Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ

Cán bộ và công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định thắng lợi sự nghiệp cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: 'Cán bộ là gốc của mọi công việc', 'Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém'.

Thực tế đã chứng minh, ở đâu công tác cán bộ được tiến hành nghiêm túc, đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, ở đó cán bộ hăng hái phấn đấu, cống hiến. Ngược lại, ở đâu công tác cán bộ thực hiện không đúng nguyên tắc, thiếu dân chủ, lãnh đạo độc đoán, có tiêu cực thì cán bộ tốt sẽ không muốn phấn đấu vươn lên, thậm chí không yên tâm công tác.

Đặc biệt, đã không ít trường hợp lợi dụng vào công tác cán bộ để giới thiệu, bổ nhiệm, cất nhắc người nhà, thân quen, cùng “cánh hẩu” vào những vị trí quan trọng, có nhiều bổng lộc, tạo ra ê kíp, bè phái dễ bề tham nhũng, tiêu cực.

Những năm qua, T.Ư Đảng đã rất quan tâm đến việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể, ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về một số quy định trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Ngày 11/7/2023, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (thay thế quy định trước đó).

Đây là một trong những quy định quan trọng nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Qua đó, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và phòng, chống những hành vi tiêu cực trong công tác này.

Theo quy định của T.Ư Đảng, quyền lực trong công tác cán bộ có phạm vi rất rộng, được hiểu là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong các khâu liên quan đến công tác cán bộ, gồm: Tuyển dụng, đánh giá, bố trí, phân công, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển; khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ...

Để kiểm soát được quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, trước hết người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chấp hành nghiêm nguyên tắc, quy định, quy trình về công tác cán bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Gương mẫu trong xem xét, bố trí người có quan hệ gia đình, người thân quen vào vị trí người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc hoặc giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý khác.

Đặc biệt, cần cương quyết đấu tranh với những tư tưởng “Một người làm quan cả họ được nhờ”, đem người thân, bạn hữu vào chức này, việc kia. Đấu tranh với việc ham dùng những kẻ khéo nịnh nọt mà ghét những người chính trực cũng như tư tưởng cục bộ địa phương trong công tác cán bộ.

Mặt khác, phát huy tốt vai trò giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác này; kịp thời đấu tranh, phê phán, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, tạo môi trường làm việc, phấn đấu bảo đảm minh bạch, khách quan, thúc đẩy cán bộ thực tâm, thực tài cống hiến hết mình vì sự nghiệp chung.

Nam Bình

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/xay-dung-dang/410122/kiem-soat-quyen-luc-trong-cong-tac-can-bo.html