Khủng hoảng năng lượng: EU nhức nhối, Nga cũng không thảnh thơi? 'Số phận' Nord Stream thế nào?

Châu Âu 'nhức nhối' vì khủng hoảng năng lượng, nhưng ngược lại, kinh tế Nga cũng phải trả giá đắt cho việc đánh mất thị trường quan trọng nhất.

Khủng hoảng năng lượng khiến châu Âu gặp khó. Các quốc gia trong khối tăng tốc tìm nguồn khí đốt thay thế Nga. (Nguồn: The Week)

Khủng hoảng năng lượng khiến châu Âu gặp khó. Các quốc gia trong khối tăng tốc tìm nguồn khí đốt thay thế Nga. (Nguồn: The Week)

Ngày 26/9, các vụ rò rỉ lớn đã được phát hiện trong đường ống dẫn khí đốt Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) 1 và 2, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch và Thụy Điển. Vào ngày 18/11, Cơ quan An ninh Thụy Điển đã xác nhận, thiệt hại được gây ra một cách có chủ ý.

Đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 có công suất 55 tỷ m³ (bcm), tương đương gần 14% mức tiêu thụ khí đốt năm 2021 của Liên minh châu Âu (EU).

"Số phận" của Dòng chảy phương Bắc thêm bất ổn

Trên trang Gis Reports, Giám đốc điều hành của Crystol Energy Carole Nakhle cho hay, cả hai đường ống đều không hoạt động vào thời điểm xảy ra vụ nổ và vụ nổ này cũng không gây ra cú sốc nguồn cung.

Hiệu ứng đó được kết hợp bởi một mùa Thu ấm hơn dự kiến, khiến nhu cầu khí đốt ở mức dưới mức trung bình và thúc đẩy mạnh mẽ việc người dân trên khắp EU giảm tiêu thụ nhiên liệu. Bên cạnh đó, vụ nổ xảy ra vào thời điểm các quốc gia EU tích cực tích trữ khí đốt tại các kho lưu trữ dưới lòng đất.

Tuy nhiên, theo bà Carole Nakhle, bất kể thủ phạm là ai, những tác động đối với thị trường năng lượng và các bên liên quan khác nhau sẽ rất đáng kể trong dài hạn. Ngoài ra, Nga cũng có thể sẽ phải đối mặt với những hậu quả bất lợi nhất.

Hiện chưa rõ mức độ thiệt hại đối với các đường ống Dòng chảy phương Bắc.

Phát biểu tại hội nghị Tuần lễ Năng lượng Nga ở Moscow vào tháng 10, Giám đốc Gazprom Alexei Miller nói rằng, việc sửa chữa các đường ống sẽ mất ít nhất một năm. Tháng 11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố rằng, Nga sẽ đánh giá khả năng sửa chữa, sau khi có ước tính cuối cùng về thiệt hại - điều này khiến "số phận" của Dòng chảy phương Bắc càng thêm bất ổn.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua một đoạn còn nguyên vẹn của Dòng chảy phương Bắc 2 và đề xuất một giải pháp thay thế thông qua Thổ Nhĩ Kỳ - nơi sẽ trở thành trung tâm khí đốt.

Nhà lãnh đạo nước Nga nhấn mạnh: "Quả bóng đang ở trong sân của EU. Nếu họ muốn, thì có thể vặn vòi, thế là xong". Tuy nhiên, Đức đã công khai loại trừ việc sử dụng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2.

Đức - khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga - đã quyết định thay thế toàn bộ năng lượng nhập khẩu của Moscow sớm nhất là vào giữa năm 2024.

Ngày 15/11, Berlin đã khánh thành kho cảng tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên. Dù kho cảng này có công suất hàng năm tương đối khiêm tốn là 7,5 bcm nhưng đây là một thành tựu lớn của Đức. Kho cảng được hoàn thành với tốc độ ấn tượng là 194 ngày.

Châu Âu đang ở vị trí tốt hơn Nga?

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các quốc gia EU đã "làm mọi cách" để thoát ly khí đốt Nga. Bà Carole Nakhle nhận định, thách thức chính còn lại đối với EU là đảm bảo nguồn cung bổ sung cần thiết để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Theo Gíam đốc điều hành của Crystol Energy, châu Âu vẫn phải đối mặt với nhiều điều không chắc chắn trong tương lai.

Thứ nhất, các nhà cung cấp hiện tại như như các nước Bắc Phi, có thể đã sử dụng hết công suất xuất khẩu khí đốt cho châu Âu.

Thứ hai, nhu cầu gia tăng ở các thị trường lớn khác - chủ yếu là châu Á. Điều này sẽ khiến châu Âu phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường năng lượng.

Trong năm nay, EU đã công bố kế hoạch REPowerEU, được kỳ vọng sẽ cho phép khu vực này giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga trong dài hạn và giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.

RePowerEU sẽ là “một mũi tên bắn trúng hai đích” vì kế hoạch này cũng đề xuất đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng của EU. EU đã cam kết giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2050.

Tuy nhiên, bà Carole Nakhle nhận thấy, trong kế hoạch này, Brussels cam kết tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 45% vào năm 2030 - chỉ tăng 5% so với các kế hoạch trước đó. Châu Âu có thể và sẽ tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng thay thế, đặc biệt là năng lượng tái tạo, nhưng việc thay thế không thể diễn ra ngay lập tức.

Dù vậy, Gíam đốc điều hành của Crystol Energy chỉ ra rằng: "Bất chấp những thách thức nêu trên, châu Âu vẫn ở một vị trí tốt hơn so với Nga. Khu vực này là thị trường quan trọng nhất đối với Moscow, vốn đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng đường ống rộng khắp khu vực.

Ngay cả trong các kịch bản năng lượng rủi ro nhất được công bố trong những năm gần đây - khi Nga dự đoán thị trường châu Âu đang bị thu hẹp, chủ yếu là do các chính sách khí hậu - thì quốc gia này cũng không lường trước được việc mất hoàn toàn thị trường đó".

Hiện Nga đã hướng về phía Đông. Nhưng trong khi châu Á đang "thèm khát" khí đốt, Nga sẽ cần mở rộng khả năng xuất khẩu LNG bởi cơ sở hạ tầng đường ống kết nối với châu Á còn rất hạn chế.

Năm 2021, LNG chiếm gần 17% tổng lượng khí đốt xuất khẩu của Nga. Trong khi đó, chỉ có Sức mạnh của Siberia là đường ống chính kết nối các mỏ khí đốt ở Viễn Đông của Nga với Trung Quốc. Tuyến đường đó bắt đầu hoạt động vào năm 2019, với công suất hàng năm là 38 bcm.

Tháng 2/2022, Nga công bố hợp đồng 30 năm cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua một đường ống mới là Power of Siberia 2. Đường ống này dự kiến đi vào hoạt động năm 2030, có công suất 50 bcm và sẽ cung cấp khí đốt cho Trung Quốc từ các mỏ khí đốt Tây Siberia, qua Mông Cổ.

Bà Carole Nakhle khẳng định: "Ngoài cơ sở hạ tầng hạn chế, Nga còn phải đối mặt với vấn đề tổn hại về uy tín, với việc châu Á khó có thể coi nước này là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy".

(theo Gis Reports)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-nang-luong-eu-nhuc-nhoi-nga-cung-khong-thanh-thoi-so-phan-nord-stream-the-nao-211149.html