Kiểm soát quyền lực của người có chức quyền: Thông qua kê khai tài sản

Ông Vũ Mão trao đổi với PV Báo Lao Động. Ảnh: XUÂN HẢI

- Vừa qua, vấn đề lạm dụng quyền lực đã xảy ra, phân tán, tập trung vào một số người, nhất là những người có chức, có quyền nhưng không chịu rèn luyện, dẫn đến tha hóa biến chất, gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát tiền của nhà nước, làm cho dân mất lòng tin. Do đó, tôi rất đồng tình khi Đảng ta đặt ra vấn đề này trong Nghị quyết Trung ương 4, cũng như các giải pháp đưa ra trong Nghị quyết cũng khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, nhiều mặt.

Theo tôi kiểm soát quyền lực để đạt mục đích, những người có chức, có quyền họ không thể lộng hành, tham nhũng được. Khi chúng ta kiểm soát được quyền lực thì sẽ không xảy ra tham nhũng, nhưng ngược lại nếu không kiểm soát được quyền lực thì sẽ xảy ra tham nhũng. Hiện nay, tình trạng tham nhũng không phải ít, ai cũng thấy rõ, Đảng ta cũng chỉ rõ, nhân dân ta thấy rõ, nếu Đảng không giải quyết được vấn đề này sẽ xảy ra rất nhiều vấn đề, gây mất uy tín trong nhân dân.

Vậy để kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền theo ông cần phải có những giải pháp như thế nào?

- Vấn đề đặt ra ở đây là Đảng phải đi vào lòng dân và nhân dân có niềm tin với Đảng. Thế nên phải kiểm soát được quyền lực của người có chức, có quyền. Đây là vấn đề quan trọng, nhưng muốn kiểm soát được theo tôi phải có cơ chế, có văn bản pháp luật cụ thể về phòng chống tham nhũng. Chúng ta đã có Luật phòng chống tham nhũng, trong đó có vấn đề về kê khai tài sản. Thế nhưng, vấn đề kê khai tài sản hiện nay vẫn còn mang tính hình thức, việc kê khai, xác nhận rất đại khái. Như các nước khác họ phải minh bạch trong kê khai về tài sản đó và phải được xác nhận hàng năm. Chứ bây giờ ông có rất nhiều nhà, bất động sản, nhưng ông không khai hoặc kê khai rất khiêm tốn, trong khi đó còn có rất nhiều tài sản do vợ, con, rồi anh em họ hàng đứng tên. Vấn đề đặt ra là tại sao chúng ta lại không xác minh xem tài sản của vợ, con, anh em họ hàng người kê khai làm gì để có được những tài sản như vậy. Nếu chúng ta kê khai tài sản nhưng lại không đi đến cùng thì việc kê khai tài sản cũng chỉ như trò chơi thôi.

Theo tôi đối với những người có chức, có quyền thì chúng ta phải kiếm soát quyền lực của họ thật chặt chẽ, mà muốn kiểm soát được họ thì phải dựa vào nhân dân.

Tức là kiểm soát quyền lực của người có chức, có quyền thông qua kiểm tra việc kê khai tài sản thưa ông?

- Đúng vậy. Kiểm soát quyền lực qua kiểm tra tài sản là để minh chứng người đó sống trong sạch, minh bạch không tham nhũng. Như trên tôi đã nói, Luật Phòng chống tham nhũng cần phải sửa đổi rất nhiều. Đặc biệt là việc kê khai tài sản của cán bộ, người có chức có quyền và phải giám sát việc kê khai tài sản xem có đúng không. Đấy là những vấn đề rất cốt lõi. Mỗi con người đều có nhu cầu cá nhân của mình, nhưng là người cán bộ càng phải tu dưỡng, kiềm chế, rèn luyện bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Có như vậy anh mới vì nhân dân phục vụ.

Có ý kiến cho rằng, kiểm soát quyền lực của người có chức, có quyền là phải kiểm soát ngay cả tình trạng người có quyền lực đưa “cả nhà làm quan”?

- Tôi cho rằng việc lãnh đạo đưa người nhà của mình vào tham gia các chức vụ trong cùng cơ quan, vào trong cùng hệ thống là do có sự nể nang. Do vậy, hiện tượng này khá phổ biến nhưng không bị lên án nên vẫn diễn ra. Chúng ta phải nhìn rõ thực trạng đó, kịp thời đưa ra biện pháp để khắc phục. Cho nên vấn đề giám sát quyền lực ở đây là phải giám sát về cơ chế, về pháp luật, nhưng cũng có vấn đề về đạo đức con người. Do đó, vấn đề đạo đức con người cần phải được đề cao. Tiếp đó phải đưa ra cơ chế chính sách và tìm hiểu được ngọn nguồn những nhiều vấn đề cần phải minh bạch, công khai.

Kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền phải dựa vào dân

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV: Theo tôi để kiểm soát được việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền trước tiên là do Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương kiểm soát. Thứ hai là do Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, cơ quan này phải tăng cường giám sát thực tế, đi cơ sở và phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, một giám sát hữu hiệu nhất để kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức có quyền đó là nhân dân giám sát.

XUÂN HẢI thực hiện

XUÂN HẢI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/chinh-tri/kiem-soat-quyen-luc-cua-nguoi-co-chuc-quyen-thong-qua-ke-khai-tai-san-604052.bld