Khủng hoảng ngân hàng đẩy giá dầu xuống mức thấp nhất 15 tháng

Giá dầu hôm thứ Hai (20/3) giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng do lo ngại rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng toàn cầu có thể gây ra suy thoái khiến nhu cầu nhiên liệu giảm. Động thái này cũng diễn ra trước thềm cuộc họp chính sách của Fed (21-22/3) về nội dung tăng lãi suất.

Giá dầu Brent và dầu WTI giảm trong ngày 20/3.

Theo đó, dầu thô Brent kỳ hạn giao tháng 5 giảm 2,32 USD, tương đương 3,2%, xuống 70,65 USD/thùng vào lúc 07:10 GMT. Giá dầu Brent kỳ hạn trước đó đã giảm xuống mức thấp nhất là 70,56 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Tuần trước, dầu Brent đã giảm gần 12%, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 12.

Dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giao tháng 4 được giao dịch ở mức 64,59 USD/thùng, giảm 2,15 USD, tương đương 3,2%. Trước đó, hợp đồng này đã giảm xuống còn 64,51 USD, cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Hợp đồng này đã giảm 13% vào tuần trước, ghi nhận mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 4 năm ngoái.

Giá dầu trượt dốc bất chấp thông tin về một thỏa thuận lịch sử của ngành ngân hàng, trong đó UBS ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, quyết định mua lại tổ chức tín dụng số 2 của nước này là Credit Suisse, nhằm ngăn chặn khủng hoảng ngân hàng lan rộng. Sau thông tin này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương lớn khác đã cam kết tăng cường thanh khoản thị trường và hỗ trợ các ngân hàng khác.

Baden Moore, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Ngân hàng Quốc gia Australia, cho biết: “Thị trường đang tập trung vào sự biến động hiện tại của ngành ngân hàng và khả năng Fed tăng lãi suất thêm nữa. Cuộc họp sắp tới của OPEC là một chất xúc tác tiềm năng khác đối với triển vọng của thị trường dầu. Rủi ro giảm giá có thể làm tăng khả năng OPEC sẽ giảm sản lượng xuống thấp hơn nữa để hỗ trợ giá".

Trong một diễn biến liên quan, các chuyên gia kinh tế dự đoán ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% vào cuộc họp chính sách sắp tới, bất chấp những bất ổn tiềm tàng của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, một số ý kiến trong ngành cho rằng Fed nên tạm dừng chính sách thắt chặt tiền tệ ở thời điểm nhạy cảm hiện tại. Bởi lẽ, việc lãi suất tăng chậm lại có thể làm giảm giá đồng USD, khiến các mặt hàng định giá bằng đồng bạc xanh như dầu thô neo ở mức giá hợp lý hơn khi quy đổi sang những loại tiền tệ khác.

"Sự biến động về giá dầu có thể sẽ kéo dài trong tuần này, khi những lo ngại về thị trường tài chính có thể vẫn là vấn đề hàng đầu. Ngoài ra, cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed) vào tuần này cũng khiến triển vọng thị trường trở nên không chắc chắn", ING Bank cho biết.

"Mặc dù chúng tôi vẫn kỳ vọng thị trường sẽ có xu hướng tăng giá trong năm, nhưng khả năng dầu Brent đạt mức giá trên 100 USD/thùng là khó xảy ra", ngân hàng này cho biết thêm.

Ngân hàng Goldman Sachs gần đây cũng đã cắt giảm dự báo đối với giá dầu thô Brent sau khi giá lao dốc do lo ngại về ngành ngân hàng và nguy cơ suy thoái kinh tế. Ngân hàng đầu tư hiện đang kỳ vọng giá dầu Brent trung bình là 94 USD/thùng trong 12 tháng tới và đạt 97 USD/thùng trong nửa cuối năm 2024, giảm so với mức 100 USD trước đó.

Một ủy ban cấp bộ của OPEC và các đồng minh sản xuất bao gồm Nga, được gọi là OPEC+, sẽ họp vào ngày 3/4 tới đây, trước 1 cuộc họp đầy đủ các thành viên OPEC sẽ được tổ chức vào ngày 4/6, để đưa ra những quyết định về sản lượng dầu. Trước đó, hồi tháng 10/2022, tổ chức này đã đồng ý cắt giảm mục tiêu sản xuất dầu 2 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm 2023.

Thủy Bình

Theo Bloomberg, Reuters

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/khung-hoang-ngan-hang-day-gia-dau-xuong-muc-thap-nhat-15-thang-20180504224282067.htm