Kiểm soát hoạt động kinh doanh, buôn bán thuốc thú y

ĐBP - Song hành với phát triển lĩnh vực chăn nuôi, hoạt động kinh doanh, buôn bán thuốc thú y trên địa bàn tỉnh cũng phát triển. Tuy nhiên, tình trạng người dân tự mua thuốc thú y về chữa bệnh cho vật nuôi, không theo hướng dẫn của cơ quan thú y vẫn diễn ra khá phổ biến. Các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y phần lớn nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư gây khó khăn cho vấn đề kiểm soát. Đâu là giải pháp để quản lý chặt chẽ việc này?

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mường Chà hướng dẫn người dân chăm sóc đàn vật nuôi.

Để nâng cao ý thức cho người dân về sử dụng thuốc thú y đúng cách trong phòng chống dịch bệnh và quản lý chặt chẽ các cửa hàng thuốc thú y, theo ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y, ngoài tăng cường tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức về buôn bán và sử dụng thuốc thú y; hướng dẫn người dân sử dụng các loại thuốc thú y để phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh cho động vật; thông báo danh mục thuốc thú y được phép lưu hành, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng theo quy định của pháp luật, hàng năm đơn vị có kế hoạch kiểm tra và đánh giá các cửa hàng bán thuốc thú y trên địa bàn có đủ điều kiện hay không và hướng dẫn họ cách kinh doanh đúng quy định.

Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, Chi cục Thú y đã thực hiện 2 đợt kiểm tra các cửa hàng buôn bán thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản) trên địa bàn các huyện: Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa và TP. Điện Biên Phủ.

Qua 2 đợt đã kiểm tra 78 cơ sở; trong đó huyện Điện Biên 29 cơ sở, huyện Mường Ảng 09 cơ sở, huyện Tuần Giáo 06 cơ sở, huyện Tủa Chùa 05 cơ sở và TP. Điện Biên Phủ 29 cơ sở. Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn các cơ sở đều buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ nhưng chủng loại các mặt hàng đa dạng của nhiều công ty khác nhau; các cơ sở cơ bản tuân thủ quy định của pháp luật về thú y trong hoạt động kinh doanh, buôn bán thuốc thú y. Tuy nhiên, có 2 cơ sở (1 cơ sở tại huyện Điện Biên, 1 cơ sở tại huyện Mường Ảng) chưa chấp hành quy định về niêm yết giá, chưa đủ trang thiết bị phù hợp phục vụ hoạt động kinh doanh; Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, xử phạt 2 cơ sở 5.000.000 đồng.

Theo ông Đỗ Thái Mỹ, lâu nay có một thực trạng đáng lo ngại, đó là người dân thường tự do mua thuốc thú y về chữa bệnh cho vật nuôi bằng cảm quan, kinh nghiệm; sử dụng các loại thuốc, kháng sinh, vắc xin một cách tùy tiện. Trong những thời điểm nhạy cảm về dịch bệnh, việc dùng thuốc và vắc xin thú y tràn lan không có hướng dẫn của cán bộ thú y trong nhiều trường hợp không có tác dụng phòng, trị bệnh còn khiến người nuôi thêm thua lỗ vì vừa mất chi phí mua thuốc, vật nuôi không cứu chữa được.

Là hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, mỗi lứa chỉ nuôi từ 5 - 6 con lợn thương phẩm nên mỗi lần đàn lợn có biểu hiện bị bệnh là bà Lò Thị Chiu, thôn Cộng Hòa, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) lại đến cửa hàng thuốc thú y tự mua thuốc về điều trị. Bà Chiu cho biết: Vì chăn nuôi số lượng ít nên khi lợn có biểu hiện bị bệnh tôi lại ra hiệu thuốc thú y miêu tả tình trạng bệnh, rồi chủ cửa hàng bán cho loại thuốc nào thì biết vậy, chứ không hề biết chính xác vật nuôi của mình bị bệnh gì.

Còn theo ông Lò Văn Hạnh, bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ): Giai đoạn đầu chăn nuôi chưa có kinh nghiệm, gia đình ông đã tự ý mua vắc xin phòng cúm, tụ huyết trùng, niu-cát-xơn để tiêm cho đàn gà gần 30 con. Do tiêm không đúng cách, đúng liều nên đàn gà vẫn bị nhiễm bệnh và chết.

Ở góc độ người bán hàng, bà Hà Minh Hiền, chủ cửa hàng kinh doanh thuốc thú y tại xã Thanh Luông, huyện Điện Biên cho biết, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc thú y của nhiều hãng khác nhau. Để giữ uy tín với khách hàng, cửa hàng công khai giá cả và chấp hành nghiêm các quy định về điều kiện kinh doanh thuốc thú y. Cửa hàng cũng cập nhật danh sách các loại thuốc thú y trong danh mục và tư vấn cho người dân loại thuốc tốt nhất. Tuy nhiên, việc người dân mua về sử dụng như thế nào thì tôi không thể biết.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 112 cửa hàng buôn bán thuốc thú y và phòng khám chữa bệnh động vật đã được cấp chứng chỉ hành nghề và giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y. Thuốc thú y là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên hàng năm các cơ quan chức năng thường xuyên tăng cường quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, trước thực trạng tự ý mua bán, sử dụng thuốc thú y của người chăn nuôi cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý Nhà nước; đồng thời người chăn nuôi chủ động nâng cao kiến thức chuyên môn, tích cực triển khai các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để giảm lượng thuốc thú y cho vật nuôi.

Bài, ảnh: Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/200817/kiem-soat-hoat-dong-kinh-doanh-buon-ban-thuoc-thu-y