Khu ủy Tây Bắc sống mãi trong lòng nhân dân

Những ngày này về với các huyện, thị xã phía Tây, mới thấy được không khí thi đua lao động sản xuất sôi nổi của nhân dân, nhằm lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Nhiều trường học trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ tổ chức các tiết học ngoại khóa tại Di tích lịch sử Khu ủy Tây Bắc.

Văn Chấn - Nghĩa Lộ được biết đến như những cái nôi của phong trào cách mạng với những địa danh đã đi vào lịch sử: Căng đồn Nghĩa Lộ, đèo Din, đèo Lũng Lô, đặc biệt là Bản Chanh - nơi Khu ủy Tây Bắc đặt trụ sở, cùng với những tấm gương hy sinh anh dũng đánh giặc như: Đinh Văn Quy, Hoàng Văn Thọ ...đã viết lên những bài ca bất hủ trong việc bảo vệ quê hương, đất nước.

Cùng với đèo Lũng Lô huyền thoại, Bản Chanh, xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ, (xã Phù Nham trước kia thuộc huyện Văn Chấn được sáp nhập về thị xã Nghĩa Lộ từ đầu tháng 2/2020) được nhân dân trong cả nước biết đến là nơi được Trung ương Đảng lựa chọn để đặt trụ Khu ủy Tây Bắc từ tháng 11/1952 đến tháng 12/1954 để lãnh đạo quân và dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", một "mốc son chói lọi" trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Đồng chí Hà Văn Nam- Phó bí thư Thường trực Thị ủy Nghĩa Lộ cho biết: "Khu ủy Tây Bắc là cơ quan chỉ huy cao nhất của Bộ tư lệnh chiến trường Tây Bắc, nơi quyết định sự thành bại của quân và dân trên các mặt trận vùng Tây Bắc, đồng thời có tầm ảnh hưởng sâu sắc tới toàn bộ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo về chính trị, quân sự, kinh tế, là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, mang tính bước ngoặt của lịch sử địa phương và khu vực, làm thay đổi cục diện chiến trường, góp phần làm nên những chiến công vang dội trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến dịch Tây Bắc đợt hai và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ lừng lấy năm châu, chấn động địa cầu".

Với vai trò quan trọng nên từ khi thành lập và hoạt động từ năm 1952 đến 1954, Khu ủy Tây Bắc đã trực tiếp lãnh, chỉ đạo quân và dân các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Sơn La tập trung xây dựng chính quyền cách mạng, lực lượng vũ trang, tiễu phỉ, trừ gian, sản xuất đóng góp sức người, sức của đẩy mạnh công cuộc kháng chiến kiến quốc.

Trong thời điểm và hoàn cảnh lịch sử, Bản Chanh, xã Phù Nham là địa điểm đảm bảo các yếu tố "Địa lợi, nhân hòa’’ thuận lợi cho công tác xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang trên địa bàn để tiến hành các cuộc tiến công tiêu diệt địch, đặc biệt là huy động tổng lực, lực lượng vũ trang và nhân dân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong chiến dịch Tây Bắc, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Khu ủy Tây Bắc đã lãnh đạo nhân dân, lực lượng vũ trang địa phương cùng với quân chủ lực đồng loạt tiến công tiêu diệt địch ở Phân khu Nghĩa Lộ, giải phóng vùng hữu ngạn sông Thao, tả ngạn sông Đà, từ vạn Yên đến Quỳnh Nhai, làm chủ con đường 13A nối liền Yên Bái với Nghĩa Lộ. Trong đó đã tiêu diệt hành trăm tên địch, thu hàng ngàn súng các loại và nhiều quân trang quân dụng. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Khu ủy Tây Bắc bảo đảm hậu cần tại chỗ và huy động lực lượng bảo đảm giao thông, quân và dân Tây Bắc đã cung cấp trên 7.000 tấn gạo, 358 tấn thịt, đóng góp hàng triệu ngày công làm đường tải gạo.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, "Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các bậc cha anh đã anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch ở địa phương, năm 2009, UBND tỉnh Yên Bái đã cấp Bằng công nhận Khu ủy Tây Bắc là Di tích lịch sử cấp tỉnh và giao cho xã Phù Nham trực tiếp quản lý. Năm 2012, Khu ủy Tây Bắc được cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Đây là niềm vinh dự và tự hào cho nhân dân Văn Chấn - Nghĩa Lộ nói riêng và người dân trong cả tỉnh Yên Bái nói chung. Tuy được nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia, nhưng sau chiến thắng chiến dịch Điện Biên Phủ, do yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, đất nước, Khu ủy Tây Bắc không còn tồn tại. (Thời kỳ Khu ủy Tây Bắc đặt trụ sở tại Bản Chanh, xã Phù Nham từ năm 1952-1954 với doanh trại, nhà ở, nhà làm việc, kho tàng… xây dựng có tính chất dã chiến).

Đồng chí Lưu Minh Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Phù Nham chia sẻ: "Phát huy quê hương cách mạng, trong thời gian qua, nhân dân Phù Nham đã có nhiều sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh. Đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt trên 56 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên 7% gia đình văn hóa đạt 93 %. Tiếng là Khu ủy Tây Bắc đóng trên địa bàn nhưng đến nay mới làm được bia đá và sân bê tông khoảng 200m2, còn hơn 1.600m2 còn để trống. Chúng tôi mong muốn trước mắt nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng nhà truyền thống để nhân dân, du khách đến tham quan tìm hiểu".

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Nham cho biết: "Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động như vệ sinh khuôn viên khu di tích đảm bảo sạch sẽ, đặc biệt giáo dục cho học sinh hiểu về lịch sử và ý nghĩa của Khu ủy Tây Bắc, từ đó bồi đắp thêm niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước và trách nhiệm của các em để xây dựng quê hương, đất nước”.

Đến nay, cứ mỗi lần đến tham quan, các nhân chứng một thời làm việc tại Khu ủy Tây Bắc và thế hệ trẻ hôm nay lại rạo rực bởi địa danh đã góp phần quan trọng trong chiến thắng Điện Biên Phủ. Qua bao năm tháng không thể xóa nhòa trong tâm thức các thế hệ; mỗi cán bộ, chiến sỹ, người dân vẫn dành những tình cảm trân trọng, vẫn cảm nhận được không khí hào hùng của những ngày lịch sử năm xưa; tự hào về quá khứ, cảm phục về truyền thống, đánh giặc giữ nước, về văn hóa quân sự của dân tộc.

Tin rằng, với vị trí và tầm quan trọng của Di tích lịch sử Khu ủy Tây Bắc, sẽ tiếp tục được đầu tư phục dựng, tôn tạo với quy mô khang trang, bề thế xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của các bậc cha anh, đồng thời gắn kết các điểm du lịch di tích - văn hóa trong vùng và là địa chỉ đỏ nuôi dưỡng tinh thần cách mạng cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Văn Tuấn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/254/321043/khu-uy-tay-bac-song-mai-tr111ng-long-nhan-dan.aspx