Kiểm soát xung đột lợi ích, phòng ngừa tham nhũng

Ngày 9/11, Thanh tra Chính phủ và Nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo công bố Kiểm soát Xung đột lợi ích trong khu vực công - Quy định và thực tiễn ở Việt Nam. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh chủ trì hội thảo.

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TH

Trong ba thập kỷ đổi mới vừa qua, Việt Nam đã có những nỗ lực vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội để chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Sự chuyển đổi này đòi hỏi Việt Nam phải có những thay đổi căn bản về kinh tế - xã hội, thể chế. Những thay đổi đó gắn liền với sự tương tác ngày càng nhiều hơn giữa khu vực tư nhân và khu vực Nhà nước, khiến cho hệ thống quản lý Nhà nước dễ rơi vào các tình huống xung đột lợi ích (XĐLI). Trong khi đó, xã hội cũng ngày càng đòi hỏi cao hơn về các thể chế minh bạch và hiệu quả, nơi mà các quyết định về phân bổ nguồn lực được đưa ra một cách công bằng và minh bạch.

Với mục tiêu trở thành một quốc gia thịnh vượng cùng các thể chế hiện đại vào năm 2035, việc kiểm soát lợi ich là rất quan trọng bởi chính quá trình cải cách thể chế này sẽ quyết định hình thái nhà nước, thị trường, các quy định và luật lệ cho thế hệ tiếp theo. Vì vậy, điều kiện tiên quyết hiện nay là phải phân định rõ ràng ranh giới giữa khu vực công và tư, bảo đảm các quy định kiểm soát XĐLI được ban hành và thực hiện một cách hiệu quả. Đây là nghiên cứu đầu tiên đặt vấn đề XĐLI trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam.

Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm đề xuất một số biện pháp giúp Chính phủ và các bên liên quan hiểu rõ hơn và hạn chế các tình huống XĐLI mà cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước gặp phải khi thực thi công việc của mình, từ đó nâng cao chất lượng thể chế khu vực công và phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả hơn. Nghiên cứu này xem xét XĐLI ở sáu lĩnh vực hoạt động phổ biến trong khu vực công, bao gồm: Cung cấp dịch vụ công; bổ nhiệm và tuyển dụng; quản lý đấu thầu; cấp phép, phê duyệt dự án; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát thông tin từ 2.647 người, trong đó có 570 người dân, 596 doanh nghiệp, 1.411 cán bộ công chức và dữ liệu thu thập ở 10 tỉnh, thành, 5 bộ, ngành. Bốn hình thức XĐLI phổ biến được nghiên cứu là tặng/ nhận quà (bằng tiền và không bằng tiền; đầu tư chia sẻ lợi ích; sử dụng lợi thế thông tin để vụ lợi và ra quyết định hoặc tác động có lợi ích cho người thân.

Kết quả cho thấy, gần 70% số doanh nghiệp và cán bộ công chức biết rõ việc tặng, nhận quà, cho rằng mục đích tặng quà chủ yếu là giúp giải quyết công việc. Cán bộ công chức và doanh nghiệp đều cảm nhận chung là tặng quà đã trở thành “trào lưu”, “thông lệ”, thậm chí “luật chơi”. Nhiều doanh nghiệp tặng quà để không bị “phân biệt đối xử”, trong khi cán bộ công chức tặng quà cho cấp trên để thể hiện sự biết điều.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, đa số các đối tượng được hỏi còn chưa hiểu hoặc hiểu chưa đúng, hiểu chưa đầy đủ về khái niệm XĐLI. Trên 60% các đối tượng cho rằng XĐLI là nói tới xung đột giữa các bên. Chỉ có 25% số người được hỏi hiểu XĐLI theo đúng nghĩa là xung đột giữa lợi ích riêng của cán bộ công chức và lợi ích chung, nảy sinh trong nội tại quyết định của cán bộ công chức

Đáng chú ý, có từ 25 - 40% cán bộ công chức được hỏi nhận định cơ quan họ không thực hiện các biện pháp kiểm soát XĐLI theo quy định. Có cán bộ công chức còn khẳng định tại cơ quan mình chỉ tuyển 10 người nhưng đã có tới 100 người là con em trong ngành, từ cấp vụ trở lên gửi gắm.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: TH

Tuy nhiên, các đối tượng tham gia khảo sát có thể nhận biết các tình huống XĐLI, biểu hiện cụ thể, cũng như tác động tiêu cực của chúng đến tính khách quan, hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước…

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh, kết quả của nghiên cứu thể hiện ở 3 nội dung chính, đó là sự đánh giá khung pháp lý về kiểm soát xung đột lợi ích trong pháp luật của Việt Nam, có sự đối chiếu kinh nghiệm quốc tế. Bên cạnh đó là kết quả khảo sát thực tiễn nhận thức về XĐLI, cảm nhận và trải nghiệm các tình huống XĐLI, đánh giá hiệu quả thực hiện các quy định kiểm soát XĐLI và thái độ của cán bộ, công chức trước các tình huống về XĐLI. Ngoài ra, các kết luận và kiến nghị nhằm nâng cao nhận thức, hoàn thiện pháp luật và hiệu quả thực hiện các quy định về kiểm soát XĐLI tại Việt Nam.

“Các kết quả nghiên cứu đã thể hiện khách quan, trung thực các số liệu thu thập được từ thực tiễn khảo sát. Những nhận định, đánh giá và kết luận của nghiên cứu về sự phổ biến của các tình huống XĐLI, hiệu quả kiểm soát XĐLI và tác dụng đối với công tác phòng, chống tham nhũng có sự tương đồng với kết quả của một số báo cáo nghiên cứu, tổng kết thực tiễn gần đây. Các kết luận, kiến nghị của nghiên cứu là những gợi ý thiết thực, hiệu quả cho việc xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ thể chế, chính sách về nâng cao hiệu quả quản trị công và phòng, chống tham nhũng, trong đó có việc xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) mà Thanh tra Chính phủ đang thực hiện” - ông Nguyễn Văn Thanh khẳng định.

Thái Hải

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/kiem-soat-xung-dot-loi-ich-phong-ngua-tham-nhung_t114c1059n111824