Kích hoạt thị trường tín chỉ carbon TPHCM

Đến thời điểm này, TPHCM có gần 9 triệu xe máy sử dụng xăng, nếu chuyển đổi toàn bộ sang xe điện sẽ thu được một lượng tín chỉ carbon đáng kể.

Rừng ngập mặn Cần Giờ có lượng dự trữ carbon rất lớn

Nếu dựa vào thiên nhiên, với vị trí vùng hạ lưu, lại là rừng thứ sinh, rừng ngập mặn Cần Giờ có lượng dự trữ carbon rất lớn, nhất là carbon xanh (blue carbon) mang giá trị cao gấp 1,5-1,8 lần so với các loại carbon khác. Ở lĩnh vực công nghiệp, với năng lực tái chế 13 triệu chai nước nhựa/ngày, Công ty CP Nhựa Duy Tân cũng tạo ra được tín chỉ carbon.

Trên đây là 3 dẫn chứng được nêu ra cho thấy sự sẵn sàng tiếp nhận chiến lược tạo tín chỉ carbon và thị trường carbon của 3 lĩnh vực chủ lực là giao thông, thương mại và môi trường. Cho đến nay TPHCM là địa phương duy nhất có được công cụ để thí điểm thị trường tín chỉ carbon thông qua Nghị quyết số 98/2023/ QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 98). Cơ hội là rất lớn song cũng có nhiều thách thức đặt ra, từ hành lang pháp lý, nguồn vốn đầu tư tạo ra tín chỉ carbon chất lượng cao, dữ liệu và công nghệ đo lường tính toán tín chỉ carbon đến kiểm kê, tính toán và bán tín chỉ carbon, thậm chí cả vấn đề nhận thức về thị trường carbon chưa đồng bộ…

Cụ thể hơn, như gợi ý của các chuyên gia từ tọa đàm do Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức mới đây, TPHCM nên đánh giá lộ trình giảm khí nhà kính từ nay đến năm 2030 như thế nào, công bố hệ số phát thải (bậc 2), phương pháp đo lường phát thải, có thể đo lường trực tiếp hoặc đo lường thông qua mô hình. Cần xác định rõ nguồn cung trực tiếp, gián tiếp từ đâu. Thành phố cũng nên xác định đâu là phát thải và đâu là bù trừ. Liệu có thể quy đổi dự án mái nhà xanh được xem là bù trừ carbon hay không hay chỉ là trung hòa carbon, cũng như cần xác định trồng loại cây gì để có thể hấp thu nhiều CO2 và từ đó làm giá tín chỉ carbon cao hơn… Cần nhận diện một cách rõ ràng cung - cầu và vai trò của bên bán - bên mua cộng với bên trung gian để đi tới hiệu quả giao dịch tín chỉ carbon. Như câu hỏi đang được nhiều doanh nghiệp nêu ra là họ được hỗ trợ gì từ thành phố khi tham gia thị trường tín chỉ carbon. Những quy trình thực hiện và nguồn nhân lực kiểm kê, đánh giá, tính toán sẽ được “training” như thế nào, bởi ai, trong bao lâu…

Khi TPHCM đã xác định các lĩnh vực chủ lực như công nghiệp và thương mại, giao thông, quản lý chất thải, năng lượng tái tạo, gia đình và cộng đồng, rừng thì nên xác lập địa điểm bán - mua, loại gì, giá cả, chi phí, công nghệ và chuyên gia cũng như phương thức thanh toán, xử lý. Trong khi chờ các bên cùng khởi động, phía TPHCM đã có những chương trình kích hoạt cụ thể. Chẳng hạn như việc Ngân hàng Thế giới đang làm việc với UBND thành phố để xây dựng chương trình đầu tư và hỗ trợ tạo ra tín chỉ carbon thông qua 2 dự án đầu tư công là chuyển đổi đèn đường LED và lắp đặt điện mái nhà cho các tòa nhà công sở. Không chỉ là nguồn thu từ việc tạo tín chỉ và bán tín chỉ carbon mà từ đây kiến tạo hình mẫu chính quyền đi đầu thực hành xanh. Hoặc thành phố đã chọn giao thông làm trụ cột chính để thực hiện giảm phát thải khí CO2.

Trước và trong khi triển khai, chính quyền cũng song hành với tính toán cho việc bố trí không gian đô thị để làm sao giảm phát thải đi cùng với giảm kẹt xe trong một siêu đô thị như TPHCM mà chương trình Cần Giờ xanh là một ví dụ điển hình cho tính tích hợp nói trên với 6 nhánh là rừng, giao thông xanh, môi trường xanh, năng lượng tái tạo, làng xanh và du lịch bền vững, kinh tế biển xanh.

NGUYỄN QUÂN CÁT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/kich-hoat-thi-truong-tin-chi-carbon-tphcm-post738147.html