Khúc tráng ca về những vết thương

Bằng việc tham khảo hàng nghìn bài báo nghiên cứu, các tài liệu lịch sử, hàng trăm cuộc trò chuyện với các bệnh nhân, nhà khoa học và bác sĩ lâm sàng, 'Khúc tráng ca về những vết thương' của tác giả - bác sĩ Haider Warraich là tác phẩm nghiên cứu muôn mặt về những cơn đau, từ nguồn gốc sinh lý đến các tác động của nó đến khía cạnh kinh tế, chính trị, xã hội từ cổ chí kim.

Đau đớn phức tạp hơn ta tưởng

Tính cho đến nay, đau đớn vẫn là một vấn đề rất khó tiếp cận, bởi khoảng cách quá lớn giữa bệnh nhân, bác sĩ và các nhà nghiên cứu. Vì là trải nghiệm thuộc về cá nhân, nên nó riêng tư đến mức được cho là thứ duy nhất “thực sự” thuộc về chúng ta, và khó lý giải đến mức vượt khỏi giới hạn của ngôn ngữ. Do đó mà khoảng cách này đã tạo ra nhiều quan niệm được số đông chấp nhận nhưng thiếu cơ sở thực tế.

Điều đó thể hiện từ việc y học tạo ra các thang đo độ đau dùng chung cho tất cả mọi người, nhưng về bản chất mỗi người có ngưỡng chịu đựng khác nhau, cho đến những quan niệm như “những gì không thể đánh gục bạn thì sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn”, “đau đớn là không thể tránh khỏi, còn đau khổ là do lựa chọn” có phần phổ biến… Tất cả những yếu tố trên đều cho thấy rằng nỗi đau chưa được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng cũng như đúng mức.

Tác giả Haider Warraich. Ảnh The Guardian.

Nói về sinh học, Warraich cho thấy nỗi đau phức tạp hơn là ta tưởng. Trên thực tế, đau đớn chỉ là 1 trong 3 hiện tượng riêng biệt nhưng có quan hệ với nhau. Chúng gồm cảm thụ đau (nociception) - quá trình mà các kích thích có khả năng gây tổn hại được hệ thần kinh phát hiện và truyền đi tín hiệu, thường bị nhầm với đau đớn (pain) do cảm thụ đau gây ra và khiến chúng ta đau khổ (suffering).

Trong đó đau đớn là hệ quả tâm lý của tổn thương nội tạng hoặc tổn thương tinh thần, mà trong đó cảm thụ đau là cảm giác thể chất thuần túy, xuất hiện ở tất cả sinh vật, thậm chí ở cả tế bào và thực vật, trong khi đau khổ là trải nghiệm tâm lý chỉ xuất hiện ở các loài động vật bậc cao, đặc biệt là con người.

Để hiểu cơn đau cũng cần tiếp cận theo quá trình đó. Theo Warraich, “cảm thụ đau là một trong những món quà xa xưa nhất mà tạo hóa ban tặng cho các sinh thể”, vì để tồn tại thì điều kiện tiên quyết là sinh vật phải phát hiện được các mối đe dọa. Sau đó để cảm thụ đau trở thành cơn đau, sinh vật cần có khả năng nhận thức được mối nguy có hại, từ đó gán cho nó ý nghĩa tiêu cực, dẫn đến phản ứng co cơ để tránh khỏi nó. Quá trình biến đổi này không xảy ra ở da thông qua xúc giác mà là thuộc về não bộ. Về bản chất, đau đớn là biểu hiện có ý thức của cảm thụ đau, khi đó não bộ sẽ chuyển cảm giác thành các nhận thức.

Tuy vậy cơn đau không chỉ đóng vai trò gây ra đau đớn, mà nó cũng có những khía cạnh khác mang tính tích cực. Chẳng hạn nếu một giống loài chỉ có cảm thụ đau mà không biết đến cơn đau thì việc bị tuyệt diệt là khó tránh khỏi, vì chúng không được cảnh báo cũng như rút ra bài học sau những tổn thương.

Do đó có thể nói đau đớn là thứ giúp chúng ta tồn tại trong một thế giới khắc nghiệt. Hành vi đau không chỉ nhằm mục đích tự vệ mà cũng còn là phương tiện giao tiếp thiết yếu, khi ta nhận biết cảm xúc, cảm giác từ phía đối phương, từ đó có sự điều chỉnh sao cho phù hợp. Có thể nói rằng: “sự biến đổi cảm thụ đau đơn giản thành trải nghiệm đau đớn phức tạp hoàn toàn có thể được xem là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của quá trình tiến hóa”.

Ngoài những điều trên, Warraich cũng bàn về nhiều bộ phận có liên quan đến những cơn đau, bao gồm hạch hạnh nhân, hồi hải mã, vỏ thùy não... hoặc những hội chứng cần nghiên cứu thêm, như đau mãn tính, cơn đau “chi ma” (sau khi tháo khớp)… Những nghiên cứu này tính cho đến nay mới được phát hiện, phần nào cho thấy nỗi đau chỉ mới được hiểu rõ một phần nào đó. Không chỉ về mặt sinh học, những vấn đề này cũng đã phản ánh cách mà nền y học phân biệt đối xử về mặt giới tính, chủng tộc, giai cấp mà các bệnh nhân đã phải chịu đựng.

Muôn mặt tác động của những cơn đau

Khó khăn trong việc giải thích hay tìm về nguồn gốc của cơn đau cho thấy nó không thể được phổ quát cho tất cả mọi người, và phải tùy biến theo từng cá thể. Thế nhưng thực tế lại khác hoàn toàn. Trong chương khám phá cơn đau với những khía cạnh lịch sử, văn hóa, xã hội, Warraich đã có những cách nhìn khác biệt về vấn đề này.

Theo tác giả, đau đớn gắn liền với chủ nghĩa đế quốc khi thực dân châu Âu thường chế nhạo nỗi đau của người bản địa ở các nước thuộc địa. Họ ngụy biện nỗi đau là do yếu đuối, ngay cả khi họ hưởng lợi trên nỗi đau đó. Điều này cũng đã dẫn việc các nước đế quốc vận hành cỗ máy sản xuất opioid quy mô nhất trong lịch sử loài người, gieo rắc chiến tranh chỉ để tiếp tục bán thêm thuốc phiện và đẩy các dân tộc khác vào cảnh nghiện ngập, nhưng lại cấm chính dân mình dùng thứ thuốc này vì biết quá rõ “nàng tiên nâu” mê hoặc đến mức độ nào.

Bìa sách Khúc tráng ca về những vết thương. Ảnh Minh Anh

Đau đớn một mặt nào đó cũng gắn liền với yếu tố chủng tộc. Những nô lệ da màu thường xuyên bị bạo hành dã man trong quá khứ với lý do dối trá là họ đã chai lì đến mức không còn biết đau như những chủ nhân da trắng, hay những tư tưởng cho rằng họ ít cảm thấy đau vì da dày hơn người da trắng vẫn còn tồn tại.

Điều này cũng thấy ở bất bình đẳng giới, khi người phụ nữ thường phải trải qua những cơn đau đớn nhiều hơn, nhưng tình trạng này thường bị xem nhẹ, dẫn đến không được chăm sóc y tế đúng cách. Trong thế kỷ 18, phụ nữ cũng phải chịu đau khi sinh nở bởi một quan niệm vô cùng lạc hậu rằng họ đáng bị trừng phạt vì Eva trót bị quỷ dữ mê hoặc mà sa ngã. Do đó những ai tìm cách giảm đau cho các sản phụ phải chịu án tử…

Trong ngày hiện tại, đau đớn cũng đang gây ra một cơn khủng hoảng toàn cầu, trong khi nhiều người cho rằng đau mãn tính là hội chứng đặc trưng của nước Mỹ, thì cỗ máy sản xuất thuốc giảm đau cũng đang giết dần giết mòn những người phụ thuộc vào nó, dẫn đến chứng nghiện.

Ngày nay có tới 34% người Mỹ cho biết họ thường xuyên bị đau nhức cơ thể, thế nhưng thay vì được chữa theo liệu pháp riêng, thì hàng triệu người được kê đơn nhóm thuốc giảm đau như opioid, morphine, OxyContin… ngay cả khi các nghiên cứu dài hạn cho thấy những hóa chất này không có tác dụng giảm đau mãn tính, thậm chí còn gây đau đớn hơn nữa. Từ năm 1999 - 2017, hơn 700.000 người Mỹ đã tử vong vì sử dụng opioid quá liều, và hàng triệu người khác đã trở nên phụ thuộc vào các loại thuốc này.

Qua những nghiên cứu dày dặn và có cơ sở của Haider Warraich, Khúc tráng ca về những vết thương là hành trình cố gắng tìm ra bản chất của một trong những cảm giác phức tạp nhất nơi con người, từ đó khám phá bản chất thực sự của nỗi đau, tiến tới cảnh báo sự bất bình đẳng về chủng tộc, giới tính, sắc tộc cũng như gióng lên hồi chuông về “thảm kịch y tế” đã, đang và sẽ xảy ra, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/khuc-trang-ca-ve-nhung-vet-thuong-42365.html