Khúc tráng ca bất tử trong lòng nhân dân

Đoàn viên, thanh niên thắp hương, đặt vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Bến tàu Không số Vũng Rô. Ảnh: PV

Đã 57 năm trôi qua, nhưng khi nhắc lại thời khắc con tàu Không số đầu tiên vào bến Vũng Rô, từ những người trong cuộc đến thế hệ trẻ hôm nay đều trào dâng niềm tự hào. Thời khắc lịch sử, chiến công ấy mãi là khúc tráng ca bất tử trong lòng nhân dân.

Năm nay đã 88 tuổi, sức khỏe giảm sút, nhưng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng tàu 41 (C41, C641, HQ671) vẫn nhớ như in thời khắc con tàu Không số do ông làm thuyền trưởng lần đầu tiên cập bến quê nhà.

Phút gặp gỡ giữa tàu và bến

Sau 7 chuyến vận chuyển vũ khí vào miền Tây Nam Bộ thành công, tàu 41 do Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng và Trần Hoàng Chiếu làm chính trị viên nhận lệnh của cấp trên, chuẩn bị chở hàng chi viện cho chiến trường Khu 5 vào bến Vũng Rô - Phú Yên. Anh hùng Hồ Đắc Thạnh nhớ lại: “Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát chỉ thị: Đây là bến mới, tổ chức hiệp đồng có thể trục trặc, để giữ bí mật sử dụng bến được lâu dài, tàu các đồng chí chỉ được vào bến khoảng 24 giờ và phải rời bến trước 3 giờ sáng. Trong trường hợp khẩn cấp cho phép cấp ủy, chi bộ và thuyền trưởng được quyền quyết định và chịu trách nhiệm trước tập thể và cấp trên”.

Sau thời gian chuẩn bị, ngày 16/11/1964, tàu 41 chở 63 tấn vũ khí rời khu trú đậu Hạ Long xuất phát ra khơi. Để ngụy trang che mắt địch, thuyền trưởng cho treo cờ Trung Quốc và mọi hoạt động diễn ra như một tàu cá của ngư dân. Tuy nhiên, hai ngày sau, tàu được lệnh dừng lại vì vùng biển Nam Trung Bộ tàu tuần tiễu của hải quân địch đang hoạt động.

Đêm 24/11 tàu tiếp tục hải trình. Vượt qua giông tố, gió mùa đông bắc, khi tàu đi qua vùng biển Ðà Nẵng, máy bay trinh sát của Mỹ phát hiện. Lập tức hai tàu tuần tiễu của địch lao ra kèm song song và chĩa thẳng nòng pháo về phía tàu 41. Nhờ ta ngụy trang tốt, quan sát không thấy có sự bất thường, hai tàu tuần tiễu địch bỏ mục tiêu theo dõi.

“Ngày 28/11/1964, vào lúc 23 giờ 50, tàu 41 vào đến Vũng Rô và thả trôi giữa vịnh. Trong đêm tối, không nhận được tín hiệu hiệp đồng và người của bến đón, tôi quyết định thả xuồng vào bờ tìm”, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh nhớ lại giờ khắc lịch sử.

Phút gặp gỡ giữa tàu và bến vô cùng xúc động và tràn ngập niềm vui sướng. Thuyền trưởng Thạnh và Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền - Bến trưởng ôm chầm lấy nhau mà nước mắt trào tuôn. Thuyền trưởng Thạnh báo cáo: “Tàu 41 chở 63 tấn vũ khí. Theo chỉ thị của trên, tàu chỉ được ở lại để bến bốc hàng, 3 giờ sáng phải rời bến! Đề nghị anh cho dân công bốc dỡ để tàu ra đúng thời gian”. Bến trưởng Sáu Suyền đang vui thì bật khóc: “Mình chỉ xin Trung ương chi viện cho Phú Yên từ 5-10 tấn bằng một chiếc ghe giã cào. Bây giờ một chiếc tàu sắt to ầm chở trên 60 tấn làm sao bốc dỡ hết trong đêm!”.

Trước “tình huống bất trắc”, một cuộc họp khẩn cấp giữa tàu và bến. Có người bảo “cho tàu ra công hải chờ, tối mai vào sớm bốc hết hàng rồi tàu ra”. Có người bảo “cho tàu ngụy trang kỹ nằm lại bến tối mai bốc hết hàng rồi ra”… “Là người con Phú Yên sau bao năm mong ước được chỉ huy tàu chở vũ khí về cho bà con quê nhà đánh giặc, nay tàu đã vào đến bến, chỉ cần mở nắp hầm hàng nhanh chóng đưa vũ khí lên bờ… mà cho tàu quay ra, coi như tuột tay rồi. Tôi còn mắc nợ với quê hương anh Sáu à!”, Thuyền trưởng Thạnh đã nói với đồng chí Trần Suyền như vậy.

Sau khi trao đổi với chi ủy và cán bộ tàu, thuyền trưởng quyết định cho tàu ngụy trang kỹ nằm lại bến tối hôm sau bốc hết hàng rồi ra, đồng thời điện báo về Chỉ huy sở. Mọi công tác chuẩn bị khẩn trương. Thuyền trưởng đưa tàu vào bãi Chùa và cùng với lực lượng bến giăng lưới chặt cây ngụy trang tàu hoàn thành trước khi trời sáng. Đêm hôm sau, tàu cơ động về bãi Chính dùng tốc độ cao ủi lên bãi để dân công và bộ đội bốc hàng.

Ông Ngô Văn Định, nguyên chiến sĩ Ðại đội K60 bảo vệ bến Vũng Rô, Phó Ban liên lạc Bến tàu Không số Vũng Rô nhớ lại: Ban Chỉ huy bến và hơn 1.000 cán bộ đảng viên, bộ đội, du kích, thanh niên xung phong đều làm việc với tinh thần phấn khởi, khẩn trương nên trong thời gian ngắn đã đưa toàn bộ 63 tấn hàng lên bờ và đưa cát ngược trở lại để dằn tàu khi ra biển. Trên sông Bàn Thạch, thuyền câu ngụy trang chở vũ khí, thuốc men ngược lên Hòa Mỹ, Hòa Thịnh, để dân công đưa hàng vượt dốc Mõ vào Khánh Hòa và lên Tây Nguyên. Đến 3 giờ sáng 30/11/1964, tàu 41 rời bến Vũng Rô trở về miền Bắc.

Thắp hương, đặt vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Bến tàu Không số Vũng Rô. Ảnh: XUÂN HIẾU

Thắp hương, đặt vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Bến tàu Không số Vũng Rô. Ảnh: XUÂN HIẾU

Quyết định mạo hiểm, táo bạo

Tại lễ kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển được tổ chức tại Di tích lịch sử Bến tàu Không số Vũng Rô vừa qua, một trong những tên tuổi được nhiều người nhắc đến, đó là cố Bí thư Tỉnh ủy, Anh hùng LLVTND Trần Suyền - Bến trưởng của bến Vũng Rô năm ấy.

Theo đại tá, Anh hùng LLVTND Đặng Phi Thưởng, nguyên chiến sĩ K60, Trưởng Ban liên lạc Bến tàu Không số Vũng Rô, sau khi bến Lộ Diêu (tỉnh Bình Định) bị lộ, ta phải đốt cháy tàu để xóa dấu vết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị: “Không sử dụng bến Lộ Diêu nữa mà tìm cách đưa hàng vào bến mới ở Phú Yên”. Trung ương giao cho Phân khu Nam và Tỉnh ủy Phú Yên nhiệm vụ chọn bến. Với tầm quan trọng của nhiệm vụ, Ban Thường vụ Liên tỉnh ủy III và Phân khu Nam tổ chức hội nghị liên tịch tại suối Phẩn (nay thuộc xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa) bàn biện pháp và chọn bến bãi đón tàu. Qua đánh giá các yếu tố về địa hình, vị trí địa lý, tình hình địch - ta và nhân dân địa phương, hội nghị thống nhất chọn Vũng Rô theo đề xuất của đồng chí Trần Suyền.

Theo đại tá Đặng Phi Thưởng, lý do để đồng chí Trần Suyền thuyết phục hội nghị chọn Vũng Rô để mở bến vì vịnh này ba phía đều có núi bao bọc, nước sâu nhưng không lệ thuộc thủy triều, tàu 100 tấn ra vào dễ dàng, có nhiều bãi nhỏ làm điểm nhận hàng hóa. Trong rừng có nhiều hang đá, gộp đá thuận tiện việc cất giữ, bảo quản vũ khí và có cả con đường độc đạo để vận chuyển vũ khí về căn cứ. Tuy vậy, việc chọn Vũng Rô lúc bấy giờ là rất mạo hiểm, bởi các hướng đều nằm trong tầm kiểm soát của địch. Ngay trên đỉnh đèo Cả là bốt Pơ-tí với 1 trung đội địch chốt giữ. Phía biển, địch có 12 thuyền của Duyên đoàn 23 và ngoài khơi có Hạm đội 7 của Mỹ. Mặt khác, trạm ra đa của địch trên đỉnh núi Chóp Chài ở TX Tuy Hòa có bán kính quét rất rộng, tàu thuyền vào Vũng Rô khó lọt khỏi tầm ngắm. Tuy nhiên, khi địch chủ quan, đó là cơ hội cho ta.

“Kỷ niệm 57 năm Ngày bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của tàu Không số là dịp để tuổi trẻ Phú Yên tri ân và đẩy mạnh việc học tập, rèn luyện, tiếp bước các thế hệ cha ông đã làm rạng rỡ truyền thống hào hùng của dân tộc và quê hương đất Phú trên con đường hội nhập và phát triển”, Bí thư Tỉnh đoàn Phan Xuân Hạnh tự hào bày tỏ.

Giữa năm 1964, Ban Chỉ huy bến Vũng Rô được thành lập, do đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Thường vụ Liên tỉnh ủy III phụ trách. Trong vòng 2 tháng, bến Vũng Rô đã đón 3 chuyến tàu Không số vào ra an toàn, tiếp nhận gần 200 tấn vũ khí quân dụng và 8 cán bộ tăng cường cho Phú Yên. Ngày 18/6/1997, Bến tàu Không số Vũng Rô được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, tập thể tàu 41 (C41, C641, HQ671) hai lần được Ðảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVTND; tàu đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

XUÂN HIẾU

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/267956/khuc-trang-ca-bat-tu-trong-long-nhan-dan.html