Khủng hoảng châu Âu: Sự thật sau những con số

Cuộc khủng hoảng đồng euro đã khiến cho một loạt các con số thống kê và những lời nhận xét được đưa ra. Nhưng chúng chính xác được bao nhiêu?

Đôi khi khó mà nắm bắt được hết giới hạn của các vấn đề tài chính tại các nền kinh tế đang gặp khó khăn trong khu vực đồng tiền chung euro. Đó là lý do tại sao sự minh họa một câu ngắn ngọn hoặc một số liệu thống kê dễ nhớ có thể lan truyền rất nhanh trên các phương tiện truyền thông. Đặc biệt là với trường hợp có tính chất tường thuật, ví dụ như một nền kinh tế bị kết tội thất bại do sự hoang phí.

Ba câu tuyên bố nổi bật là hàng chục nghìn chiếc xe có tài xế riêng dành cho các chính trị gia Ý, số lượng chủ sở hữu xe Porsche Cayenne tại Hy Lạp nhiều hơn những đối tượng nộp thuế có thu nhập hơn 50.000 euro và một nửa thanh niên Tây Ban Nha thất nghiệp.

Vậy điều nào trong đó là sự thật và điều nào không phải?

Những người chủ xe Porsche tại Hy Lạp

Một trong rất nhiều tuyên bố thu hút được sự chú ý về Hy lạp là về số lượng xe Porsche Cayennes.

Con số chủ sở hữu xe Porsche Cayenne tại Hy Lạp nhiều hơn số những người nộp thuế có thu nhập hơn 50.000 euro/năm.

"Một vài năm trước đây, xe Cayennes lưu thông trên đường phố Hy Lạp nhiều hơn những cá nhân đã kê khai và trả thuế thu nhập thường niên hơn 50.000 euro, một con số chỉ nhỉnh hơn giá niêm yết của chiếc xe một chút" là một nội dung trích dẫn được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông chính thống và trên các trang blogs trên toàn thế giới.

Câu này xuất phát từ giáo sư Herakles Polemarchakis, cựu cố vấn kinh tế cho thủ tướng Hy Lạp và hiện là giảng viên tại trường đại học Warwick tại Anh.

Nhưng khi được hỏi, giáo sư Polemarchakis cho biết lời nhận xét của ông là không có chủ định, chỉ dựa trên những thông tin đã được lưu hành trong giới chính sách tại Hy Lạp một vài năm trở lại đây.

Ông cho biết thực tế khó khăn duy nhất ông biết đến là "số lượng bình quân đầu người của xe Cayennes tại Larissa (Hy Lạp) gấp hai lần con số Cayennes tại các quốc gia thuộc OECD."

Vậy đâu là sự thật?

Năm 2010, có 311.428 người kê khai thu nhập hơn 50.000 euro (41.260 bảng) nộp thuế tại Hy Lạp. Đó là một con số khiến cho một phát ngôn viên của Porsche bật cười. Lukas Kunze cho biết câu chuyện đó thật "nực cười". Tổng cộng họ chỉ bán được khoảng 1.500 chiếc Porsche Cayennes tại Hy Lạp kể từ lần đầu ra mắt chiếc xe sang trọng này chín năm trước.

Nhưng điều này không có nghĩa là tất cả người Hy Lạp đều trả đúng số tiền thuế.

Biên lai thuế thu nhập như một tỷ lệ phần trăm của GDP chỉ khoảng 4,7%, mức thấp nhất trong khu vực đồng tiền chung châu Âu và chưa bằng một nửa con số 10% tại Anh.

Sẽ tốt hơn nếu nghĩ rằng con số này là do Hy lạp có mức thuế vô cùng thấp nhưng thực tế không phải vậy. Con số này là do với một số người, những gì họ thực sự kiếm được và những gì họ kê khai vào mẫu đơn thuế thường là những con số khác nhau.

Thanh niên thất nghiệp tại Tây Ban Nha

Bức graffiti viết: "Chúng tôi muốn đi làm, hãy để những doanh nhân làm giàu từ người lao động trả giá cho cuộc khủng hoảng."

Một con số tổng kết vấn đề thực sự tại các quốc gia thuộc khu vực đồng euro là mức độ thanh niên thất nghiệp ở Tây Ban Nha. Số liệu mới nhất cho thấy trong tháng Hai năm nay, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên lên tới 50,5%.

Một số nhà kinh tế học tại Tây Ban Nha chỉ trích con số này, cho rằng nó không thể hiện được bức tranh toàn cảnh. Giống như Hy Lạp, Tây Ban Nha có một nền kinh tế ngầm (một phần nền kinh tế liên quan tới hàng hóa và dịch vụ được thanh toán bằng tiền mặt và do đó không kê khai thuế) nơi một số người trẻ tuổi đang làm việc.

Nhưng cái nào có trước, những người làm việc chui hay tỷ lệ thất nghiệp?

Giáo sư Freidrich Schnieder, một chuyên gia về kinh tế ngầm từ trường đại học Linz, Austria cho rằng tỷ lệ thất nghiệp có thể gây ra sự tăng trưởng của nền kinh tế ngầm.

Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên của Tây Ban Nha là trầm trọng so với những nước còn lại trong khu vực, có tỷ lệ thất nghiệp trung bình là 21,5%. Nhà kinh tế học Elvira Gonzalez cho rằng điều này một phần là do tỷ lệ bỏ học cao.

"Trong những năm bong bóng kinh tế, những người trẻ tuổi tìm được việc làm có thu nhập tốt trong lĩnh vực xây dựng, đó là lý do tại sao họ bỏ học. Và khi bong bóng xây dựng vỡ vào năm 2007-08, tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh trong những người trẻ."

Những người Tây Ban Nha trẻ tuổi hiện đang theo đuổi việc học chừng nào họ có thể. Đây là lý do tại sao con số tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên 50,5% đáng báo động có thể không phản ánh đúng vấn đề. Ngoài những người đăng ký thất nghiệp, những người khác muốn có việc làm nhưng không phải là người chính thức thất nghiệp.

Điều này dẫn đến định nghĩa ai là người thất nghiệp theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Những người thất nghiệp là những người trong độ tuổi từ 15 đến 74 đã tích cực tìm kiếm việc làm trong vòng bốn tuần gần nhất.

Những người không tìm kiếm việc làm trong bốn tuần gần nhất bị cho là không nằm trong lực lượng lao động.

Năm ngoái, ILO quyết định tính toán lại các số liệu từ năm 2010 khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tại Tây Ban Nha là 41%.

Họ tính rằng nếu tính những người đã tìm việc trong vòng 12 tháng gần nhất thì tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên sẽ cao hơn khoảng 10%, tức là lớn hơn 50%.

Cũng có những tranh luận về việc liệu những con số này có thực sự đại diện cho tỷ lệ thất nghiệp.

ILO cho rằng một số chỉ đơn giản là "ẩn mình trong giáo dục" hoặc sống dựa vào cha mẹ. Nhưng liệu những người này có thực sự thất nghiệp hay không? Khó mà nói chắc được điều này. Nhưng rõ ràng là khi số lượng những người không nằm trong lực lượng lao động tăng lên thì các con số về tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu cho chúng ta biết ngày càng ít hơn về bức tranh thực sự về những người không có việc làm.

Những chiếc xe có tài xế của Ý

Một con số khác liên quan tới xe cộ được thông báo rộng rãi là các chính trị gia Ý "đang có tài xế riêng đưa đi xung quanh trên những chiếc xe Alfa Romeos, Maseratis và Audis đắt đỏ. Số xe của những nhân viên này lên tới con số đáng kinh ngạc 30.000 xe và giá mà những người đóng thuế Ý phải trả cho chúng ước tính lên tới 2 tỷ euro một năm."

Điều này nhắc lại những gì Bộ trưởng Hành chính công tại Ý bị buộc tội vào thời điểm đó.

Những báo cáo trên buộc chính phủ Ý phải thực hiện một bản báo cáo trong đó cho biết có 72.000 xe do các chính quyền địa phương, khu vực và trung ương Ý quản lý.

Phần lớn trong số đó là xe dịch vụ - xe hồ bơi, xe tải và xe chuyên chở được sử dụng cho những mục đích như bảo trì, giao hàng và chở nhân viên.

Vì vậy khi bạn trừ những con số này đi, bạn có 5.000 xe có tài xế riêng phục vụ cho mục đích độc quyền của các chính trị gia và các giám đốc và 10.000 chiếc xe khác có tài xế.

Nguồn VietnamNet: http://vef.vn/2012-04-17-khung-hoang-chau-au-su-that-sau-nhung-con-so