Kiểm lâm Lào Cai 50 năm xây dựng và phát triển

Suốt chặng đường gần 50 năm qua, kiểm lâm Lào Cai luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường sinh thái.

Phối hợp với nhân dân tuần tra, bảo vệ rừng.

Thực hiện Điều 16 Pháp lệnh quy định về việc Bảo vệ rừng, ngày 21/5/1973, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101 Quy định hệ thống tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng kiểm lâm nhân dân.

Từ đó đến nay, lực lượng kiểm lâm Việt Nam không ngừng lớn mạnh và trưởng thành mọi mặt cùng với sự phát triển chung của đất nước. Từ chỗ ban đầu cả nước mới triển khai thí điểm công tác bảo vệ rừng ở 3 tỉnh: Tuyên Quang, Yên Bái và Vĩnh Phúc, đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố đều có chi cục kiểm lâm.

Ngày 16/4/1974 Chi cục Kiểm lâm nhân dân tỉnh Lào Cai được thành lập. Suốt chặng đường gần 50 năm qua, kiểm lâm Lào Cai luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường sinh thái. Tỉnh Lào Cai từ điểm xuất phát tỷ lệ che phủ rừng là 38,9% năm 1973, năm 1983, trong giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, tỷ lệ che phủ chỉ còn 14,5%; đến nay, sau 40 năm nuôi trồng và bảo vệ, tỷ lệ che phủ rừng đã đạt 57,7%. Rừng đã mang lại không khí, môi trường trong lành, mang lại nguồn sinh thủy cho đời sống xã hội cho Lào Cai và đồng bằng Bắc Bộ. Rừng Lào Cai cũng là phên dậu vững vàng bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Ngày đầu thành lập và hoạt động, lực lượng kiểm lâm Lào Cai có Văn phòng Chi cục, 6 hạt kiểm lâm huyện, thị xã, 7 trạm kiểm soát lâm sản, biên chế 181 người. Những cán bộ kiểm lâm thời đó chủ yếu là bộ đội chuyển ngành, đa số chưa được đào tạo cơ bản về chuyên ngành. Với tinh thần của đảng viên, của anh Bộ đội Cụ Hồ, với nhiệt huyết và thấm lời Bác dạy “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ thì rừng rất quý”; các thế hệ kiểm lâm đã không ngừng học hỏi, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và không tiếc sức mình bảo vệ, tuyên truyền, vận động Nhân dân giữ rừng, giữ nguồn nước, giữ biên giới và trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, giúp người dân phát triển kinh tế rừng.

Năm 2002 thành lập Chi cục Lâm nghiệp và Vườn Quốc gia Hoàng Liên; đầu năm 2016, Chi cục Lâm nghiệp được sáp nhập vào Chi cục Kiểm lâm, các ban quản lý rừng phòng hộ cũng được chuyển giao từ UBND cấp huyện về trực thuộc hạt kiểm lâm huyện… Đến nay, lực lượng kiểm lâm Lào Cai có 382 người (300 công chức, 82 viên chức), trong đó Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Hoàng Liên có gần 50 người. Về trình độ chuyên môn, đã có 50 thạc sỹ, 298 đại học, 31 trung cấp...

Trước đây, thu nhập của người dân từ rừng chủ yếu là khai thác gỗ và các lâm sản từ rừng tự nhiên, trong những năm gần đây, các sản phẩm từ rừng trồng đã dần thay thế. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết số 09 ngày 24/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2020, lực lượng kiểm lâm đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân thực hiện chính sách của Nhà nước, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học trong kinh doanh rừng trồng, từng bước xã hội hóa nghề rừng…

Đến năm 2021, tư duy lâm nghiệp đã chuyển sang “phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học” và “tập trung phát triển cây quế là hàng hóa chủ lực và phát triển kinh tế đồi rừng theo hướng bền vững”.

Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng nhanh qua từng thời kỳ, giai đoạn 2016 đến nay, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 12%/năm, riêng năm 2022, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 2.972 tỷ đồng (tăng 1.572 tỷ đồng so với năm 2015), chiếm trên 17% tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp; cây quế cho giá trị bình quân 40 triệu đồng/ha/năm, sản phẩm quế được chế biến sâu phục vụ xuất khẩu, đời sống của “lâm dân” được nâng cao...

Bên cạnh việc tập trung phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản, với vai trò là lực lượng nòng cốt bảo vệ rừng, thực thi pháp luật về lâm nghiệp, lực lượng kiểm lâm đã tổ chức xây dựng lực lượng quần chúng bảo vệ rừng ở các thôn, bản; phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan chủ động tổ chức tuần tra, kiểm soát, chống khai thác, săn bắt, nuôi nhốt động vật rừng; mua bán, chế biến, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép và phòng cháy, chữa cháy rừng tại các vùng trọng điểm và khu vực giáp ranh. Qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật lâm nghiệp.

Với nhiều thành tích trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng, năm 2003, Chi cục Kiểm lâm tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2007 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Lào Cai đã tặng Cờ thi đua xuất sắc, tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen cho các tập thể, cá nhân qua các thời kỳ. Đảng bộ, các chi bộ và tổ chức đoàn thể thuộc lực lượng kiểm lâm nhiều năm liền đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến, xuất sắc và trong sạch, vững mạnh.

Trong những năm tiếp theo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức do môi trường tiếp tục bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cực đoan, sự suy giảm nền kinh tế toàn cầu. Cùng với đó là yêu cầu phát triển của cơ giới hóa, công nghiệp hóa, công nghệ thông tin, định hướng xây dựng xã hội số của Chính phủ, của tỉnh... Vì vậy, lực lượng kiểm lâm Lào Cai sẽ nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái của tỉnh Lào Cai ngày càng bền vững...

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/kiem-lam-lao-cai-50-nam-xay-dung-va-phat-trien-post368694.html