Khuyến công tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa

Thời gian qua, chương trình khuyến công đã góp phần tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, tạo nhiều việc làm mới cho khu vực nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ cho Công ty TNHH sản xuất và Thương mại HT Đại Phát ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến. (Nguồn: Báo Công Thương)

Theo Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng Thanh Hóa, các năm 2023 là năm đầu tiên triển khai thực hiện đề án điểm giai đoạn 2023 - 2025 trong lĩnh vực chế biến lâm sản phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Kết quả cho thấy một số doanh nghiệp đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn trong việc quy hoạch nguồn nguyên liệu, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị nguồn nguyên liệu gỗ tự nhiên và gỗ rừng trồng tại địa phương. Điển hình như Công ty TNHH Thương mại sản xuất Đồng Tâm (Thọ Xuân); Công ty TNHH Lâm sản Đại Phát (Như Thanh); hộ kinh doanh Lê Văn Quân (TP. Thanh Hóa)...

Các cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký các nội dung thụ hưởng Chương trình khuyến công đã chủ động đầu tư có hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực, bước đầu đã cho các đơn vị liên kết đầu tư, quy hoạch nguồn nguyên liệu, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nguồn nguyên liệu gỗ tự nhiên và gỗ rừng trồng tại địa phương.

Bên cạnh đó, trong các nội dung của Chương trình khuyến công, hoạt động về lĩnh vực chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ ứng dụng dây chuyền thiết bị đồng bộ để sản xuất sản phẩm đang được ưu tiên hỗ trợ, phù hợp với chiến lược đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp.

Có thể khẳng định, Chương trình khuyến công trong thời gian qua đã góp phần tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa; giải quyết việc làm ổn định cho lực lượng lao động nông nhàn, tạo nhiều việc làm mới cho lao động nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo. Từ đó, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn, góp phần tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân.

Chương trình khuyến công đã tác động tích cực đến cơ sở công nghiệp nông thôn, giúp họ chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, giảm nhân công lao động, tiết kiệm nguyên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; chú trọng, quan tâm hơn đến các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết tìm kiếm thị thường tiêu thụ. Từ đó xây dựng được nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình trong tỉnh để giới thiệu và nhân rộng.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn tới, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng Thanh Hóa sẽ tiếp tục đồng hành phối hợp với các cơ sở công nghiệp nông thôn triển khai thành công đề án điểm về lĩnh vực chế biến lâm sản, giai đoạn 2023 - 2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

Ngoài ra, Trung tâm sẽ nghiên cứu xây dựng các đề án nhóm, có trọng tâm, trọng điểm nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu có trữ lượng dồi dào, phong phú về chủng loại của từng địa phương; phát huy lợi thế của địa phương, tạo đòn bẩy kích cầu cho doanh nghiệp chủ động đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ.

Xuân Hạnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khuyen-cong-tac-dong-tich-cuc-den-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-tinh-thanh-hoa-254112.html