Khu di tích lịch sử Lam Kinh - điểm đến tâm linh 'níu chân' du khách (Bài 3): Lam Kinh và những câu chuyện ly kỳ

Di tích lịch sử Lam Kinh không chỉ hấp dẫn du khách bởi sự cổ kính, tôn nghiêm của những công trình kiến trúc đồ sộ; mà nơi đây còn 'níu chân' du khách bằng những câu chuyện ly kỳ, đầy bí ẩn...

Cây đa - thị (phía sau sân khấu thực cảnh) được vinh danh là Cây di sản Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Chi

Về với Lam Kinh, khi bước qua Cầu Bạch, nhìn sang trái Ngọ Môn, du khách sẽ thấy một cây đa - thị cổ thụ. Xưa kia chỗ cây đa đang án ngữ là một cây thị. Cây thị ra hoa kết trái, chim chóc thường về ăn quả thị vô tình mang theo hạt đa đến. Hạt đa rơi xuống đất mọc thành cây phát triển xanh tốt. Bộ rễ phụ của cây đa rất đặc biệt, không vươn ra xa như các cây đa khác, mà ôm trọn cây thị rồi hóa thành “một gốc hai ngọn”. Bởi, sự cộng sinh đặc biệt này, Nhân dân trên đất Lam Sơn gọi đây là cây đa - thị. Cây thị sống trong lòng cây đa vẫn xanh tươi tốt lá, mỗi năm đều ra quả, tuy nhỏ, chát nhưng thơm lừng một góc. Đến năm 2007, theo quy luật sinh tồn của tạo hóa, cây thị già chết khô. Cây đa vẫn luôn ôm cây thị chết trong lòng. Điều bất ngờ, là cây thị phần thân đã chết, nhưng phần rễ vẫn “ôm ấp” dần phát triển sinh sôi nảy nở. Chính vì thế đến năm 2015, một cây thị khác đã mọc lên xanh tốt như bây giờ.

Sự tồn tại độc đáo của cây đa - thị, đặc biệt, với sự hồi sinh của cây thị như khẳng định sức sống dẻo dai, sự gắn kết bền chặt không chỉ của cảnh vật nơi đây. Hơn thế, là khẳng định sức mạnh “hồi sinh” từ những tro tàn, sự trường tồn, linh thiêng của vùng đất Lam Kinh trước bao biến động của lịch sử. Cùng với đó, là một trong những cây cổ thụ lớn nhất ở Lam Kinh, cây đa - thị còn là chứng nhân lịch sử về sự tồn tại đầy thăng trầm của Lam Kinh. Với tầm vóc hàng trăm năm cùng sự độc đáo hiếm có cùng những giá trị lịch sử văn hóa vô giá, năm 2013, cây đa - thị được vinh danh là Cây di sản Việt Nam.

Từ Ngọ Môn nhìn vào, Lam Kinh nổi bật với tòa chính điện đồ sộ, bề thế. Tòa Chính điện Lam Kinh hiện nay được phỏng dựng lại theo đúng quy mô, kích thước và kiến trúc xưa. Vào thời điểm, UBND tỉnh quyết định phỏng dựng Tòa Chính điện Lam Kinh, một câu chuyện trùng hợp đến kỳ lạ đã xảy ra ở đây. Đó là câu chuyện cây lim hiến thân. Trong rừng Lam Kinh có cây lim cổ thụ khoảng 600 năm tuổi đang xanh tốt, khỏe mạnh bình thường bất ngờ trút hết lá, dần trở thành cây khô không còn sức sống nữa. Cô hướng dẫn viên tại Di tích lịch sử Lam Kinh, Lê Thị Thức giới thiệu, cây lim hiến thân có rất nhiều điều trùng hợp mà chưa có lời lý giải. Đó là, thời điểm cây trút lá trùng với thời điểm dự án phỏng dựng Chính điện Lam Kinh được phê duyệt, và cây chết là lúc thiết kế thi công vừa hoàn thành. Khi làm lễ hạ xuống thì càng khiến nhiều người tin rằng cây lim này đã tự nguyện “hiến thân” để phục dựng tòa chính điện.

Thông thường cây lim càng già càng rỗng ruột, nhưng cây lim hiến thân này từ gốc đến ngọn đều đặc ruột. Và điều đặc biệt đến kinh ngạc đó là khi đẽo phần vỏ của cây lim đi, thì gốc của cây lim có bán kính khoảng 82 cm vừa khít với chân tảng đá của cột cái chính điện xưa để lại. Và gốc lim hiến thân ấy được làm cột cái đặt ở hậu điện (nơi nghỉ ngơi của vua xưa kia). Ngoài ra, các phần thân, nhánh của cây lim cũng vừa khít để làm cột quân, cột hiên, thượng lương tại cả 3 tòa: tiền điện, trung điện, hậu điện. Điều này khiến nhiều người tin rằng hơn nửa thiên niên kỷ trước cây lim được sinh ra để “hiến thân” làm nhiệm vụ phỏng dựng tòa chính điện, để lại một di sản vô giá cho hậu thế.

Thêm một điều thú vị, hấp dẫn du khách khi về với Lam Kinh đó là, cây ổi “cười”. Cây ổi nằm trong khuôn viên lăng mộ vua Lê Thái tổ - nơi huyệt đạo linh thiêng, quan trọng. Tương truyền, xưa kia có một người đàn ông rất giàu có nhưng hiếm muộn có con trai. Ông đã cung tiến đắp tượng quan ngoài cổng, trồng cây nhãn, ổi bày tỏ lòng thành với vua Lê. Sau đó ông đã có một cậu con trai. Cây ổi cạnh lăng mộ vua Lê Thái tổ năm nào cũng sai quả. Nhưng điều khiến cây ổi trở nên khác lạ, độc đáo, chính là khi có người lấy ngón tay xoa nhẹ vào mắt, vùng lõm trên thân cây thì đầu lá sẽ rung lên từng hồi từng nhịp, cả khi trời lặng gió. Và khi không xoa nữa thì lá sẽ đứng yên. Người ta gọi hiện tượng lá rung là cây ổi đang “cười” chào đón du khách về Lam Kinh, về thăm lăng mộ Vua. Còn nếu du khách nắm tay vào cành cây ổi và nhắm mắt tĩnh tâm, thì sẽ có cảm giác khác nhẹ nhõm, thanh thản, giống như có một luồng năng lượng, sinh khí được truyền qua cây ổi vào người. Rất nhiều người đã thử khám phá cây ổi “cười” và đều bất ngờ trước hiện tượng lạ này. Với sự đặc biệt của mình, cây ổi “cười” đã được nghiên cứu, trồng thử nơi khác nhưng đều không có hiện tượng “cười” và chưa có lời giải cho hiện tượng này.

Phải chăng Lam Kinh tọa lạc trên vùng đất Lam Sơn linh thiêng, là “kinh đô tưởng niệm” của nhà Hậu Lê, nên tự thân cảnh vật, cây cối nơi đây cũng có “thần”, có “hồn” để tăng thêm sự linh thiêng và độc đáo hiếm có của di tích quốc gia đặc biệt này. Câu chuyện về cây ổi “cười”, cây đa - thị, cây lim “hiến thân” chỉ là 3 trong số nhiều câu chuyện ly kỳ gắn với Di tích lịch sử Lam Kinh. Về với Lam Kinh, chúng ta sẽ được tìm hiểu và khám phá thêm nhiều điều thú vị mà hiếm nơi nào có được. Hơn thế, chúng ta sẽ được ngược dòng về với quá khứ, được sống trong không gian linh thiêng, hào hùng của một thời kỳ hưng thịnh trong lịch sử Việt Nam để thêm yêu quê hương, đất nước, trân trọng lịch sử và có trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Quỳnh Chi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/khu-di-tich-lich-su-lam-kinh-diem-den-tam-linh-niu-chan-du-khach-bai-3-lam-kinh-va-nhung-cau-chuyen-ly-ky/196596.htm