Khu chứng tích Sơn Mỹ - điểm đến của hòa bình

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ, đến nay, Khu Chứng tích Sơn Mỹ ở thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi đã trở thành điểm đến của những người yêu hòa bình. Chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đầu tư kinh phí xây dựng Khu Chứng tích Sơn Mỹ thành điểm du lịch, văn hóa, địa chỉ quen thuộc của du khách.

Ngày 16/3/1968 (nhằm ngày 17/2 năm Mậu Thân), tại thôn Mỹ Lai, thuộc xã Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi), các đơn vị lính Lục quân Hoa Kỳ đã thảm sát hàng loạt người dân vô tội, cướp đi sinh mạng của 504 thường dân Sơn Mỹ, trong đó phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em.

Khu Chứng tích Sơn Mỹ- điểm đến hòa bình

Sau vụ thảm sát năm ấy, người dân Sơn Mỹ đã vượt qua nỗi đau mất mát để xây dựng lại cuộc sống. Là nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát, cũng từng giữ cương vị Giám đốc Khu Chứng tích Sơn Mỹ, ông Phạm Thành Công (67 tuổi) vẫn thường xuyên lui tới nơi này.

Với ông Công, từng cành cây, ngọn cỏ trong Khu Chứng tích gắn với những ký ức không thể nào quên. Gia đình ông Công có 6 người thì 5 người gồm cha, mẹ và các anh, chị em của ông đã mãi mãi ra đi kể từ ngày 16/3/1968.

Ông Phạm Thành Công thắp hương tưởng nhớ cha, mẹ và các anh, chị, em của ông

Một mình ông gánh nỗi mất mát quá lớn. Ông Phạm Thành Công nhớ lại: “Trong những ngày này chúng tôi rất buồn vì mất người thân nhưng khi hòa bình lập lại, nhà nước xây dựng nhà Chứng tích Sơn Mỹ để con cháu đến viếng thăm, hương khói cho người đã khuất. Giữ lại kỷ niệm đó nhằm mục đích giáo dục con cháu hiểu về chiến tranh, chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình. Chúng tôi mong quê hương, đất nước luôn luôn phồn vinh, ổn định, phát triển không có chiến tranh”.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, giờ đây, nhân dân Sơn Mỹ cùng chính quyền tỉnh Quảng Ngãi xây dựng khu Chứng tích Sơn Mỹ thành địa chỉ đỏ để các tầng lớp nhân dân, du khách thập phương đến thắp hương, tưởng nhớ và đây cũng trở thành điểm đến của hòa bình.

Hiện nay tại khu Chứng tích Sơn Mỹ đang trưng bày hơn 500 tư liệu, hiện vật, hình ảnh về vụ thảm sát Sơn Mỹ. Đặc biệt là những hình ảnh trong cuộc thảm sát do chính phóng viên Ronald Haeberle và lính Mỹ chụp lại cảnh các nạn nhân bị lính Mỹ sát hại, chủ yếu là trẻ em, phụ nữ và người già. Bất cứ ai nhìn vào những tấm ảnh ấy đều có cảm xúc mạnh.

Du khách tham quan khu Chứng tích Sơn Mỹ

Nhiều người tìm đến Khu Chứng tích như một cuộc hồi hương, như một hành trình tìm đến với hòa bình và chia sẻ nỗi đau với người dân Sơn Mỹ.

Bà Lê Thị Kim Liên cùng con, cháu từ thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đến Sơn Mỹ cho biết, tháng 3 hàng năm bà đều dành thời gian cùng con cháu đến Sơn Mỹ để hiểu hơn về giá trị của hòa bình.

“Con cháu mình vẫn phải biết về quá khứ của ông cha mình, bao nhiêu người đã phải ngã xuống để có được hạnh phúc ngày hôm nay. Quá khứ là như vậy, người ta đã gây cho đất nước mình như vậy nhưng mình không giữ mãi lòng căm thu. Bởi vì, chỉ có lòng bao dung, sự thứ tha mới làm nên những điều tốt đẹp”, bà Liên bày tỏ.

Bà Lê Thị Kim Liên cùng cháu nội và con dâu tìm hiểu các hiện vật trưng bày ở Khu Chứng tích Sơn Mỹ

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, mảnh đất Sơn Mỹ giờ đây hồi sinh một cách diệu kỳ. Hàng năm, đến ngày 16/3, tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ diễn ra lễ tưởng niệm 504 thường dân vô tội bị sát hại. Những nén nhang tưởng nhớ những người đã khuất và mọi người cùng cầu nguyện cho một thế giới hòa bình, không còn chiến tranh.

Nhân viên khu chứng tích Sơn Mỹ triển lãm ảnh và giới thiệu cho các em học sinh về lịch sử nơi này.

Ông Bùi Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Chiến lược và định hướng trong thời gian đến chúng tôi cũng muốn là nơi kết nối hòa bình, sự yêu thương. Chúng tôi cũng đang có định hướng mở rộng để phát triển du lịch cộng đồng đối với cái thôn nơi xảy ra vụ thảm sát. Từ làng quê, ngõ hẻm, từ những di tích đó sẽ trở thành sản phẩm thân thiện, độc đáo của quê hương để giới thiệu cho du khách, thu hút khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu, toát lên hình ảnh Sơn Mỹ khép lại quá khứ hướng đến tương lai”./.

Thành Long/VOV miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/khu-chung-tich-son-my-diem-den-cua-hoa-binh-post1082804.vov