dựng và phát triển là khuôn khổ pháp lý ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.

Từ những ngày đầu năm 1994, trải qua các cột mốc lịch sử, KTNN đã được nâng tầm từ cơ quan do "luật định" thành "hiến định", nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của KTNN trong kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Thành tựu nổi bật thứ hai trong 30 năm xây dựng và phát triển là tổ chức bộ máy của KTNN có nhiều bước phát triển khá toàn diện cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Ngày đầu thành lập, KTNN chỉ có 5 đơn vị thì đến nay đã có 32 đơn vị cấp Vụ và tương đương.

Thành tựu nổi bật thứ ba là hằng năm, KTNN đã tổ chức kiểm toán trên dưới khoảng 250 đoàn kiểm toán và kiến nghị xử lý tài chính khoảng 60.000 tỷ đồng. Đặc biệt, KTNN kiến nghị để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý bảo đảm cho sự phát triển của đất nước; kịp thời tư vấn cho các bộ, ngành, địa phương để chấn chỉnh kịp thời những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công.

Từ khi thành lập đến nay, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện và kiến nghị trên 738.455 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng trên 40% tổng kiến nghị; kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 2.181 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý có nội dung sai quy định hoặc không phù hợp với quy định của Nhà nước và thực tiễn; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.

Đánh giá cao các kết quả kiểm toán, ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, cũng cho rằng: Kết quả và kiến nghị của KTNN có giá trị pháp lý, buộc các đối tượng kiểm toán phải thực hiện đầy đủ. Việc thực hiện tốt kết luận, kiến nghị kiểm toán làm cho nền tài chính quốc gia cũng như ngân sách nhà nước được lành mạnh, minh bạch và đáp ứng được yêu cầu của Nhà nước, của đất nước.

Đặc biệt, báo cáo của KTNN cho biết thêm: Từ năm 2011 đến nay, KTNN đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định; 02 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 1.950 (đến ngày 15/12/2023) hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu cho cơ quan có liên quan để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn ký Quy chế phối hợp với các địa phương - Ảnh: VGP/HT

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn ký Quy chế phối hợp với các địa phương - Ảnh: VGP/HT

Hội nhập sâu rộng, có uy tín ở 'sân chơi' quốc tế

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, dấu mốc thứ tư trong hành trình 30 năm xây dựng và phát triển KTNN là hoạt động hợp tác quốc tế của KTNN ngày càng sâu rộng. Ngay từ khi thành lập, KTNN đã xác định được vai trò, tầm quan trọng của công tác này.

Báo cáo của KTNN cho biết, đến nay, KTNN đã mở rộng, thúc đẩy quan hệ hợp tác với hơn 50 cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) và các tổ chức quốc tế trên thế giới và khu vực; ký kết 29 thỏa thuận quốc tế với các SAI và các tổ chức quốc tế. Một số thỏa thuận quốc tế đã đi vào các nội dung cụ thể, thực chất, tập trung vào chương trình, dự án mà các bên cùng quan tâm.

KTNN là thành viên chính thức của Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao - INTOSAI (năm 1996), Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á - ASOSAI (năm 1997), là thành viên đồng sáng lập của Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á - ASEANSAI (năm 2011) và là Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Chiến lược của Tổ chức này từ đó đến nay. KTNN đã chủ động, tích cực hội nhập sâu và tham gia thực chất hơn vào các hoạt động của các tổ chức INTOSAI, ASEANSAI và đặc biệt trong khuôn khổ ASOSAI.

Với tư cách là đồng sáng lập ASEANSAI, KTNN được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược của tổ chức này. Ngoài thực hiện tốt vai trò Ủy ban Kế hoạch chiến lược, KTNN có nhiều sáng kiến và đóng góp cho sự phát triển chung của ASEANSAI.

Chú trọng các trụ cột gắn với yêu cầu bối cảnh mới

Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030 đặt mục tiêu cũng như các trụ cột phát triển, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong thời gian tới, KTNN sẽ tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN. KTNN đang tiến hành rà soát, tổng kết, đánh giá Luật KTNN năm 2019, từ đó sẽ đề ra phương hướng phát triển trong thời gian tới, trong đó có nhiều nhiệm vụ, chức năng mới, đơn cử như nhiệm vụ rất mới là kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, KTNN đang khẩn trương rà soát việc sửa đổi Hệ thống Chuẩn mực KTNN để sớm ban hành Hệ thống Chuẩn mực mới phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung của Chuẩn mực kiểm toán quốc tế do INTOSAI ban hành. Đây là sản phẩm có ý nghĩa thiết thực đối với hoạt động kiểm toán, hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập Ngành.

Thứ hai, chú trọng phát triển nguồn nhân lực. Con người là nhân tố quyết định mọi thắng lợi, vì thế, KTNN hết sức quan tâm tới việc phát triển đội ngũ kiểm toán viên "Nghệ tinh - Tâm sáng", với phẩm chất đạo đức đặt lên hàng đầu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới.

Thứ ba, KTNN sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi hoạt động của Ngành, đặt biệt là hoạt động kiểm toán. Trong thời đại công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán là biện pháp thiết thực để nâng cao chất lượng kiểm toán và giảm thiểu các rủi ro nghề nghiệp.

Thứ tư, KTNN sẽ tập trung vào chất lượng xây dựng báo cáo kiểm toán, xây dựng kế hoạch kiểm toán, lựa chọn lĩnh vực nóng, được dư luận xã hội quan tâm; yêu cầu về kế hoạch kiểm toán "gọn" nhưng "chất lượng", khi đưa ra kết luận, kiến nghị kiểm toán, đơn vị được kiểm toán phải "tâm phục, khẩu phục".

Thứ năm, đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế, lấy hội nhập chuyên môn làm trụ cột; phát triển đồng thời hợp tác song phương và đa phương nhằm nâng cao hình ảnh, vị thế với cộng đồng quốc tế, khẳng định năng lực chuyên môn của KTNN Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn: Năm 2024, triển khai Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, KTNN đã xây dựng chương trình rất cụ thể, chi tiết, ngay từ khi đào tạo đến khi tổ chức triển khai và kiểm tra, giám sát để đảm bảo cơ quan kiểm toán đi đầu, gương mẫu trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Anh Minh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/kiem-toan-nha-nuoc-chang-duong-30-nam-voi-nhieu-dau-an-102240512183334424.htm