Không tính đúng, tính đủ viện phí: Bệnh nhân chịu thiệt đầu tiên

Nếu chỉ nhìn vào giá khám bệnh gần 39.000 đồng, siêu âm 44.000 đồng, ai cũng nghĩ có lợi cho đa số người dân thu nhập trung bình và thấp. Thực tế có phải như vậy?

Lời tòa soạn

Tháng 8/2022, tại Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần sớm tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, giảm chi tiền túi của người dân. Yêu cầu này tiếp tục được ông nhắc lại trong lần đi kiểm tra đột xuất các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội, hồi tháng 4 vừa qua.

Thực tế, viện phí công lập thấp đang là rào cản khiến các bác sĩ các tuyến như "bó tay, bó chân", người dân bị ảnh hưởng đầu tiên. Yêu cầu phải tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết, nhất là khi chỉ còn gần nửa năm nữa, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực.

VietNamNet đăng tải loạt bài viết Cách tính viện phí ở Việt Nam lạc hậu và yêu cầu bức thiết phải thay đổi.

Kỳ 1: Cách tính viện phí ở Việt Nam lạc hậu thế nào?

Hậu quả khi không tính đúng, tính đủ viện phí

Trở lại câu chuyện của ông H. trong bài viết Cách tính viện phí lạc hậu ở Việt Nam, nếu chỉ nhìn vào giá dịch vụ siêu âm 44.000 đồng ở bệnh viện công và 400.000-500.000 đồng ở viện tư, ai cũng nghĩ giá dịch vụ y tế rất rẻ đang đứng về phía đa số người dân thu nhập trung bình và thấp.

Nhưng để phát hiện khối u ở gan, ông H. đã phải bỏ ra 2,5 triệu đồng, đi vòng qua nhiều viện, mất nhiều tháng trời mới tìm ra bệnh vì viện huyện, tỉnh nơi ông khám có nguồn thu từ viện phí và các nguồn khác thấp, không có điều kiện đầu tư trang thiết bị đủ đáp ứng cho việc khám chữa bệnh. Trong khi đó, người cùng triệu chứng chỉ mất số tiền tương tự nhưng được phát hiện bệnh sớm. Nghiêm trọng hơn, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn còn khiến chi phí điều trị tăng lên rất nhiều.

Chụp cắt lớp vi tính cho bệnh nhân tại Bệnh viện K. Ảnh: Thạch Thảo

Chụp cắt lớp vi tính cho bệnh nhân tại Bệnh viện K. Ảnh: Thạch Thảo

Đó là hệ quả đầu tiên của việc không tính đúng, tính đủ viện phí tại bệnh viện công: Viện phí thấp, nguồn thu thấp, số tiền trong quỹ phát triển sự nghiệp (trích 25% từ lãi hoạt động) để đầu tư mua sắm máy móc ít ỏi, ảnh hưởng đến quá trình chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân.

Một ví dụ khác, cách đây vài năm, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) đầu tư máy định danh vi khuẩn, giá trên 7 tỷ đồng. Mẫu bệnh phẩm được nuôi cấy vào các môi trường thích hợp, nếu có vi sinh vật mọc, chỉ cần 30 phút, máy đã chỉ ra đích danh đó là loại vi khuẩn nào.

Điều này rất có ý nghĩa đối với thầy thuốc và bệnh nhân, ở chỗ: Với những bệnh nhân nhiễm trùng nặng thì việc xác định sớm căn nguyên để lựa chọn kháng sinh đặc hiệu giúp tăng cơ hội cứu sống bệnh nhân. Trường hợp chưa xác định được căn nguyên, bác sĩ chỉ định kháng sinh phổ rộng, phối hợp nhiều loại kháng sinh để bao vây tất cả các nguyên nhân có thể. Do vậy một ngày có thể tiêu tốn tới hàng chục triệu tiền kháng sinh.

Trong khi đó, nếu định danh ngay được vi khuẩn, thầy thuốc lựa chọn được kháng sinh đặc hiệu để điều trị ngay, đôi khi chỉ cần loại thuốc trị giá vài chục đến vài trăm nghìn đồng mỗi ngày vẫn có thể khỏi bệnh.

Nếu nguồn thu thấp, không chỉ là không mua sắm được mà nếu có thì việc duy trì hoạt động của nhiều loại máy hiện đại như trên đây là khó khăn. Khi đó, chi phí điều trị mà bệnh nhân phải chi trả cũng gia tăng rất nhiều. Thực tế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng phải “cân, đo, đong đếm” các nguồn kinh phí để bảo trì, bảo dưỡng máy, do mỗi năm, hệ thống này tiêu tốn của bệnh viện khoảng 400 triệu chi phí bảo trì, chưa kể các chi phí kiểm định...

Tương tự, tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quang (Hà Giang) quy mô 250 giường bệnh, là bệnh viện tự chủ nhóm 3 (tự chủ một phần), để đầu tư một hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính (CT) giá 4 tỷ đồng, bệnh viện phải “cày 2 năm trời”, tiết kiệm rất nhiều nguồn, mới sắm được.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Phạm Mạnh Công, Giám đốc Bệnh viện, lợi ích của chiếc máy này cho người bệnh vùng cao rất nhiều, nhưng mua máy về, khấu hao, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa máy mỗi năm lên tới hàng trăm triệu đồng, cũng là bài toán khó với nguồn thu ít ỏi. Bởi ở viện này, 100% bệnh nhân đi khám có BHYT, chưa kể rất nhiều lần bác sĩ, bệnh viện phải bỏ tiền túi ra cho thêm vì điều kiện kinh tế của người bệnh rất khó khăn.

Một bác sĩ ở bệnh viện hạng I tại Hà Nội chia sẻ mức viện phí thấp sẽ khoét sâu sự bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo trong bệnh nhân. Người dân sẽ tìm mọi cách để xoay xở khi đi khám, chữa bệnh như nhờ vả năm, bảy “cầu” quan hệ để được ưu tiên cho khám hay xét nghiệm sớm, hay nhét phong bì cho nhân viên y tế, nảy sinh tiêu cực. Thậm chí, họ chấp nhận bỏ bảo hiểm và tự bỏ tiền túi ra khám, chụp chiếu…

Không thể giữ chân bác sĩ giỏi, mất động lực phát triển

Đồng tình với quan điểm mức viện phí thấp sẽ khoét sâu sự bất bình đẳng trong tiếp cận kỹ thuật cao, chuyên gia giỏi của người bệnh, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bày tỏ" "Viện phí thấp cũng không thể giữ chân chuyên gia giỏi, vừa làm mất động lực phát triển của thầy thuốc, bệnh viện”.

Theo ông, thầy thuốc cũng như mọi công dân khác, đều phải chi tiêu theo giá thị trường. Bệnh viện muốn giữ chân chuyên gia giỏi phải tạo điều kiện để họ có mức thu nhập tương xứng. Nếu không, sẽ xảy ra tình trạng bác sĩ giỏi “cống hiến vừa đủ” ở bệnh viện công, rồi ra bệnh viện tư, thậm chí ra nước ngoài mổ thuê, khám thuê, như đã và đang xảy ra.

Cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Hoàng Hà

Cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Hoàng Hà

“Nhưng nguồn thu nhập cho bác sĩ giỏi lấy từ đâu? Chắc chắn phải từ viện phí và các dịch vụ tự nguyện, trong khi viện phí thấp thì không thể trả mức xứng đáng cho bác sĩ được. Bác sĩ, nhân viên y tế cũng phải đi thuê nhà, chi tiêu cuộc sống theo giá cả thị trường, xã hội không cho chi tiêu theo mức viện phí”, ông Cấp nói.

Khi bệnh viện công lập giữ chân được bác sĩ, chuyên gia giỏi, bệnh nhân nghèo mới có cơ hội được khám bác sĩ có chất lượng dù không đủ tiền đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tư nhân.

Sau 6 năm đào tạo trong trường đại học y khoa, 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề rất khó khăn, mức lương của một bác sĩ trẻ trong đơn vị công lập chưa đến 5 triệu đồng (từ 1/7 tăng lên gần 6 triệu) đã bao gồm phụ cấp ưu đãi nghề 40%, chưa trừ nộp BHYT, BHXH.

Bộ Y tế nhiều lần khẳng định mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống, khó giữ chân cán bộ. Một vị lãnh đạo tại bệnh viện tuyến trung ương chia sẻ nhiều bác sĩ trẻ vẫn coi việc được làm việc tại các bệnh viện công lập, bệnh viện lớn, là cơ hội để học hỏi các chuyên gia hàng đầu, với mơ ước một ngày bản thân cũng sẽ thành chuyên gia, bác sĩ giỏi.

"Nếu chuyên gia tại bệnh viện sống khó khăn bằng thu nhập được trả từ nguồn thu ít ỏi của bệnh viện, sẽ làm thui chột động lực phấn đấu của thế hệ sau, dẫn đến sự tụt hậu kéo dài ở hệ thống các bệnh viện công lập. Người dân, nhất là người nghèo, lại tiếp tục là đối tượng chịu hậu quả", vị này cho hay.

Dịch vụ y tế có giá quá thấp, không chỉ không níu chân được chuyên gia mà việc giữ chân một bác sĩ bình thường tại các bệnh viện công cũng khó khăn. Theo Bộ Y tế, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, có gần 9.700 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc.

“Viện phí thấp, nguồn thu thấp, chúng tôi phải tiết kiệm vật tư tiêu hao, để đảm bảo phần thu nhiều hơn phần chi. Nhà nghèo, bữa cơm chỉ có 10.000 đồng thì chỉ được ăn sắn, không ăn thịt, để tiết kiệm”, Tiến sĩ Phạm Mạnh Công, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quang (Hà Giang) chia sẻ. Quỹ phát triển sự nghiệp được trích từ 25% tiền lãi (vốn đã ít ỏi), dùng để mua sắm trang thiết bị, máy móc, tăng thu cho cán bộ, nhân viên… Nếu mua sắm thiết bị thì việc tăng thu cho cán bộ rất khó khăn.

Thay đổi cách tính viện phí: Việc cần làm để bệnh viện công tồn tại, phát triển

"Điều cốt yếu để các bệnh viện công có thể duy trì và phát triển, là phải thu đúng, thu đủ, như vậy, mới có cơ hội, điều kiện để tồn tại, càng ngày càng giảm ngân sách phụ thuộc nhà nước", Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nói.

Kỳ 3: Viện phí công lập cấp bách phải thay đổi

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vien-phi-thap-va-noi-lo-triet-tieu-dong-luc-phat-trien-2162014.html