Khuyến nông Đắk Nông và 50 mô hình chăn nuôi, thu hút 6.000 hộ dân

Bám sát định hướng của ngành Nông nghiệp, trong 20 năm qua, Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông đã xây dựng nhiều mô hình, dự án chăn nuôi mang lại kết quả tích cực.

Mô hình nuôi gà lai chọi năm 2018, giúp gia đình chị H'lan, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) cải thiện thu nhập

Trong 20 năm qua, hệ thống Khuyến nông đã trực tiếp triển khai, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình khuyến nông chăn nuôi. Đây là nền tảng để nông hộ xây dựng các trang trại, tổ hợp tác, HTX chăn nuôi quy mô lớn hiện nay.

Theo đó, trong giai đoạn 2004-2024, ngành Khuyến nông đã triển khai hơn 50 mô hình về chăn nuôi, với trên 6.000 hộ dân tham gia. Nổi bật như: Mô hình nuôi gà thả vườn, gà J-Dabaco với số lượng trên 60.000 con, mô hình cải tạo đàn bò trên 800 con, mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, nuôi heo hướng nạc, vỗ béo bò, heo…

Tại huyện Đắk Glong, những năm đầu thành lập tỉnh, địa phương có 6 khuyến nông viên cấp xã, 47 cộng tác viên khuyến nông thôn, bon và đội ngũ nông dân chủ chốt. Ngay từ đầu, đội ngũ cộng tác viên, khuyến nông viên được quan tâm, đào tạo căn bản. Qua đó, các hoạt động khuyến nông được tập trung theo hướng nâng cao năng suất, cải thiện sinh kế. Nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân tiêm vắc xin ngừa bệnh cho gà con

Ông K’Ong, xã Quảng Khê cho biết: “Chăn nuôi của người dân trước đây còn sơ khai. Chủ yếu là chăn nuôi heo, bò thả rông, kém hiệu quả, hàng năm bị thiệt hại nặng do dịch bệnh. Do đó, số lượng đàn gia súc, gia cầm ít, không mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân”.

Theo ngành Nông nghiệp huyện, năm 2008, khi các mô hình khuyến nông chăn nuôi đi vào giai đoạn chuyển giao, nhân rộng thì năng suất trong đàn vật nuôi tăng từ 20 – 30% so với chăn nuôi truyền thống. Trong đó, đáng chú ý là các mô hình nuôi cá nước ngọt có xử lý ao bằng hóa chất, vỗ béo bò, heo, nuôi gà thả vườn…

Còn tại huyện Đắk Song, năm 2014, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện Dự án cải tạo giống bò thịt tại 8 xã trên địa bàn huyện.

Khi khởi động chương trình, Ban điều hành dự án đã chọn 581 hộ có 1.038 bò cái nền (giống địa phương) và 31 hộ có đủ điều kiện để giao nuôi 31 con bò đực giống Brahman.

Theo ông Hoàng Trung Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Đắk Song, từ 31 con bò đực giống Brahman phân bổ cho 31 hộ nuôi, đến cuối thời điểm của dự án đã phối được 2.509 lượt bò nền, tổng số bê lai thế hệ F1 đạt 1.078 con.

Trọng lượng trung bình của bê lai F1 Brahman sơ sinh đạt 24,25 kg, vượt xa so với bò địa phương 10,25 kg. Đến 6 tháng tuổi vượt 68,5 kg, 24 tháng tuổi bê lai F1 đạt 300 kg, vượt 145 kg so với bò địa phương.

Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Đắk Nông, trải qua 20 năm hoạt động, ngành Khuyến nông đã đạt được một số thành tựu nổi bật, góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong chuyển đổi cơ cấu ngành Chăn nuôi của tỉnh.

Mô hình khuyến nông chăn nuôi giúp cải tạo chất lường đàn bò tại các nông hộ

Từ năm 2004 đến nay, Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp tỉnh đã tổ chức 2.922 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho nông dân, với 110.669 lượt người tham gia. Thông qua các lớp tập huấn người dân đã biết cách áp dụng thực hành nông nghiệp tốt vào sản xuất, nắm vững kỹ thuật phòng trị dịch bệnh trên vật nuôi, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp tỉnh, để thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến nông. Trong đó, Trung tâm sẽ chú trọng công tác tư vấn, dịch vụ khuyến nông, đặc biệt là tư vấn về kinh tế hợp tác và thị trường.

Văn Tâm

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/khuyen-nong-dak-nong-va-50-mo-hinh-chan-nuoi-thu-hut-6-000-ho-dan-202686.html