Khuynh hướng chính sách đối ngoại của Trump - Clinton

Người Mỹ đặt ai vào vị trí chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng sẽ làm nên sự khác biệt lớn với thế giới, vì các tổng thống Mỹ có quyền lực đáng kể để định hình chính sách đối ngoại.

Bà Hillary Clinton tin chắc rằng, Mỹ có vai trò lớn trong việc duy trì một trật tự an ninh trên toàn cầu, mà Mỹ cũng có lợi ích. Trong khi đó, với tư tưởng "Mỹ trên hết", Donald Trump có khuynh hướng thành lập liên minh về kinh tế, trong khi kéo lùi lại những cam kết lịch sử mà ông nói rằng Mỹ không còn đủ sức thực hiện nữa.

NATO

Donald Trump có quan điểm khác hoàn toàn so với chính sách đối ngoại của Mỹ hàng thập niên với NATO. Ông cho rằng, NATO đã lỗi thời, lạc hậu và liên minh "vô ơn" này chỉ biết hưởng lợi từ Mỹ. Theo Trump, Mỹ không còn đủ khả năng để bảo vệ các nước ở Châu Âu và Châu Á mà không có sự đền bù thỏa đáng, tuyên bố sẽ rút quân khỏi các nước đồng minh nếu họ không trả tiền. Ông cũng cho rằng các nước Baltic không thể cứ trông cậy vào Mỹ trợ giúp quân sự nếu bị Nga tấn công, trừ khi họ hoàn thành nghĩa vụ của mình.

Trong khi đó, bà Clinton cũng như ông Obama khẳng định cam kết vững chắc với NATO, cho rằng, NATO là một trong những khoản đầu tư tốt nhất của Mỹ từ trước đến nay.

Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton từng là kiến trúc sư thiết lập lại hợp tác lớn hơn với Nga, nhưng hiện nay bà có thái độ cứng rắn với chính quyền của Tổng thống Putin. Mặc dù thừa nhận Mỹ cần hợp tác với Nga ở những lĩnh vực có thể, song bà Clinton khẳng định sẽ cùng với đồng minh hạn chế Nga ở những nơi như Ukraina và Syria. Bà sẵn sàng cân nhắc trừng phạt mới với Nga.

Trong một quan điểm đối lập, ông Trump có thái độ hòa giải hơn với Moskva. Ông tin rằng, ông có thể xoa dịu căng thẳng với Tổng thống Putin, ca ngợi ông Putin là nhà lãnh đạo mạnh mẽ mà ông muốn có quan hệ tốt đẹp.

Nhà nước Hồi giáo IS

Cả hai ứng viên đều coi IS là mối đe dọa toàn cầu và phải bị đánh bại. Bà Clinton chủ yếu ủng hộ những gì Tổng thống Obama đang thực hiện. Ông Trump có quan điểm cứng rắn hơn, thề đánh bom quét sạch IS và lấy lại nguồn dầu mỏ của tổ chức này. Ông cũng chỉ trích chính quyền hiện tại của Mỹ không biết sử dụng các yếu tố bất ngờ trong tấn công, đặc biệt trong các chiến dịch chống IS ở Mosul.

Mặc dù tuyên bố khác nhau, nhưng nhiều đề xuất chính sách của cả hai ứng viên này giống nhau. Cả hai đều nói về việc đánh IS cùng liên minh phương Tây và Arab theo cách thức mà Mỹ đã làm. Cả hai đều không muốn gửi quân chiến đấu đến Iraq và Syria.

Syria

Ông Trump ủng hộ một khu vực an toàn để ngăn chặn dòng người tị nạn, nhưng nói rằng các nước Arab giàu có cần phải thiết lập khu vực này. Đồng tình với chính sách của Mỹ, đánh bại IS là ưu tiên cao hơn của ông Trump so với việc thuyết phục Tổng thống Bashar al-Assad từ chức. Bà Clinton ủng hộ vùng cấm bay, một động thái có thể dẫn đến đối đầu chiến đấu cơ Nga - Mỹ. Ý tưởng của việc lập vùng cấm bay là bảo vệ dân thường và kiểm soát một phần lãnh thổ Syria để sử dụng như đòn bẩy nhằm thiết lập một khu định cư trong tương lai. Tuy nhiên, bà cũng ủng hộ việc cung cấp vũ khí nặng cho các nhóm phiến quân.

Trung Quốc

Tân tổng thống Mỹ sẽ thừa kế mối quan hệ phức tạp nhưng rất quan trọng với cường quốc đang lên này. Quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc đang căng thẳng vì mâu thuẫn về chính sách kinh tế, cáo buộc tội phạm mạng và tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở các vùng biển Châu Á. Donald Trump tiếp cận Trung Quốc chủ yếu về vấn đề thương mại, chỉ trích Bắc Kinh bán phá giá và định giá thấp đồng tiền. Ông tuyên bố sẽ "sử dụng thương mại để đàm phán", đe dọa áp thuế cao tới 45% và hứa hẹn vạch trần Trung Quốc thao túng tiền tệ.

Bà Clinton cũng cam kết trừng phạt vi phạm thương mại, nhưng nói rằng mối quan hệ không cần phải quá cứng nhắc theo kiểu hoặc là bạn, hoặc là thù. Bà là nhân vật trung tâm trong chiến lược xoay trục Châu Á của ông Obama, và sẽ tiếp tục củng cố liên minh của Mỹ với các nước Châu Á như một đối trọng với Trung Quốc. Bà kêu gọi tăng cường hợp tác với Trung Quốc trên các lĩnh vực cùng quan tâm, nhưng nhấn mạnh rằng phải phù hợp với luật pháp quốc tế.

Triều Tiên

Tân tổng thống Mỹ sẽ đối mặt với một Triều Tiên đang trên đường trở thành một cường quốc hạt nhân có khả năng phóng tên lửa nguyên tử. Chính sách hiện tại của Mỹ là sự kết hợp giữa trừng phạt và hứa hẹn đối thoại nếu Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, chính sách này dường như không hiệu quả. Mặc dù vậy, bà Clinton nhiều khả năng vẫn đi theo xu hướng chính sách này, làm việc với Liên Hợp Quốc để gia tăng trừng phạt, tăng cường phòng thủ tên lửa ở Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời ép Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng để ngăn cản Triều Tiên.

Donald Trump đề xuất một cách tiếp cận đối đầu hơn. Ông cho rằng Trung Quốc "toàn quyền kiểm soát" Triều Tiên, và đe dọa sẽ "làm khó Bắc Kinh về thương mại" nếu nước này không giải quyết được vấn đề với Triều Tiên. Ông cũng sẵn sàng nói chuyện trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un - một sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ.

VÂN ANH (Tổng hợp)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/khuynh-huong-chinh-sach-doi-ngoai-cua-trump-clinton-608327.bld