Kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Nghị định số 06/2023/NĐ-CP, ngày 21/2/2023 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức nêu rõ, từ ngày 1/8/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định. Chính sách nêu trên là một bước đột phá, có ý nghĩa quan trọng trong đổi mới tuyển dụng công chức ở Việt Nam thời gian tới, đang được dư luận xã hội quan tâm sâu sắc.

Ảnh minh họa: Cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thủ Đức làm thủ tục hồ sơ nhà đất cho người dân.

Kiểm định chất lượng đầu vào công chức là hoạt động đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với ứng viên trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền. Kết quả và giá trị kiểm định không chỉ giúp cơ quan tuyển dụng đánh giá được mức độ đáp ứng của ứng viên so với các tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu, nhu cầu vị trí tuyển dụng mà còn giúp các ứng viên có thêm thông tin trong việc tự đánh giá, xác định phẩm chất, năng lực bản thân so với các tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu, nhu cầu vị trí tuyển dụng để tự điều chỉnh phù hợp, tiếp tục hoàn thiện phẩm chất, năng lực cá nhân; đồng thời, các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có thêm căn cứ đánh giá sản phẩm của mình (người học) nhằm điều chỉnh hoạt động đào tạo; Nhà nước, xã hội có thêm thông tin về thực trạng chất lượng nguồn nhân lực để có những điều chỉnh về chính sách phát triển nhân lực phù hợp.

Có thể nói, vấn đề quyết định của kiểm định chất lượng đầu vào công chức là nội dung kiểm định. Tuy nhiên, theo Vụ Công chức-Viên chức (Bộ Nội vụ), để xây dựng được các câu hỏi đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn phù hợp với các ứng viên tuyển vào công chức là vấn đề rất khó và phức tạp. Hiện nay, chất lượng đề thi giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thống nhất, chưa phản ánh, đánh giá đúng mặt bằng chất lượng nguồn tuyển dụng, do đó chất lượng công chức được tuyển dụng còn chưa đồng đều. Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi tại nhiều nơi còn thiếu chủ động; phần mềm thi tuyển chưa có tiêu chuẩn thống nhất, hoặc phần mềm chưa có bản quyền theo quy định.

Vấn đề quan trọng hiện nay là trong quá trình tổ chức triển khai xây dựng ngân hàng câu hỏi và tổ chức thi kiểm định, cần quan tâm đầu tư kinh phí và thu hút các chuyên gia, nhà quản lý tham gia, thường xuyên bổ sung, cập nhật câu hỏi mới sau những kỳ kiểm định.

Thời gian tới, để thực hiện Nghị định số 06 của Chính phủ bảo đảm hiệu quả, Bộ Nội vụ cần khẩn trương phối hợp các cơ quan của Đảng, các tổ chức chính trị-xã hội, các bộ, ngành và địa phương xây dựng ngân hàng câu hỏi và đáp án phục vụ kiểm định chất lượng đầu vào công chức để vừa bảo đảm liên thông, thống nhất về nội dung kiến thức vừa phù hợp và đáp ứng yêu cầu tuyển dụng công chức của cả hệ thống chính trị. Điều này sẽ góp phần bảo đảm mặt bằng chất lượng chung, tạo ra nguồn ứng viên thật sự có chất lượng để các cơ quan, đơn vị thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình tuyển dụng; khắc phục sự phân tán trong tuyển dụng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức; góp phần khoa học hóa, minh bạch hóa quy trình tuyển dụng đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách công chức, công vụ.

Vấn đề quan trọng hiện nay là trong quá trình tổ chức triển khai xây dựng ngân hàng câu hỏi và tổ chức thi kiểm định, cần quan tâm đầu tư kinh phí và thu hút các chuyên gia, nhà quản lý tham gia, thường xuyên bổ sung, cập nhật câu hỏi mới sau những kỳ kiểm định. Bên cạnh những yêu cầu chung của chất lượng nguồn nhân lực, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức cần ưu tiên những tiêu chí, tiêu chuẩn, câu hỏi phù hợp môi trường công vụ, nhất là các nội dung về đánh giá năng lực tư duy, năng lực tham mưu, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, năng lực ứng dụng kiến thức vào công việc chuyên môn.

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kiem-dinh-chat-luong-dau-vao-cong-chuc-5005251.html