Khủng hoảng của nhân loại và giải pháp xử lý mô-đun của ngành cà phê

Các kinh nghiệm duy trì sự bền vững, phát triển của ngành công nghiệp cà phê dù nhỏ nhưng có thể áp dụng trong việc xử lý những khủng hoảng hiện nay đang gây hại nhất cho toàn nhân loại, tờ Independent của Anh chứng minh.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đang tồn tại đầy rẫy những vấn đề: khủng hoảng nhập cư, nạn khủng bố, mực nước biển dâng,các trận lũ lụt, hạn hán và cháy rừng thường xuyên xảy ra,và còn cả sự bất bình đẳng và xâm phạm quyền cơ bản của con người trên toàn thế giới.

Các vấn đề này có điểm chung là không thể giải quyết một cách đơn tính. Nguyên nhân là do các chúng có mối quan hệ nhân quả là phức tạp và cách giải quyết không rõ ràng. Hoặc hiện chưa cơ quan chuyên trách nào đứng ra để giải quyết chúng. Thêm nữa, mức độ của các vấn đề này là rất khó ước tính, mặt khác, các nỗ lực giải quyết nhiều khi còn góp phần làm chúng thêm trầm trọng.

Một ví dụ điển hình là cuộc khủng hoảng tị nạn đang diễn ra tại EU – chủ đề nóng mới được bàn luận ở Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc. Nảy sinh từ các cuộc xung đột trong khu vực, nạn nghèo đói, lại có bàn tay của các đường dây vận chuyển trái phép, người di cư, tị nạn từ châu Phi và Trung Đông vẫn tiếp tục chấp nhận các mối rủi ro lớn để xâm nhập vào lãnh thổ châu Âu theo đường biển hoặc đất liền.

Trong vài năm qua, hàng ngàn người tị nạn đã chết trong cuộc hành trình này mỗi năm, và hiện chưa có giải pháp hữu hiệu nào. Các nước EU đang đổ lỗi qua lại cho nhau, với lý do có quốc gia thì tiếp nhận quá nhiều người tị nạn, có nơi thì lại từ chối hoàn toàn cho những người này nhập cư, trong khi khả năng cũng như sự hợp tác giữa các nước để giải quyết vấn đề lại còn quá hạn chế.

Vậy thì, cách tốt nhất để giải quyết những “bài toán” còn bỏ ngỏ này là gì?

Giải pháp vĩ mô là vô hiệu

Cách đây hai tuần, các quốc gia thành viên LHQ đã cùng ký kết biên bản tuyên bố phối hợp hơn nữa nhằm phản ứng kịp thời trước tình hình tị nạn đang diễn ra ồ ạt. Tuy nhiên, các nhà phê bình chỉ ra rằng mục tiêu được đặt ra vẫn quá mơ hồ, thêm nữa, tài liệu này lại không được ràng buộc về mặt pháp lý. Sự thật là nhiều cuộc họp tương tự đã từng diễn ra trong tiến trình khủng hoảng, nhưng không thu được mấy kết quả tích cực. Trong thực tế, các giải pháp chung chung cho các vấn đề có quy mô lớn là không có hiệu quả, hoặc quá mơ hồ và gây nhiều tranh cãi.

Các cuộc họp mang tầm vóc quốc tế đưa ra những giải pháp lớn, song khó thành công

Một ví dụ khác là thỏa thuận khí hậu Paris, được kí kết nhằm mục đích kêu gọi các quốc gia trên thế giới đồng thuận việc hạn chế sự gia tăng nhiệt độ, giữ nền nhiệt độ tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Để đạt được sự đồng thuận, các nước tham gia cũng nhất trí hỗ trợ những nước đang phát triển về mặt công nghệ cũng như tài chính trong việc chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Cả 175 quốc gia tham dự đều ký vào thỏa thuận này. Song, các nhà phê bình cho rằng thỏa thuận này còn mập mờ về cách triển khai, ngoài ra việc khai thác nhiên liệu hóa thạch vẫn không hề bị can thiệp.

Thắng lợi nhỏ là cách thay thế?

Nhiều người tin việc đưa ra được một giải pháp duy nhất cho sự thay đổi khí hậu hoặc khủng hoảng tị nạn là quá khó, bởi gần như không thể khiến các nhóm với lợi ích khác biệt đi đến nhất trí chung. Trong trường hợp này, cần có một phương pháp tiếp cận “lanh lợi” hơn.

Một số chuyên gia phát triển lập luận rằng những thắng lợi nhỏ có thể là một lựa chọn triển vọng để gỡ rối các vấn đề quy mô lớn. Các giải pháp này tập trung vào những dự án độc lập quy mô nhỏ với mục tiêu ở mức có thể đạt tới cũng như đo lường được. Ví dụ, một số công ty độc lập đã phát triển các phương pháp nâng cao hiệu quả và tránh lãng phí năng lượng. Tương tự, có những quốc gia châu Âu tìm cách để xử lý đơn xin tị nạn, nhằm làm giảm bớt sự bão hòa của làn sóng này.

Khủng hoảng tị nạn vẫn đang diễn ra tại châu Âu

Các thành công nhỏ có thể sẽ không giải quyết được triệt để trở ngại, như trong trường hợp này là thay đổi khí hậu và khủng hoảng nhập cư, nhưng chúng đem lại kết quả tích cực hữu hình phù hợp với mục tiêu dài hạn. Ngoài ra, bởi có nhiều bên cùng đối mặt với vấn đề tương tự, kết quả chung thu lại được sẽ lớn hơn. Điều còn cần phải xem xét ở đây là làm thế nào để các chiến thắng vụn vặt có thể dẫn đến một giải pháp vĩ mô bền vững.

Học hỏi từ sự bền vững của ngành cà phê

Trong một bài báo xuất bản gần đây, biên tập viên của trang Independent cho rằng các thành công nhỏ kết hợp lại với nhau sẽ có triển vọng dẫn đến mục tiêu phát triển lớn lơn – đây gọi là cách tiếp cận “mô-đun” (nghĩa là đơn vị cấu thành tổng thể). Nghiên cứu này được đưa ra sau khi xem xét kĩ lưỡng tiến trình phát triển và sự áp dụng của các tiêu chuẩn bền vững trong ngành công nghiệp cà phê toàn cầu.

Các tiêu chuẩn này huấn luyện người nông dân phải áp dụng các phương pháp, chính sách bảo vệ môi trường, tăng năng suất, cải thiện điều kiện lao động và bảo đảm mức thu nhập cho bản thân cũng như cộng đồng. Các tiêu chuẩn xuyên quốc gia như Công Bằng Thương Mại và Liên minh Rừng mưa đóp góp vai trò quan trọng trong quá trình này.

Áp lực từ khách hàng và sự cạnh tranh thị trường đã khiến việc áp dụng các tiêu chuẩn trên từ tự nguyện trở thành phổ biến rộng rãi. Mười năm qua, ngành công nghiệp cà phê toàn cầu đã trở thành lĩnh vực tiên phong trong việc phát triển hoạt động chuỗi cung ứng bền vững nhằm giải quyết những thách thức kép đến từ khó khăn sinh kế và suy thoái môi trường. Ngày nay, hơn 40% sản lượng cà phê trên toàn thế giới được chứng nhận bền vững.

Trong nghiên cứu, các tác giả khẳng định chìa khóa dẫn đến sự thành công của các tiêu chuẩn bền vững trong ngành cà phê là cấu trúc mô-đun. Mỗi tiêu chuẩn bao gồm nhiều mô-đun được định nghĩa rõ ràng và có thể đo lường, chẳng hạn như bảo vệ đất và xóa bỏ lao động trẻ em. Dù có mục tiêu độc lập, nhưng các mô-đun đều kết nối với nhau và phát triển dựa trên nền tảng của nhau.

Ví dụ, hai mô-đun cơ bản là loại bỏ các loại thuốc trừ sâu bị cấm và đảm bảo sức khỏe, an toàn của người lao động. Chúng đóng góp một phần hữu hình đối với môi trường và phúc lợi của người nông dân, đồng thời tăng cường hiệu lực của nhau. Loại bỏ thuốc trừ sâu tác động tích cực đến sức khỏe người lao động, thêm vào đó có thể dẫn đến nền tảng cho các hoạt động tiên tiến hơn như canh tác hữu cơ, giúp làm tăng giá trị thương hiệu và cạnh tranh của hạt cà phê. Điều này giúp các trang trại, hợp tác xã tư nhân tạo doanh thu lớn hơn, tiếp tục đầu tư vào quy mô lao động sản xuất.

Tháo gỡ từng bước

Đối với tiêu chuẩn cà phê, các phương pháp mô-đun xuất hiện theo thời gian, chứ không được vạch ra từ đầu. Phương pháp này có thể giúp phát triển các giải pháp cho nhiều thực trạng, trong đó có cả biến đổi khí hậu và khủng hoảng tị nạn, nhờ vào nguyên tắc khắc phục vấn đề từng bước, tăng sự đồng thuận của các bên liên quan, thúc đẩy trao đổi kiến thức, nhân rộng giải pháp.

Xem xét về sự biến đổi khí hậu.Ngày nay, nhiều cộng đồng ven biển đang cố gắng tìm ra giải pháp riêng biệt để đối phó với mực nước biển dâng cao. Tuy nhiên, dù thực nghiệm tại địa phương là quan trọng, nỗ lực này vừa đòi hỏi chi phí cao lại có nguy cơ thất bại lớn.Ngược lại, phương pháp mô-đun sẽ giúp các cộng đồng địa phương thử nghiệm nhiều công trình xây dựng phòng thủ ven biển kiên cố hơn. Tại Floria, chính quyền đã thử nghiệm phương thức mô-đun đàn hồi, chẳng hạn như lắp đặt máy bơm nước, đắp nâng cao nền đường, cung cấp dịch vụ trực tuyến “Phòng vệ ven biển” phổ biến kiến thức.

Tương tự, các nước EU đang đồng loạt thực hiện giải pháp quản lý người tị nạn và di cư trên quy mô quốc gia. Tổ chức công đoàn Đức IG Metall hiện đang phát triển chương trình đào tạo ngôn ngữ và chuyên môn cho người tị nạn, cho phép họ hòa nhập nhanh vào thị trường lao động tay nghề cao. Chương trình này được sử dụng rộng rãi ở nhiều ngành nghề công nghiệp, phục vụ để tạo cơ sở cho việc đào tạo lao động chuyên sâu hơn.

Nhìn chung, các giải pháp mô-đun có thể làm giảm sự phức tạp của thay đổi khí hậu và làn sóng tị nạn. Trong việc phát triển và phổ biến các giải pháp như vậy, các tổ chức trung gian như cơ quan phát triển, các nhóm tư vấn, thiết lập tiêu chuẩn, tổ chức phi chính phủ, các đối tác quan hệ công nghiệp… có vai trò rất quan trọng.

Dĩ nhiên, cách tiếp cận chia nhỏ này không thể loại trừ hoàn toàn các vấn đề lớn đang nổi cộm. Nhưng chúng thực tế hơn các giải pháp vĩ mô, lại có khả năng nhân rộng hơn những thành công quy mô nhỏ, nhờ đó tháo gỡ từng bước vấn đề với thay đổi tích cực trông thấy được.

Lan Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/the-gioi-thoi-su/khung-hoang-cua-nhan-loai-va-giai-phap-xu-ly-mo-dun-cua-nganh-ca-phe