Không tính nợ DNNN vào nợ công: Vỡ ra rất mệt mỏi!

Dự thảo Luật Quản lý nợ công sửa đổi tiếp tục quy định nợ công không bao gồm nợ tự vay tự trả của DNNN.

Tại hội nghị lấy ý kiến về Luật Quản lý nợ công sửa đổi tổ chức ngày 19/7, ông Vũ Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước tỏ quan điểm đồng tình với quy định này của Dự thảo Luật Quản lý nợ công sửa đổi.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, việc không trả được nợ nước ngoài của doanh nghiệp Nhà nước có thể ảnh hưởng tới hệ số tín nhiệm quốc gia và trên thực tế đã có trường hợp Nhà nước phải trả nợ thay.

Do đó, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho rằng có thể nghiên cứu bổ sung quy định cơ quan quản lý phải tổng hợp, giám sát quản lý rủi ro và được xem xét khi đánh giá các chỉ tiêu an toàn nợ quốc gia.

Việc có hay không tính nợ DNNN vào nợ công sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các chỉ tiêu an toàn nợ công

Đây là vấn đề được ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh lại. Với những khoản trên, ông lưu ý “không đưa vào nợ công nhưng phải có cơ chế quản lý ra sao cho hiệu quả, nếu không vỡ ra thì rất mệt mỏi.”

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng cảnh báo thêm việc phải kiểm soát danh mục nợ công bởi theo ông đây là vấn đề “cực kỳ quan trọng, không quản lý được thì vay mượn có khi không hiệu quả.”

Nói cụ thể hơn, ông Ngô Minh Kiểm, Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán cho rằng, dự thảo nên cần nhắc quy định: “Nợ công không bao gồm nợ của đơn vị sự nghiệp công lập, các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách.”

Ông giải thích, các đơn vị này không giống doanh nghiệp là cho phá sản. Khi các đơn vị sự nghiệp công lập không trả được nợ thì chính Nhà nước sẽ phải gánh thay. Chưa kể, nếu một số quỹ như Quỹ bảo hiểm xã hội mất khả năng chi trả sẽ dẫn tới nhiều bất ổn trong xã hội.

Ông Kiểm cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung một số khoản nợ phải trả vào nợ công như nợ xây dựng cơ bản, nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho các ngân hàng chính sách, nợ hoàn thuế giá trị gia tăng. Ông khẳng định, đây là những khoản nợ mà ngân sách phải bố trí nguồn để trả.

Đại diện ngành kiểm toán cũng đánh giá, việc không tính vào nợ công những khoản trên sẽ dẫn tới rủi ro, khó kiểm soát trong quá trình quản lý nợ công và điều hành ngân sách Nhà nước.

“Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước trong những năm qua cho thấy nợ đọng xây dựng cơ bản diễn ra phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương được kiểm toán với giá trị lớn so với quy mô ngân sách của những đơn vị này,” đại diện Kiểm toán Nhà nước lên tiếng.

Có thể thấy, vấn đề nợ của DNNN có tính vào nợ công hay không luôn là vấn đề nóng được quan tâm từ trước tới nay.

Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cũng đặt vấn đề, các DNNN đều do Nhà nước quyết hết về nhân sự và nhiều tổ chức bố trí cán bộ Đảng chuyên trách về quản lý, phải chấp hành lo kinh phí cho hệ thống chính trị trong doanh nghiệp. Cho nên toàn bộ hiệu quả trong DNNN là Nhà nước chịu.

"Đừng nói DNNN, ngay doanh nghiệp tư nhân có hàng trăm công nhân phá sản thì nhà nước cũng không thể ngồi yên, không thể không làm gì cả, huống chi là DNNN, đất đai bị phát mãi, công nhân, cán bộ một bộ phận là trong biên chế. Nói không có trách nhiệm là không được", ông Nghĩa bày tỏ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa dẫn ra số nợ của DNNN năm 2016 là 324 tỷ USD, bằng 158% GDP.

"Chúng ta cứ nói DNNN "tự vay, tự trả" nên không tính vào nợ công, nhưng con số này làm sao mà không tính vào được? Tài sản của DNNN là tài sản của Nhà nước".

Nếu tính luôn số nợ của DNNN vào nợ công thì nợ công sẽ lên đến 431 tỷ USD, bằng 210% GDP chứ không phải 63,9% GDP như cách tính hiện nay.

Vì thế, theo ông Nghĩa, gạt toàn bộ số nợ DNNN ra khỏi nợ công là không ổn. Cách xử lý như vậy quá đơn giản, phải có một cách xử lý khác.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/khong-tinh-no-dnnn-vao-no-cong-vo-ra-rat-met-moi-3339473/