Kiểm soát người vào rừng hái trái ươi, săn bắt ong để phòng chống cháy

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt người và phương tiện vào rừng. Chú trọng các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, địa bàn có phân bố cây ươi, gỗ quý hiếm, săn, bắn, bẫy, bắt động vật rừng, bắt ong... để phòng chống cháy rừng. Đây là nội dung công văn vừa được UBND tỉnh Đồng Nai ban hành, yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động thực hiện.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2024 trên phạm vi toàn quốc nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn khoảng 1,0-1,5 độ C so với trung bình năm 2023. Tại Đồng Nai, nguy cơ khô hạn gia tăng, ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa, làm tăng nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn rất cao, gây thiệt hại về rừng, môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân.

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay trên địa bàn thời tiết khô, hạn, kiệt kéo dài, có khả năng cháy lớn và lan nhanh trên các loại rừng, cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Tỉnh yêu cầu các đơn vị chủ rừng rà soát, chỉnh sửa, bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp với tình hình thời tiết để triển khai thực hiện có hiệu quả; tổ chức lực lượng canh phòng thường xuyên trên chòi canh lửa và ngoài hiện trường rừng, nhất là giờ cao điểm; tổ chức trực 24/24 giờ tại các chốt, trạm bảo vệ rừng để phát hiện kịp thời điểm cháy, báo động và huy động lực lượng, phương tiện dập tắt đám cháy khi có cháy rừng xảy ra.

Tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng trong suốt thời gian cao điểm về cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; chủ động sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ"; kiểm soát chặt việc sử dụng lửa đốt dọn nương rẫy, vườn rừng, xử lý thực bị...; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng (cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V).

Có phương án sơ tán, di chuyển người dân, tài sản của nhân dân và của nhà nước ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cháy rừng có nguy cơ đe dọa đến sự an toàn. Khi có cháy rừng xảy ra, khẩn trương chỉ đạo huy động lực lượng để xử lý tình huống cháy rừng, không để cháy lan, cháy lớn; sau cháy rừng cần khẩn trương điều tra xác định rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật và xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.

Theo thông tin cảnh báo ngày 9/4 của Cục Kiểm lâm, trên địa bàn toàn tỉnh Đồng Nai nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, nguy cơ cháy rừng ở cấp IV. Cùng ngày, Ban chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai cũng phát đi thông báo và yêu cầu các đơn vị chức năng và chủ rừng thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.

Theo quyết định công bố hiện trạng, diện tích rừng tỉnh Đồng Nai năm 2023, tổng diện tích rừng gồm diện tích có rừng và rừng trồng chưa thành rừng trên địa bàn tỉnh là 181.627 ha; trong đó, rừng đặc dụng có diện tích lớn nhất với 99.854 ha, rừng phòng hộ 34.902 ha, rừng sản xuất 46.869 ha. Với diện tích này, Đồng Nai là địa phương có diện tích và tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất vùng Đông Nam Bộ theo số liệu công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sỹ Tuyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/kiem-soat-nguoi-vao-rung-hai-trai-uoi-san-bat-ong-de-phong-chong-chay-20240409170605246.htm