Khu di tích lịch sử Đền Hùng: Hướng tới bảo tồn và phát triển

Với mục tiêu xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng xứng tầm là Di tích quốc gia, mới đây, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đề nghị UBND tỉnh cho phép được lập hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025.

Khu di tích đền Hùng - nơi lưu giữ dấu tích ngàn xưa của dân tộc, tọa lạc trên núi Nghĩa Lĩnh, hay còn gọi là núi Hùng, thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tồn tại theo thời gian, trải qua nhiều biến cố lịch sử dân tộc, chiến tranh kéo dài, các công trình thuộc khu di tích từ xa xưa đã gần như mất đi, các kiến trúc xây dựng từ thời Lê, Nguyễn đã xuống cấp. Mỗi công trình, kiến trúc còn lại của di tích đền Hùng ngày nay đều chứa đựng giá trị lịch sử, cùng những truyền thuyết ngàn xưa còn sống mãi.

Nhiều năm qua, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực tu bổ, tôn tạo các di tích, nhằm giữ gìn giá trị lịch sử dân tộc. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 552/QĐ-TTg ngày 21/4/2017 phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025.

Mục tiêu của quy hoạch nhằm bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái; định hướng kế hoạch tổng thể quản lý và đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Đồng thời, tạo lập các không gian tưởng niệm, tôn vinh các Vua Hùng và các bậc tiền nhân thời đại Hùng Vương, để Khu di tích lịch sử Đền Hùng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc, điểm du lịch về với cội nguồn dân tộc đặc biệt hấp dẫn. Trên cơ sở đó từng bước hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú trên nguyên tắc bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.

Ông Lê Đức Thọ - Trưởng ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Đền Hùng cho biết: Thực hiện Quyết định số 552/QĐ-TTg ngày 21/4/2017 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, Đền Trung, Đền Thượng được tôn tạo bề thế, khang trang hơn, lối đi lên các đền được mở rộng và lát gạch; hàng quán di dời sang khu vực khác để đảm bảo cảnh quan thoáng đãng, sạch đẹp. Trong quá trình thực hiện quy hoạch còn gặp nhiều vấn đề như: Nguồn kinh phí hạn hẹp, trong vùng quy hoạch vẫn còn xen kẹt một số nhà dân...

Đến nay, một số hạng mục theo quyết định phê duyệt đã được thực hiện như: Cơ sở vật chất, hạ tầng cảnh quan khu trung tâm lễ hội, khu dịch vụ ngã năm đền Giếng, hệ thống đường bậc lên xuống khu vực núi Nghĩa Lĩnh và một số công trình kiến trúc văn hóa được đầu tư xây dựng tôn tạo; bảo tồn nguyên trạng các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo việc làm, thu hút cộng đồng cư dân sống xung quanh bảo vệ và phát huy giá trị di tích; bảo vệ môi trường, cảnh quan…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy hoạch đã xuất hiện những yếu tố mới, một số nội dung chưa phù hợp với tình hình hiện nay cần xem xét lại. Mặt khác, tiến độ vốn đầu tư giai đoạn 2017 - 2025 để thực hiện quy hoạch mới đạt khoảng 18% so với tổng mức đầu tư dự kiến. Năm 2025 là thời điểm kết thúc thực hiện quy hoạch song một số nội dung, nhóm dự án của quy hoạch chưa có khả năng cân đối nguồn vốn.

Thực tế cho thấy, việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết và phù hợp với quy định tại Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ. Ngày 08/01/2024, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã có Công văn số 13/ĐH-DA đề nghị UBND tỉnh cho phép được lập hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025, giai đoạn thực hiện từ năm 2026 đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Kinh phí thực hiện từ nguồn vốn ngân sách tỉnh thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch hằng năm.

Phùng Hằng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/khu-di-tich-lich-su-den-hung-huong-toi-bao-ton-va-phat-trien-369741.html