Kiểm soát chặt chẽ quy trình xét nghiệm

Sau vụ việc nhân viên y tế của Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) dùng kéo cắt đôi que thử (dùng để kiểm tra nhanh HIV, viêm gan B) nhằm gian lận vật tư y tế, Sở Y tế vừa có văn bản gửi các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập trong tỉnh đề nghị tăng cường rà soát, chấn chỉnh, kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm quy trình xét nghiệm.

Kỹ thuật viên Khoa Huyết học Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thực hiện quy trình xét nghiệm máu phát hiện HIV. Ảnh: H.Dung

Kỹ thuật viên Khoa Huyết học Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thực hiện quy trình xét nghiệm máu phát hiện HIV. Ảnh: H.Dung

Động thái này nhằm ngăn chặn các vi phạm liên quan đến hoạt động xét nghiệm, tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân trong tỉnh.

* Quy trình chặt chẽ

Khối xét nghiệm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chia thành 3 khoa: Huyết học, Sinh hóa, Vi sinh. Trung bình mỗi ngày 3 khoa này tiếp nhận và tiến hành xét nghiệm cho khoảng 1 ngàn bệnh nhân. Các xét nghiệm của 3 khoa tập trung phát hiện các bệnh về máu, HIV, viêm gan B, tiểu đường, mỡ máu, các chỉ số về ung thư, các loại vi sinh vật, ký sinh trùng…

Riêng xét nghiệm HIV được tiến hành ở Khoa Huyết học. Trung bình mỗi ngày có từ 100-200 bệnh nhân được chỉ định thực hiện xét nghiệm này. Bác sĩ Lê Văn Thống Nhất, Trưởng khoa Huyết học cho biết, quy trình xét nghiệm tại khoa được thực hiện chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng thất thoát que thử hay trộn lẫn các mẫu máu vào cùng một mẫu để tiến hành xét nghiệm.

Theo đó, bệnh nhân sau khi vào bệnh viện khám bệnh nếu có nhu cầu xét nghiệm HIV sẽ được bác sĩ chỉ định cận lâm sàng. Sau khi nhập liệu thông tin bệnh nhân, bệnh nhân đóng phí xét nghiệm sẽ được lấy mẫu máu để thực hiện xét nghiệm bằng máy tự động hoặc bằng tay.

Bà Chu Thị Bích Thủy, kỹ thuật viên trưởng Khoa Huyết học cho hay, với các mẫu kiểm tra bằng tay, sau khi tiếp nhận mẫu máu của bệnh nhân, các kỹ thuật viên tiến hành quay li tâm, xếp thứ tự mẫu, ghi mã số lên từng mẫu, đối chiếu mẫu và tiến hành thử mẫu. Sau 15-20 phút, mẫu kiểm tra sẽ hiện kết quả. Lúc này, kỹ thuật viên sẽ ghi vào sổ và nhập lên phần mềm.

“Trung bình mỗi tháng, Khoa Huyết học phát hiện từ 10-15 ca dương tính HIV. Những trường hợp này, bệnh viện sẽ gửi qua Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh để kiểm tra. Khi có kết quả chính thức, bệnh viện sẽ chuyển về khoa và tư vấn, trả kết quả cho bệnh nhân” - bà Bích Thủy cho biết.

* Nâng cao y đức của nhân viên y tế

Giám đốc Trung tâm y tế huyện Long Thành Nguyễn Thi Văn Văn chia sẻ: “Trước khi đưa que thử vào sử dụng tại các bệnh viện, nhà sản xuất đã tính toán rất kỹ các thông số về chiều dài, chiều rộng để khi đưa mẫu máu vào que thử mới có đủ kháng thể để phát hiện kháng nguyên trong mẫu máu. Nếu cắt đôi que thử có thể để lọt các tác nhân gây bệnh khiến những trường hợp dương tính cho âm tính giả. Điều này sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với người bệnh và những người xung quanh”.

Que thử HIV bằng chất liệu nhựa đang được sử dụng tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.Dung

Que thử HIV bằng chất liệu nhựa đang được sử dụng tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.Dung

Cũng theo bác sĩ Văn, hiện tại ở Trung tâm y tế huyện Long Thành đang tiến hành xét nghiệm phát hiện HIV. Mỗi bộ kít xét nghiệm HIV có giá khoảng 15 ngàn đồng. Chi phí mỗi lần thực hiện xét nghiệm HIV từ 56-60 ngàn đồng. Việc xét nghiệm được tiến hành qua 3 giai đoạn. Với kiểm tra sàng lọc đầu tiên nếu cho kết quả âm tính, bác sĩ sẽ trả kết quả cho bệnh nhân. Nếu cho kết quả dương tính với HIV, kỹ thuật viên sẽ tiến hành thử lần 2 nếu tiếp tục dương tính sẽ tiến hành thử lần 3. Kết quả thử lần thứ 3 nếu dương tính sẽ khẳng định là bệnh nhân dương tính với HIV. Lúc này, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân những phương pháp để tránh lây lan cho cộng đồng cũng như sử dụng thuốc kháng virus HIV để đảm bảo sức khỏe.

Đánh giá về công tác xét nghiệm trên địa bàn tỉnh, Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung nhận định, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào gian lận que thử xét nghiệm hay có dấu hiệu thực hiện xét nghiệm không đúng quy trình. Mặc dù vậy, sau vụ việc ở Bệnh viện Xanh Pôn, Sở Y tế cũng đã có văn bản đề nghị tất cả các cơ sở y tế công lập cũng như ngoài công lập có tiến hành xét nghiệm rà soát và kiểm soát chặt chẽ quy trình xét nghiệm, tuyệt đối không để xảy ra vụ việc tương tự.

“Việc gian lận que thử vì lợi ích nhóm nào đó hay vì bất kỳ một mục đích nào khác sẽ phải đánh đổi và trả giá khá đắt. Đó là uy tín của bệnh viện, là sức khỏe của người dân. Đặc biệt hơn, lương tâm của người thầy thuốc không bao giờ cho phép điều đó xảy ra” - bác sĩ Lê Quang Trung nhấn mạnh.

Lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo giám đốc, thủ trưởng các đơn vị tăng cường quản lý nội bộ, rà soát việc thực hiện các quy định, hướng dẫn chuyên môn, quy trình để phát hiện, phòng tránh xảy ra những vi phạm trong cơ quan liên quan đến hoạt động xét nghiệm. Nghiêm túc thực hiện các yêu cầu về thiết lập kế hoạch quản lý chất lượng xét nghiệm, trách nhiệm lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo phòng xét nghiệm, nhân viên quản lý chất lượng xét nghiệm, đảm bảo chất lượng, phục vụ người bệnh.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201912/kiem-soat-chat-che-quy-trinh-xet-nghiem-2979800/