KỈ NIỆM 20 NĂM ĐÀ NẴNG TRỞ THÀNH TP TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG:'Tiền sảnh Đà Nẵng', 20 năm chuyển mình thành 'Vùng đất 5 sao'

Sau 20 năm với định hướng táo bạo, đúng đắn mở rộng không gian đô thị về hướng sông, hướng biển cùng với sự đầu tư phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ đã và đang đưa thành phố đầu biển, cuối sông vươn mình ra biển lớn.

"Quay mặt tiền ra sông, biển"

Với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên "trời phú", buộc Đà Nẵng phải là một đô thị sinh thái đặc thù hướng biển, hướng núi, hướng sông. Việc quy hoạch không gian đô thị hướng ra sông, ra biển để tạo không gian tốt cho kinh tế phát triển là hết sức cần thiết. Vì vậy, trong 20 năm qua Đà Nẵng đã khai thác có hiệu quả "mặt tiền" sông, biển đưa thành phố lên tầm cao mới. Nếu như cách đây 20 năm dòng sông Hàn nằm giữa lòng thành phố và biển ôm trọn Đà Nẵng bị lãng quên, hoang sơ và nhếch nhác vô cùng, thì nay đã "thay da đổi thịt" trở thành điểm nhấn quan trọng nhất của bộ mặt đô thị Đà Nẵng.

Hàng loạt resort 5 sao, khách sạn mọc san sát trên con đường ven biển Đà Nẵng.

Xác định được tầm quan trọng đó, Đà Nẵng đã tập trung đầu tư phát triển không gian, hạ tầng và kiến trúc đô thị theo định hướng "kéo dài bờ biển, kéo dài dòng sông", chú trọng đầu tư xây dựng công trình cầu vượt sông, mở mới các tuyến đường ven sông, ven biển, quy hoạch lại hết các khu dân cư hai bên bờ sông, ven biển. Theo KTS Tô Văn Hùng, Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố, đặt nền móng cho đô thị hướng sông, hướng biển đó là dấu ấn của cầu Sông Hàn (năm 1998). Đây là công trình có giá trị lịch sử vô cùng quan trọng thể hiện ý chí của lãnh đạo thành phố và khao khát của người dân vươn mình ra biển lớn và làm thay đổi tư duy của hệ thống chính trị thành phố lúc bây giờ. Là người có công kiến tạo đô thị Đà Nẵng có diện mạo văn minh, hiện đại như ngày hôm nay, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay: "Đà Nẵng vốn có những lợi thế nhất định về cảnh quan tự nhiên như có dòng sông Hàn chảy trong lòng TP, có núi, có bờ biển dài đẹp. Vì vậy, công tác quy hoạch thành phố luôn chú trọng đến việc phát huy cảnh quan thiên nhiên, đô thị được tổ chức hướng ra sông ra biển, kéo dài bờ sông bờ biển".

KTS Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch Đô thị Đà Nẵng cho biết, kể từ khi mới chia tách, Đà Nẵng gần như được người ta biết đến từ góc độ một đô thị ở bờ Tây con sông Hàn. Một nửa Đà Nẵng, mà lại là nửa quan trọng nhất của một thành phố biển nằm ở bờ Đông sông Hàn vô cùng nhếch nhác, xập xệ. Nhìn toàn cục, nếu gọi là "điểm nhấn đô thị" lúc bấy giờ, thì chỉ có thể kể đến hai tòa nhà gọi là cao nhất Đà Nẵng, có từ hồi trước giải phóng là hai khách sạn Thái Bình Dương và Phương Đông tại khu vực ngã năm. Ngoài ra, không có công trình nào có thể gọi là "ấn tượng" về cả quy mô cũng như dáng vẻ trong bức tranh chung về không gian đô thị của thành phố.

Bờ Đông sông Hàn vốn nhếch nhác, lộn xộn đã lột xác trở thành điểm nhấn của đô thị.

Vùng đất "5 sao"

Vùng đất ven biển Đà Nẵng hiện nay được ví là "vùng đất 5 sao", con đường du lịch ven biển nối Đà Nẵng với Hội An, Quảng Nam được nhiều người gọi là "con đường tỷ đô". Không phải ngẫu nhiên mà "mặt tiền" Đà Nẵng được "lên ngôi" như vậy? Ai cũng có thể nhận thấy, khi Đà Nẵng hướng mặt tiền ra biển, đến năm 2005 biển Đà Nẵng được Tạp chí Forbes xếp vào danh sách 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, rồi đến hàng loạt dự án resort, khách sạn 5 sao đẳng cấp quốc tế mọc lên dọc bờ biển tô điểm thêm cho "mặt tiền" Đà Nẵng. Chạy dọc theo đường "tiền sảnh biển", là những khu nghỉ dưỡng 5 sao làm nên thương hiệu du lịch Đà Nẵng. Có thể điểm qua như: dự án Resort Furama, Vinpearl Danang Luxury, Pullman Danang Beach Resort, Pulchra Resort; dự án du lịch nghỉ dưỡng biển ở Ngũ Hành Sơn (VinaCapital); khu nghỉ mát Olalani; khu du lịch quốc tế Silvershores Hoàng Đạt; khu du lịch biển Fusion Maia; Hyatt Regency, Grand Tourane... Tất cả đều từ một vùng ven hoang sơ của Đà Nẵng, với đại đa số người dân làm nghề biển, làm nông nghiệp nhưng nay thực sự lột xác trở thành "tiền sảnh" của thành phố. Có thể thấy, cách đây gần 20 năm, khi con đường ven biển chưa đầu tư xây dựng, cả khu vực ven biển từ Đà Nẵng kéo dài vào Hội An, Quảng Nam là vùng đất hoang hóa, sa mạc với những rừng lau phòng hộ trồng để chắn gió, chắn cát bay, thậm chí đất cho không ai lấy, thì nay đã trở thành một "vùng đất 5 sao" với hàng loạt dự án đua nhau mọc lên và mỗi mét vuông đất đã có giá cả trăm triệu đồng...

KTS Hoàng Quang Huy cho biết: "Việc mở rộng không gian đô thị về phía biển là "cú hích" tạo đà cho Đà Nẵng vươn mình mạnh mẽ để rồi đô thị Đà Nẵng phải có tầm vóc và sức cạnh tranh với các thành phố khác trong khu vực và thế giới. Những khu phố nhếch nhác, xập xệ phía Đông thành phố bỗng chốc thức giấc chuyển mình mạnh mẽ trở thành khu phố thênh thang, khang trang, sầm uất không chỉ là niềm tự hào của chính quyền và người dân Đà Nẵng mà bất cứ ai đến Đà Nẵng đều phải trầm trồ ngợi khen. Đây chính là thành quả của sự tâm huyết, quyết tâm của các thế hệ lãnh đạo thành phố qua từng thời kỳ, và sự ủng hộ hết mình của nhân dân thành phố".

Đà Nẵng đang chuyển mình vươn lên là một trong những thành phố đứng đầu cả nước về phát triển kinh tế, chỉnh trang đô thị, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ. Diện mạo Đà Nẵng giờ đây đang thay đổi từng ngày, đô thị Đà Nẵng như đang "khoác" lên mình một chiếc áo rực rỡ đầy sức hút, một Đà Nẵng hôm nay đang tạo dựng được thương hiệu không những trong nước mà còn lan rộng ra quốc tế. Bằng chứng các tạp chí uy tín thế giới như New York Time , Forbes, Sunday Herald Sun hay những trang web du lịch uy tín như Agoda, TripAdvisor,... đều dành những lời ngợi khen cho vẻ đẹp đô thị Đà Nẵng.

Xuân Đương

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_158308_-tie-n-sa-nh-da-na-ng-20-nam-chuye-n-mi-nh-tha-nh-.aspx